- "Cha tôi mê các trò cá ngựa, mạt chược. Nhiều lần cha ham mê quá, mẹ tôi rất giận. Bà không nói nặng lời, không chì chiết mà chỉ im lặng. Những lúc mẹ như vậy, cha tôi sợ lắm...", con trai của doanh nhân Trịnh Văn Bô chia sẻ.

Doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ (SN 1914, ở 21 Hàng Đào, Hoàn Kiếm), trong một gia đình giàu sang, quyền quý bậc nhất Hà Nội bấy giờ. Bà là con gái của Hoàng Đạo Phương, một thương gia, một nhà nho uyên bác.

Ông Trịnh Cần Chính, con trai thứ 6 của doanh nhân Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, chia sẻ: "Ông ngoại tôi theo Nho học, cốt cách nho nhã, điềm đạm. Bà ngoại tôi cũng là con nhà phú quý, ngoài việc buôn bán tháo vát bà còn rất đảm đang trong chuyện chăm chồng, con. 

Ông bà ngoại có 11 người con đều thành đạt, giỏng giang nhưng họ lại dành tình cảm, sự chăm sóc đặc biệt cho mẹ tôi".

{keywords}
Ông Trịnh Cần Chính bên bức ảnh chụp cha, mẹ và bà nội trong "Tuần Lễ Vàng". Ảnh: Diệu Bình

Ngoài việc được cha dạy chữ nho, 11 tuổi, bà Hoàng Thị Minh Hồ còn được đi học chữ phổ thông. Nhưng việc học của bà chỉ đến năm 15 tuổi vì con gái ngày xưa không được học quá nhiều. Mặc dù vậy, cũng như nhiều quý cô Hà thành khác, bà rất giỏi nữ công gia chánh.

Ông Chính từng nghe mẹ kể lại, ngày xưa Hà Nội có cuộc thi hoa thủy tiên vào ngày 20/1 âm lịch hàng năm. Các quý ông Hà thành đều chăm chút, gọt giũa rất cẩn thận cho các cây hoa của mình để mang tới đền Ngọc Sơn so tài. Cụ Hoàng Đạo Phương, cha của bà Minh Hồ, cũng là người mê chơi hoa thủy tiên. 

Hàng năm, sau khi lựa những bông đẹp đi thi, cụ để lại cho con gái những chậu hoa chưa được như ý để cô con gái yêu dùng hoa ướp trà.

Ông Chính lý giải: "Ngày xưa, chỉ những nhà quyền quý mới ướp trà với hoa thủy tiên để gia đình dùng đãi khách quý. Mẹ tôi vốn được dạy dỗ rất cẩn thận về nữ công gia chánh, nên bà có tài ướp và pha trà ngon nức tiếng. Tháng giêng, mẹ tôi ướp chè thủy tiên, tháng 2, 3 ướp hoa cau hoa bưởi, tháng 4, 5 bà ướp hoa sen... Trong nhà ông ngoại tôi lúc nào cũng có trà ngon đãi khách".

Bà Hồ cũng như nhiều thiếu nữ Hà Nội xưa thường vấn khăn, mặc áo dài, đi guốc mộc. Bà có nước da trắng, mũi cao và gương mặt thanh tú được xếp vào hàng giai nhân ngày đó.

Không chỉ thạo nữ công gia chánh, 13 tuổi, bà được mẹ tín nhiệm cho quản lý cửa hàng tơ lụa của gia đình. Xinh đẹp, thông minh lại con gia đình tri thức, quyền quý, bà có rất nhiều chàng trai để ý. Họ hầu hết đều là công tử của các gia đình bề thế ở Hà Nội.

"Mẹ tôi kể lại, tuổi cập kê bà cũng phải lòng một chàng trai khác nhưng khi cha mẹ mối lái, sắp xếp để nên duyên với cha tôi, bà vẫn lặng lẽ gật đầu. Một cuộc hôn nhân sắp đặt vậy mà suốt những năm tháng họ chung sống, chưa một lần tôi thấy họ nặng lời với nhau", ông Chính kể.

Không chỉ có bà Hồ, các người anh chị em khác của bà đều được cha mẹ sắp đặt hôn nhân. 

Đó là con cái của những người bạn, cha mẹ chơi với nhau rồi gả con cho nhau. Vậy mà 11 anh chị em, 9 gái 2 trai, ai cũng sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

{keywords}
Bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ doanh nhân Trịnh Văn Bô. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ông Chính chia sẻ thêm: "Tiêu chí chọn con rể của ông bà ngoại tôi rất khắt khe. Ông bà muốn con rể có đức, có tài và môn đăng hộ đối. Cha tôi, Trịnh Văn Bô, là quý tử của họ Trịnh giàu có, sở hữu thương hiệu Phúc Lợi nổi tiếng. 

Nhà cha cũng ở ngay Hàng Ngang, cách nhà mẹ tôi ở Hàng Đào chỉ hơn 100m. Bố mẹ 2 bên cũng là bạn tâm giao từ lâu. Năm 1932, mẹ lên xe hoa về nhà chồng khi tròn 18 tuổi".

Kế nghiệp một gia đình tiếng tăm, bằng tài năng bẩm sinh của mình, người phụ nữ ấy lao động không một ngày ngưng nghỉ và đã đưa sản nghiệp của nhà chồng lên đến một đỉnh cao hiếm có.

Ông Chính kể: "Bố mẹ tôi lao động rất vất vả. Sau một ngày mệt nhọc, xong bữa cơm người ta được nghỉ ngơi thì bố mẹ tôi vẫn mải miết lo các đơn hàng. 

Những ngày lễ Tết, người ta thảnh thơi nhưng một tháng Tết nhà tôi có tới 30 người làm cả đêm lẫn ngày. Ban đầu từ các hợp đồng trong nước từ Yên Bái, Lào Cai..., cha mẹ tôi vươn ra thị trường nước ngoài.

Họ làm ăn giao dịch với các nước Châu Á như Ấn Độ, các nước Châu Âu như Pháp, Anh. Mẹ tôi đảm đang nhanh nhẹn phụ trách phần giao dịch, cha tôi học rộng biết nhiều tiếng (Anh, Pháp), ông làm thông ngôn (phiên dịch) cho bà".

Trong cuộc sống vợ chồng, theo lời kể của các con, dù là chủ của gia sản lớn, gia đình từng trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm nhưng họ chưa bao giờ to tiếng.

Ông Trịnh Cần Chính nói: "Cha tôi quý tử trong gia đình giàu có, khi có vợ con rồi, cha vẫn thỉnh thoảng ham mê các thú vui bên ngoài. Cha rất thích chơi cá ngựa, mạt chược. 

Nhiều lần cha tôi mê quá, mẹ tôi bực mình và giận. Bà không nói nặng lời, không chì chiết mà chỉ thực hiện "chiến tranh lạnh", không nói năng gì. Những lúc mẹ tôi như vậy, cha sợ lắm.

Đàn ông xưa năm thê bảy thiếp nói gì cha tôi vừa đẹp trai, tri thức lại sinh ra trong gia đình giàu có nên không ít bóng hồng thầm thương trộm nhớ. Nhưng bấy nhiêu năm bên cạnh mẹ, có với nhau 7 người con, chưa một lần cha tôi làm gì có lỗi với bà".

Không chỉ giỏi kinh doanh buôn bán, bà Minh Hồ là người có tấm lòng hướng thiện. Ông Chính kể: "Bà ngoại tôi dặn mẹ về chuyện làm việc thiện, tích đức. Đây cũng là triết lý sống mà mẹ tôi thường xuyên nhắc nhở các con sau này".


Ngọc Trang - Diệu Bình