Không tiếng trống, tiếng chuông, đúng 18g lớp học bắt đầu hoạt động. Thầy không đứng trên bục giảng mà ngồi chung với trò ngay tại bàn học. Điều rất lạ, chỉ vỏn vẹn 10 học sinh mà có đến 7 - 8 thầy cô đứng lớp ...
Thầy và trò
Lớp học trong xóm lao động trên đường 18 thuộc KP 5 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM). Đều đặn mỗi tuần 6 ngày cứ tối đến, đây là nơi hội tụ của các học sinh kém may mắn - con của những gia đình lao động tại địa phương.
Chúng theo cha mẹ từ các tỉnh miền Tây lên đây. Một vài đứa người dân tộc Khmer nước da đen nhẻm. Hàng ngày, cha mẹ chúng có mặt tại các công trường. Chúng ở nhà, đứa lêu lổng, đứa lang thang. Có đứa thay mẹ chăm em vừa giặt giũ vừa cơm nước. Nói chung, chúng đều bất hạnh không đến trường được và phải sống với tuổi thơ lam lũ.
Cả ngày như thế, chỉ tối đến chúng mới sống thật sự với lứa tuổi của mình tại lớp học này. Đùa giỡn, phá phách thậm chí cả đánh nhau rồi sau đó, chăm chú vào bài học...
Quây quần bên các cô. Cô giáo là những sinh viên ở các trường đại học gần đó. |
Thầy cô đến với lớp chưa một ai tốt nghiệp trường sư phạm. Đa số đều là sinh viên của các trường đại học gần đó. Có người đã ra trường đi làm nhưng tối về tìm đến với các em. Họ rất nhiệt tình chăm các em, cố gắng truyền cho được con chữ vào trí óc non dại của chúng. Trình độ các em không đồng đều, không thể một người dạy cho cả lớp nên các sinh viên đã phải mỗi người kèm cặp một hoặc 2 em.
Lớp học gồm 2 dãy bàn có thể chứa khoảng 20 em gói gọn trong căn phòng khá rộng. Được thành lập từ năm 2011 do Đoàn thanh niên phường Linh Trung xây dựng và quản lý đến nay đã cũ kỹ và xuống cấp. Trước lớp học là một sân chơi có mái che. Nằm sát mặt tiền đường 18, lớp không bảng hiệu nhưng từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con lao động, của các sinh viên thiện nguyện và của những học sinh kém may mắn.
Vì là lớp học tình thương nên thầy cô dạy không có thù lao, học sinh không tốn học phí mà còn được cung cấp sách vở và dụng cụ học tập. Tất cả đến với trường với lớp bằng tấm lòng và sự nỗ lực vượt bậc của cả thầy trò để có được một kết quả tốt.
Chúng tôi đến thăm lớp vào một buổi tối. Người phụ trách là anh Nguyễn Xuân Thạch (27 tuổi) bận việc không có mặt. Chị Nguyễn Thị Kim Hiền tạm thế. Chị Hiền trước đây là sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM. Sau khi ra trường chị về làm việc ở KCN Đồng An và vào giờ rảnh thường xuyên đến với các bé.
Hôm nay, cùng với chị còn có 7 sinh viên của ĐH Nông lâm đến tiếp sức. Lớp học rộn ràng và chan chứa tình thương.
Cô Hiền đang kèm bé Linh tập viết trên bảng. Linh là học sinh chậm tiếp thu. Hiền cùng các bạn cố gắng trong nửa năm giúp bé Linh biết đọc và viết. |
Số phận và hoàn cảnh
Chúng tôi vào lớp học. Các bé mỗi đứa một bàn, có bàn 2 đứa. Trước mặt chúng là tập vở và cuốn sách. Có đứa làm toán, có đứa tập viết. Chúng rất chăm và rất ngoan.
- Thầy ơi chỉ dùm em bài toán này.
Thằng bé cao, gầy ngồi cạnh một bạn nữ. Thầy giáo là Ninh Viết Trí, sinh viên năm thứ 3 trường đại học Kinh tế - Luật (UEL) bước đến. Ngồi bên cạnh thằng bé, Trí xem bài toán rồi từ tốn giảng bài cho bé hiểu. Bé nghe đến đâu sáng ra đến đó và cuối cùng, bé nói: "Em hiểu rồi. Thầy để em làm".
Thầy Ninh Viết Trí đang giảng bài cho Hào. Chị của Hào, Trần Thị Như Ý cũng đang được một sinh viên trợ giúp. Phía sau Ý là bé Trần Thị Diễm Hương. |
Thằng bé tên là Trần Văn Hào, 12 tuổi, đang học lớp 2. Ngồi bên cạnh là chị ruột nó, Trần Thị Như Ý, 14 tuổi. Ý kể cho chúng tôi nghe ba mẹ Ý đều là công nhân. Mỗi ngày, họ rời nhà từ sáng sớm và tối mịt mới về. Toàn bộ công việc nhà đều do Ý đảm trách. Ý nấu cơm, giặt quần áo, quét dọn nhà cửa và lo cho em. Thằng em thì cứ lêu lổng, suốt ngày ngoài đường chỉ đến giờ cơm mới về rồi tối đến lớp học cùng chị.
Ngồi phía sau Ý là Trần Thị Diễm Hương, 12 tuổi, đang học lớp 2. Hoàn cảnh bé rất đáng thương. Mẹ bỏ đi khi còn nhỏ, hiện bé ở với cô Út. "Con ở với Út chớ không ở với ba vì ba đi giao hàng suốt ngày. Út thương con và lo cho con mọi thứ". Diễm Hương tâm sự.
Mỗi đứa một hoàn cảnh, một số phận. Tương lai của chúng đang mờ mịt ở phía trước nhưng chúng vẫn chưa hiểu được, vẫn luôn nở nụ cười trên môi.
Toàn cảnh lớp học tình thương KP 5 P. Linh Trung |
Chúng tôi nhìn trên bảng, bé Lý Thị Mai Linh, 8 tuổi, đang viết từng con số. Bé rất chăm chú. Bên cạnh bé, cô giáo Hiền theo dõi và kịp thời sửa chữa sai sót. Hiền cho chúng tôi biết, trước đây Linh theo học nhiều năm rồi nhưng vẫn không viết và đọc được vì rất nhanh quên. Nửa năm gần đây, Hiền cùng một số bạn kèm cặp Linh rất kỹ và kết quả hôm nay, Linh đọc thông viết thạo rất đáng mừng.
Linh học cùng anh là Lý Minh Kha 10 tuổi. Ba mẹ làm hồ ở công trường nên mọi việc ở nhà 2 bé phải lo. Cả 2 anh em đều hợp sức lại lo cho đứa em mới lên 2. Kha và Linh rất thương em. Có lần, một đoàn từ thiện ghé vào tặng các em ít bánh và sữa. Các bé đều ăn ngon lành. Riêng Kha gói lại từng chiếc bánh, nâng niu từng hộp sữa mang về nhà. Có người hỏi, Kha trả lời: "Em con nó thèm lắm. Con mang về cho em. Lâu lắm rồi nó chưa uống được ly sữa nào ...".
Ngồi cạnh Kha là một đứa bé đen nhánh, nhỏ con. Bé tên Danh Quang, 8 tuổi. Bé học lớp 1. "Con người dân tộc Khmer. Hiện giờ con ở với ba con mà ba con thì đi làm suốt ngày". Tôi hỏi bé mẹ con đâu. Bé cúi đầu nói nhỏ: "Ba con nghèo quá, mẹ bỏ đi rồi ...".
Kha và Danh Quang được cô giáo kèm cặp. |
"Hoàn cảnh đứa nào cũng tội nghiệp". Hiền nói với tôi như thế. "Ở đây các nhà hảo tâm cho sách và vở viết đủ cho các cháu học. Chỉ mong sao thỉnh thoảng có ai thương tình các bé cho thêm vài cái bánh vài hộp sữa, con tin các em sẽ vui lắm".
Cũng không quá khó và cũng không quá lớn lao. Với các bé những món quà này là cả niềm mong ước bởi nó rất đỗi bình thường đối với những đứa trẻ may mắn hơn nhưng hiếm khi các bé có được.
Nhà cổ bên sông dựng từ 200 cây gỗ quý của tri huyện ở Đồng Nai
Ngôi nhà cổ Trần Ngọc Du được xây dựng vào năm 1900 từ 200 cây gỗ quý, thi công suốt 2 năm trời. Tọa lạc trong khu đất rộng 1200m2, mặt tiền nhà cổ hướng ra sông Đồng Nai và mặt hậu tựa lưng vào núi Châu Thới.
Người đàn bà cứu 34 nạn nhân chìm đò được giúp trả hết nợ
Sau thời gian dài chìm trong cảnh nợ nần, bà Nguyễn Thị Hệ đã được các mạnh thường quân giúp đỡ xóa bỏ số nợ và tặng một sổ tiết kiệm để an hưởng tuổi già.
Cuối đời cô đơn của nghệ sĩ lừng lẫy Sài thành
Trong mỗi phòng ở khu dưỡng lão này, những tấm hình thuở vàng son của họ được treo đầy trên vách. Những nụ cười, những ánh mắt của một thời vang bóng được lưu giữ như báu vật.
Trần Chánh Nghĩa