- "Nguyên liệu đã hết, nghề làm nồi đất ở Bửu Long sẽ đi vào quên lãng. Nhưng lò của gia đình còn đỏ lửa là tôi còn thấy kỷ niệm của ông bà cha mẹ. Kỷ niệm ấy luôn là nỗi khao khát, nhớ nhung theo tôi suốt hàng chục năm qua...", chủ lò duy nhất ở Bửu Long ngậm ngùi chia sẻ.
Video: Chủ lò cuối cùng ở Bửu Long trải lòng
Một thời vàng son
Xóm Lò Nồi (phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) là một con hẻm rộng với nhà cửa san sát. Nơi đây, lò duy nhất còn hoạt động thuộc về gia đình ông Trần Văn Tám.
Bên trong, trên mảnh sân nhỏ, khoảng hơn 20 chiếc nồi đất còn ướt đang phơi dưới ánh nắng ban mai.
Cạnh đó, trên tường, trên mái nhà đều có nồi ướt đang phơi. Qua khỏi sân vào bên trong, chúng tôi thấy hai lò nung đang đỏ lửa. Chúng tôi hỏi thăm người phụ nữ đứng tuổi đang đưa những thanh củi vào lò về ông Tám, chủ lò.
Nhà ông Tám cách lò khoảng vài trăm mét phía bên kia đường. Chúng tôi bước vào trong. Nghe tiếng gõ cửa, một ông già đang nằm ngủ dưới thềm gạch bật dậy.
Xưởng chế tác các sản phẩm bằng đất tại nhà ông Trần Văn Tám |
Ông Trần Văn Tám (77 tuổi) chia sẻ: "Nghề này bây giờ ít việc nên tôi để cho con cháu trông coi. Chỉ khi nào có chuyện gì khó khăn lắm tôi mới giải quyết. Tôi làm nghề này từ nhỏ nay cũng phải có lúc nghỉ ngơi chứ".
Ông kể cho chúng tôi về lịch sử làng nghề Lò Nồi. Vào những năm cuối của thập niên 1940, cha ông từ quê (xã Phú Khánh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm nghề sản xuất lò nồi đi bán dạo khắp nơi.
Khi đến vùng đất Bửu Long ông cụ dừng lại. Nhận thấy vùng đất này có thể làm nghề lò nồi rất tốt nên đã trụ lại lập lò.
Hiện nay trong xưởng chỉ còn 1 công nhân vận hành máy |
Ông kể tiếp: "Ban đầu nơi đây là một vùng đất hoang vắng, không có dân cư trú. Lò của cha tôi sử dụng đất tại chỗ. Đất ở đây là loại đất sét vàng chỉ duy nhất có ở vùng Bửu Long.
Đất sét ở đây làm được các loại đồ gia dụng như bếp lò, nồi nấu cơm, niêu kho cá, cái cơi tráng bánh, khuôn bánh căn... ".
....và một thợ thủ công |
Theo ông Tám, không giống với đất sét làm gạch ngói và thậm chí với đất sét làm đồ gốm ở Lái Thiêu, đất sét Bửu Long có kết cấu địa chất rất đặc biệt. Những sản phẩm được làm từ loại đất sét này, sau khi nung lên đỏ tươi trông bắt mắt và rất bền.
"Sau đó, cha tôi trở lại quê nhà kêu gọi thêm một số anh em, bà con để cùng vào làm. Từ đó, xóm Lò Nồi chính thức mọc lên với gần 20 lò lớn nhỏ... ", ông Tám tiếp tục câu chuyện.
Người "giữ lửa" cuối cùng
Ông Tám đưa chúng tôi đi xem cơ ngơi của ông. Ngày trước, vùng này rất nhiều lò, thu hút rất đông lao động. Đi đâu người ta cũng gặp sân phơi rộng lớn, mỗi sân có thể chứa vài trăm thậm chí cả ngàn sản phẩm.
Ông chia sẻ thêm: "Lò của tôi - lò duy nhất còn lại nơi đây - nay chỉ còn là những mẻ sản phẩm lèo tèo phơi dưới đất, phơi trên cao. Cả một dây chuyền sản xuất rộng lớn bây giờ chỉ còn lại một máy và một thợ thủ công.
Những người làm ở đây đều là con cháu trong gia đình đã nhiều năm gắn bó với nghề. Hiện nay không thể kiếm được thợ ngoài bởi không có lực lượng kế thừa và cũng không còn ai mặn mà với nghề này nữa".
Sản phẩm được phơi khô trước khi đưa vào lò nung. Do không còn mặt bằng để phơi, các sản phẩm được phơi khắp nơi kể cả trên mái nhà. |
Ông Tám chỉ vào chị thợ thủ công đang hình thành những nồi đất, nói: "Cháu tôi đó, nó theo nghề từ nhỏ. Nghề này muốn đào tạo một thợ không phải ngày một ngày hai".
Xưởng chỉ còn 2 lò nung nhỏ |
Sau khi phơi xong, những sản phẩm này được tập trung về lò nung cách đó vài trăm mét trong một con hẻm hẹp. Chất đốt là củi được nung trong suốt 2 ngày với nhiệt độ 800 độ C.
Suốt gần một thế kỷ trôi qua, sản phẩm của gốm Bửu Long đã được đưa đi tiêu thụ nhiều nơi như: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh... và cả các tỉnh miền Tây tạo nên một thương hiệu gốm nung nổi tiếng.
Trong thời gian dài, “xóm nồi đất” Bửu Long vang tiếng cả khu vực, sản phẩm được đưa đi tiêu thụ khắp nơi và được nhiều người ưa chuộng.
Ông Trần Văn Tám, chủ lò cuối cùng còn lại ở xóm Lò Nồi. |
Sau 1975, vùng đất nguyên liệu nơi đây được quy hoạch. Trước đây một xe 10m3 đất tốt được bán với giá 300.000 đồng thì nay đã lên đến 3 triệu đồng. Sản phẩm làm ra không thể lên giá được bởi tính cạnh tranh với mặt hàng cùng chủng loại nhưng làm bằng kim loại.
Nhiều sản phẩm nội trợ ra đời, thay thế như nồi nhôm, bếp điện… đã khiến “xóm nồi đất” dần dần bị lép vế.
Ông chủ lò nói tiếp với giọng trầm buồn: "Hiện nay, chúng tôi có rất nhiều đơn đặt hàng nhưng vẫn không thể đáp ứng vì thiếu nguyên liệu, nhân công và mặt bằng sản xuất bị thu hẹp".
Cũng theo lời ông Tám, hiện nay chính quyền tỉnh Đồng Nai rất quan tâm đến “lò nung đất cuối cùng” ở xóm Lò Nồi này. Ông được hỗ trợ nhiều điều kiện tốt để phát triển nghề.
Ông chủ lò bày tỏ: "Nguyên liệu đã hết, nghề làm nồi ở Bửu Long sẽ đi vào quên lãng. Thế nhưng tôi cũng sẽ cố gắng đến khi không còn làm được. Lò của gia đình còn đỏ lửa là tôi còn thấy kỷ niệm của ông bà cha mẹ. Kỷ niệm ấy luôn là nỗi khao khát, nhớ nhung theo tôi suốt hàng chục năm qua...".
Chiêu độc giúp tỷ phú Sài Gòn đánh bật các đối thủ
Mặt tiền dãy nhà cũ kỹ trên đường Kim Biên có nhiều biển hiệu. Nằm lu mờ trong số các biển hiệu đó là hình ảnh người phụ nữ Nam bộ. Mấy ai còn biết nơi đây chính là trụ sở của công ty dầu và xà bông Việt Nam...
Đám cưới đình đám khắp Đông Dương của con trai tỷ phú đất Bắc
Sính lễ trong đám cưới của ông Tòng, bà Tám nhiều vô kể. Riêng lễ ăn hỏi hơn 20 mươi tráp. Chưa kể lễ "đen" (tiền mặt đưa cho nhà gái) và vàng bạc phải hàng dài người bê đỡ...
Tỷ phú cay đắng dính bẫy của mỹ nhân Sài Gòn
Sự thật nhà Lệ Hải không phải ở nơi này. Nhờ con hẻm nhỏ thông ra một con đường lớn, Lệ Hải từ giã V. đi vào nhưng sau đó vòng ra đường lớn nơi có Bình Toyota đang đợi sẵn...
Trần Chánh Nghĩa