- "Khi tôi chuẩn bị đóng cửa hàng, một người đàn ông đi chiếc ô tô sang trọng xuất hiện, đề nghị tôi vẽ giúp bức ảnh thờ cho cụ cố 7 đời của mình bằng trí tưởng tượng sao cho giống nhất. Lời đề nghị này khiến tôi khá bối rối" - họa sĩ sinh năm 1934 kể.

Dù 'tay ngang' vào nghề nhưng gần 60 năm qua, lão họa sĩ với chòm râu bạc trắng như cước vẫn ngày ngày miệt mài lưu lại những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống qua nét vẽ bằng muội than…

Ông là họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên (SN 1934), một trong những họa sĩ vẽ truyền thần hiếm hoi còn lại của phố cổ Hà Nội. 

{keywords}
Nghệ nhân vẽ truyền thần đang kí họa hình ảnh của mình.

Họa sĩ Bảo Nguyên là cựu sinh viên Vật lý nguyên tử - trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Do sức khỏe yếu cộng với biến cố trong cuộc sống nên ông đành gác lại giấc mơ nghiên cứu khoa học mà rẽ ngang làm một họa sĩ.

Từ sinh viên Vật lý rẽ ngang làm họa sĩ

Ông kể, nghề vẽ truyền thần bắt đầu xuất hiện ở nước ta khoảng thế kỷ 19. Ban đầu các họa sĩ vẽ dựa trên người mẫu thật vì thời đó nhiếp ảnh ở Việt Nam còn là chuyện hiếm.

{keywords}
Họa sĩ Bảo Nguyên đang trò chuyện với khách đến vẽ.

Tiếp đến những năm 30 của thế kỷ 20, nghề nhiếp ảnh đã rất phát triển, nhiều hiệu ảnh được mở ra. Một số người đi chụp ảnh rồi nhờ họa sĩ vẽ từ ảnh sang tranh và nghề truyền thần ảnh chính thức ra đời. 

Tuy nhiên, nghệ nhân vẽ truyền thần sinh năm 1934 cho hay, giai đoạn 1960 -1980 mới là thời kỳ hưng thịnh của nghề này.

Ông giải thích, "truyền thần" theo tiếng Hán có nghĩa là truyền lại cái thần của người được vẽ, cái "thần" đó chính là cảm xúc của mỗi con người.

Họa sĩ truyền thần phải nắm được các “hồn” của người đó mới vẽ giống được. “Hồn” ở đây là một ánh mắt, một nụ cười hay một nét riêng biệt của người trong ảnh gần như được tái hiện hoàn hảo dưới bày tay thợ vẽ.

Người họa sĩ già kể tiếp, giai đoạn đó, dọc các con phố Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Giấy, Cửa Nam…, nhiều tiệm vẽ truyền thần được mở ra. Lúc cao điểm có hơn 200 cửa hàng vẽ truyền thần ở Hà Nội.

Họa sĩ Bảo Nguyên nói: “Chất liệu để làm nên một bức ảnh truyền thần cũng được thay đổi, bao gồm giấy trô-ki (giấy xốp) hoặc giấy căng-xông, bột than (bột quát vẽ), bút vẽ, vài cây cọ làm bằng đầu tăm, chân hương, que diêm”.

{keywords}
Đồ nghề của người họa sĩ phố cổ.

Ông cho hay, giai đoạn này, theo thị hiếu người dân khi vẽ chân dung họa sĩ phải thể hiện được không gian rộng lớn với áo dài, khăn xếp, tủ chè, sập gụ, ống điếu... và chủ yếu là vẽ cho người đã khuất núi để làm ảnh thờ.

Nhưng sau này cuộc sống phát triển, thị hiếu người dân cũng thay đổi, các họa sĩ có thể sáng tạo các khung cảnh khác nhau, thậm chí là chỉ đặc tả các đường nét khuôn mặt một cách chính xác nhất.

{keywords}
Ngoài những bức ảnh chân dung, họa sĩ Bảo Nguyên còn vẽ cả những bức tranh ghi lại khoảnh khắc đời thường. 

Ngoài ảnh chân dung, nhiều người tìm đến ông nhờ vẽ cả ảnh cưới, ảnh chụp gia đình….

Giọng chậm rãi, họa sĩ già tâm sự với chúng tôi về mối nhân duyên với môn nghệ thuật đang dần mai một này. Khi là sinh viên ông đã có niềm đam mê với hội họa. Thỉnh thoảng ông mày mò tự vẽ, mua các sách về nghiên cứu bố cục, màu sắc và hình khối.

Tuy nhiên năm 1960, khi xảy ra biến cố trong cuộc sống, ông buồn chán, lang thang lên các khu phố xem người ta vẽ như một cách giải khuây.

Ông nhờ các thợ vẽ hướng dẫn mình vẽ nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Thấy vậy, ông về tự mày mò học.

“Người ta phải mất vài ba năm, thậm chí lâu hơn mới có thể ra nghề nhưng tôi chỉ tự học 3 tháng là có thể mở cửa hàng riêng”.

Ông nhớ lại vị khách đầu tiên của mình: “Ngày đầu tiên tôi khai trương cửa hàng trên phố Hàng Bài (Hà Nội). Khi đang lúi húi bày tranh, sắp xếp cửa hàng thì một người bạn cùng lớp đại học đi ngang qua thấy tên tiệm là Bảo Nguyên nên tò mò ghé vào.

Người bạn thấy tôi, thoáng chút ngỡ ngàng vì không nghĩ tôi lại từ bỏ 5 năm đại học để theo nghề này. Cậu ta bảo: “Vậy tôi mở hàng cho”. Sau đó tôi đã vẽ cho bạn bức đầu tiên của cửa hàng. Hôm đó là ngày 15/8/1960”.

Vào thời kỳ đổi mới, họa sĩ Bảo Nguyên gia nhập Hợp tác xã mỹ thuật Thăng Long. Khi Hợp tác xã giải thể, ông chính thức gắn bó với cửa hàng nhỏ chưa đầy 10 m2 trên phố Hàng Ngang.

Nghệ nhân vẽ tranh chia sẻ thêm, tranh truyền thần của ông hoàn toàn vẽ bằng muội than (còn gọi là muội đèn), đây là loại chất liệu khó phai và rất bền màu theo thời gian.

“Kỳ nhân” vẽ truyền thần cho người đã khuất bằng… thơ

Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, ông cho biết, khách tìm đến ông không chỉ nhờ vẽ lại người thân của họ qua ảnh mà có khi họ nhờ ông vẽ cả những người đã khuất trước khi công nghệ chụp ảnh xuất hiện ở Việt Nam, như trường hợp vẽ cho ông nghè Vũ Tông Phan cách đây nhiều năm.

{keywords}
Họa sĩ Bảo Nguyên bên bức họa ông nghè Vũ Tông Phan do ông vẽ.

“Nếu truyền ảnh sang thì dễ nhưng truyền thần cho người không biết mặt thì khó bội phần. Lần đó, vào buổi chiều muộn, khi tôi định đóng cửa ra về thì bất ngờ một người đàn ông từ chiếc xe ô tô sang trọng bước xuống.

Ông ta khẩn khoản nhờ tôi vẽ giúp một bức làm ảnh thờ cho cụ cố 7 đời là ông nghè Vũ Tông Phan. Cụ Vũ Tông Phan mất năm 1851, mãi đến năm 1875 nhiếp ảnh mới phát triển rộng rãi ở Việt Nam nên không có ảnh lưu lại”.

Nghe người đàn ông nói, ông Nguyên định từ chối vì không có ảnh làm sao truyền thần. Nhưng trước sự nài nỉ của người khách, ông đành đồng ý.

Nhận lời nhưng ông Nguyên khá lo lắng, mất nhiều ngày suy nghĩ, tìm cách vẽ. Cuối cùng, ông bảo vợ đọc thơ Vũ Tông Phan cho nghe, để ông cảm được cái “hồn” và tính cách của cụ. Bên cạnh đó, ông còn tìm hiểu về tính cách, tiểu sử của ông nghè Vũ Tông Phan qua lời kể của người cháu 7 đời.

Ròng rã gần 1 tháng, bằng những vần thơ và tiểu sử của nhân vật, họa sĩ truyền thần đã hoàn thành xong bức tranh. Hiện bức tranh vẫn được ông Vũ Thế Khôi, cháu 7 đời của cụ Vũ Tông Phan, thờ ở Hải Dương.

Ngoài bức vẽ cụ Vũ Tông Phan, ông Nguyên còn có một số bức vẽ nổi tiếng như bức vẽ nhà sử học Ngô Sỹ Liên, nhà văn Lan Khai  - Nguyễn Đình Khải.

Nhiều bức vẽ của ông từng được đưa đi triển lãm ở Nhật Bản, Anh, Pháp và Mỹ.

Chia sẻ thêm về cuộc hôn nhân của mình với người vợ tào khang - vốn là con gái gia đình giàu có ở phố cổ, họa sĩ sinh năm 1934 nói: “Vợ tôi tên là Cát Thị Ngọc Vân, con gái Hà Nội gốc. Bà ấy là học sinh học vẽ của tôi. Chúng tôi kết hôn năm 1969, lần lượt sinh được 3 người con. 

Trong đó chỉ có 1 cậu con trai theo nghề bố nhưng giờ đang sinh sống ở nước ngoài. Điều tôi đau đáu nhất là giữ gìn được nghề này cho thế hệ mai sau nhưng giờ ít người muốn gắn bó…”, nghệ nhân phố cổ trải lòng.

Người mẹ miền Tây sửng sốt khi con gái tặng hộp tiền lớn dịp 8/3

Người mẹ miền Tây sửng sốt khi con gái tặng hộp tiền lớn dịp 8/3

Đoạn video ghi lại hình ảnh bà mẹ được con gái tặng cho hộp quà đầy những tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng nhân dịp 8/3 đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người.

Thủy Anh chia sẻ bí quyết giảm cân sau 2 lần sinh nở

Thủy Anh chia sẻ bí quyết giảm cân sau 2 lần sinh nở

Mặc dù đã qua 2 lần sinh nở nhưng vợ của ca sĩ Đăng Khôi - Thủy Anh vẫn luôn sở hữu thân hình thon gọn, khiến nhiều phụ nữ phải ngưỡng mộ.

Chuyện tình của nữ thợ may phố cổ 4 lần trả trầu cau dạm hỏi

Chuyện tình của nữ thợ may phố cổ 4 lần trả trầu cau dạm hỏi

Bà Quyến kể về cuộc hôn nhân của mình. Bà lấý chồng từ năm 1958, khi mới 17 tuổi. Đến nay đã 60 năm trôi qua nhưng hai vợ chồng bà vẫn dành cho nhau những tình cảm vẹn nguyên như thưở ban đầu.Phố 

Nhật Linh -  Thanh Hải