Vì sao khi đến tuổi mãn kinh, phụ nữ dễ bị loãng xương? Đơn giản là vì vào tuổi này, tế bào hủy xương hoạt động mạnh lên và lấn át tế bào tạo xương.
Bình thường, 2 loại tế bào này hoạt động nhịp nhàng với nhau nhưng khi đến tuổi mãn kinh thì hoạt động đó mất dần theo nồng độ nội tiết tố nữ estrogen trong máu và sự hoạt động thể chất ngày một ít đi.
Vận động nhiều kèm với việc sử dụng nội tiết tố nữ có thể phòng và làm chậm bệnh loãng xương. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bệnh lý tim mạch có xu hướng tăng khi dùng nội tiết tố nữ kéo dài. Vì vậy, chỉ dùng nội tiết tố nữ ngắn hạn để phòng những cơn bốc hỏa, nhức đầu dữ dội, nhức xương, mất ngủ, nóng nảy... trong vài năm đầu của mãn kinh mà thôi.
Để phòng loãng xương nên chú trọng dinh dưỡng và nhất là hoạt động thể lực. Tập thể dục thể thao lúc trẻ sẽ tăng độ đậm đặc của xương, tức là mật độ khoáng chất của xương sẽ cao, từ đó sẽ làm chậm tiến trình loãng xương khi có tuổi.
Xương cũng như các cơ quan khác trong cơ thể có chức năng rất rõ ràng: Xương sọ và cột sống bảo vệ hệ thần kinh, các xương khác với hệ thống cơ bắp hỗ trợ sẽ giúp cơ thể di chuyển... Cấu trúc của xương chỉ dày chắc và cứng cáp nếu có sự co kéo của gân, cơ bắp và sức nặng đè lên đầu xương. Chỗ nào gân bám vào xương, chỗ nào chịu sự đè nặng (xương gót, 2 đầu xương đùi, 2 đầu xương chày...) thì ở đó xương đặc và chắc hơn những nơi khác nhiều.
Mật độ khoáng chất của xương cao nhất vào những năm 28-30 tuổi, sau đó giảm dần, tới tuổi mãn kinh thì giảm nhanh hơn. Chính điều này dẫn đến sự co kéo của gân, cơ bắp và sức nặng đè lên các đầu xương giảm dần, cuối cùng bệnh loãng xương xuất hiện.
Để phòng ngừa bệnh loãng xương, cần cung cấp cho cơ thể đầy đủ dưỡng chất như protein, canxi, phốt-pho, vitamin D... Dùng mỗi ngày từ 1.000-1.200 mg canxi bằng cách uống viên canxi hay ăn các loại đậu, mè, tôm, cua, ghẹ, trứng, sữa... Mỗi ngày, cần uống 400 UI vitamin D, bổ sung vitamin K2 từ lòng đỏ trứng, phô mai, sữa đông. Nên nhớ rằng rượu, thuốc lá, cà phê là những thức ăn nên tránh vì chúng làm giảm lượng canxi trong cơ thể; ăn mặn quá cũng vậy.
Cùng với dinh dưỡng, cần siêng năng tập thể dục để tăng sức co kéo của gân, cơ bắp và sức chịu đựng của xương. Bắt đầu tập từ khi còn trẻ là rất tốt. Tập thể dục thể thao nhằm tác động vào xương chứ không nhằm làm nở bắp thịt. Tập vừa sức mình, không nên quá sức. Ví dụ, đi bộ mỗi ngày 30 phút/5 ngày/tuần, sau vài tháng có thể tăng lên 45 phút/ngày...
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn
(Theo Người lao động)