"Niềm vui khi kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân khiến tôi say sưa nghiên cứu nhiều đề tài mới”- PGS.TS Bạch Khánh Hòa, người phụ nữ duy nhất đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2012 chia sẻ lý do suốt cuộc đời miệt mài với những công trình khoa học…

Trọn đời cống hiến

Dù đã nghỉ hưu, nhưng 3 năm nay, hàng ngày đều đặn từ 7h đến 19h PGS-TS Bạch Khánh Hòa (nguyên Trưởng khoa Sàng lọc - Viện Huyết học truyền máu Trung ương) vẫn có mặt Viện để tiếp tục công việc nghiên cứu. Đầu năm 2013, bà vinh dự là người duy nhất của Việt Nam đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2012.

PGS-TS Khánh Hòa sinh năm 1955, quê gốc ở Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống chữa bệnh cứu người (bà là con gái thứ hai của cố GS.BS. Bạch Quốc Tuyên - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ). Dù thi đỗ trường Đại học Bách khoa, ngành Chế tạo máy nhưng nghe lời bố, bà chuyển sang học Đại học Y Hà Nội nối tiếp truyền thống gia đình.

{keywords}


Năm 1978, tốt nghiệp ĐH, về công tác tại Khoa Huyết học - Truyền máu (BV Bạch Mai), nay là Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, bên cạnh nhiệm vụ thực hiện một số xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán, bà cùng đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên khoa sâu về “miễn dịch huyết học”; trong đó có những nghiên cứu về rối loạn di truyền tế bào ở cựu chiến binh chiến trường B và con cái họ, nghiên cứu về thai dị tật và những hậu quả do chiến tranh hóa học để lại, từ đó sản xuất bộ sinh phẩm định lượng alpha phetoprotein nhằm phát hiện rất sớm hiện tượng bất thường của thai nhi.

Năm 2002, bà tham gia đề tài Nghiên cứu các biến đổi về di truyền, miễn dịch, sinh hóa, huyết học và tồn lưu dioxin trên các đối tượng bị phơi nhiễm có nguy cơ cao. Đề tài này có quy mô lớn và tương đối toàn diện, có giá trị sử dụng trong chẩn đoán, điều trị nạn nhân chất độc hóa học. và đã đạt Giải 3, Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2011.

Bên cạnh những công trình này, PGS-TS Bạch Khánh Hòa còn được giới y học biết tới với đề tài nghiên cứu về “kháng nguyên bạch cầu”, luận án phó tiến sĩ đã được bà bảo vệ thành công năm 1990.

Những năm đầu của thập kỷ 90, bà là một trong số ít bác sĩ có khả năng chọn người hiến thận phù hợp cho từng ca ghép thận. Năm 1992, bà tham gia ca ghép thận đầu tiên do Việt Nam thực hiện, được tiến hành ở BV Quân y, sau đó đã được nhận bằng Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam. Từ đó, bà thường xuyên tham gia hỗ trợ các bệnh viện như BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Nhi trung ương, BV 19-8 triển khai công tác ghép thận, gan và đặc biệt là ghép tủy. 

Lấy nụ cười bệnh nhân làm lẽ sống

Say mê với nghiên cứu khoa học, hiện PGS-TS Bạch Khánh Hòa còn đeo đuổi nghiên cứu về kháng nguyên hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu đoạn trung tính nhằm hỗ trợ cho công tác điều trị hiệu quả cao hơn. Đồng thời, bà nghiên cứu và ứng dụng những kỹ thuật mới trong sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu (HIV, HCV, HBV, giang mai, sốt rét) nhằm mục đích có máu sạch để phục vụ cho điều trị.

PGS-TS Bạch Khánh Hòa còn phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện chương trình ngoại kiểm, sản xuất những bộ panel vi rút viêm gan B, viêm gan C phục vụ cho công tác ngoại kiểm của các ngân hàng máu trên cả nước. Cũng từ nhiều năm nay, với nhiệm vụ là thư ký của Tiểu ban phòng chống HIV/AIDS, bà đã tham gia đào tạo và hướng dẫn cho các tỉnh về nhân sự, phương tiện và khả năng thực hiện kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS. Hiện, bà còn đảm nhận công tác đào tạo sinh viên, thạc sỹ, tiến sỹ tại trường ĐH Y Hà Nội; hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật mới cho các bác sỹ tại nhiều bệnh viện trong cả nước.

Gần 40 năm gắn bó với nghề y, PGS.TS Khánh Hoà kể, dù công việc luôn dồn dập, nhưng chưa khi nào bà muốn guồng quay ấy dừng lại. Bà cũng chẳng muốn mình được “sống chậm”, bởi những người bệnh đang chờ bà.

“Chưa khi nào tôi làm việc với mục đích để tiến thân hay để được vinh danh. Mà những công trình nghiên cứu chỉ với mục đích duy nhất là những người bệnh có được một cuộc sống như bao người bình thường khác, để nỗi đau ngày một giảm đi. Hạnh phúc của tôi là khi thấy nụ cười của bệnh nhân”, PGS.TS Khánh Hòa nói.

Với niềm đam mê và những đóng góp không mệt mỏi trong nghiên cứu khoa học y học, PGS.TS Bạch Khánh Hòa đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú năm 2010, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được nhận nhiều danh hiệu cao quý khác. Giải thưởng Kovalevskaia là phần thưởng cao quý tiếp tục tôn vinh những đóng góp khoa học của bà trong suốt những năm qua.

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2012 được trao cho một tập thể (các nhà khoa học nữ thuộc Trung tâm Sinh học thực nghiệm, Viện Ứng dụng công nghệ thuộc Bộ KH&CN) và một cá nhân nữ khoa học xuất sắc (PGS-TS Bạch Khánh Hòa, nguyên Trưởng khoa xét nghiệm sàng lọc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương)

Mang tên nhà khoa học nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ 19 Sophia Kovalevskaia, giải thưởng nhằm mục đích biểu dương, động viên, khuyến kích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở các nước đang phát triển, dưới hình thức trao giải thưởng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.

M.M (tổng hợp)