Theo bs Nguyễn Văn Lộc (Nguyên Phó giám đốc BV Nhi TƯ), mức nhiệt điều hòa người lớn thấy nóng thì đối với trẻ là vừa.
Một độc giả tâm sự về quan điểm Con 4 tháng, dại mới bật điều hòa: "Mấy hôm nay, nhiệt độ có những hôm cao điểm lên đến gần 40 độ, thậm chí ngay cả khi bật quạt cũng phả ra hơi nóng. Em thì đã đành, nhưng bé nhà em cũng không chịu được trời nóng. Lưng bé lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi, nhất là những lúc bú mẹ. Có lẽ quá khó chịu, nên từ hôm qua bé bắt đầu bỏ ăn, quấy khóc không chịu ngủ.
Thấy con như vậy, em xót ruột quá nên bàn với chồng bật điều hòa cho bé dễ chịu. Chồng em chưa kịp nghe đã lắc đầu quầy quậy sợ con còn bé quá chưa chịu được hơi lạnh của điều hòa. Anh còn nói rằng điều hòa sẽ khiến bé khó thở vì không khí quá khô. Chưa kể đến việc em trông con hay phải bế cháu đi lại trong nhà, từ phòng ra ngoài không khí thay đổi cháu dễ ốm. Thấy chồng nói vậy em cũng nhụt chí, vì dù sao nhà em sinh mãi mới được mụn con, giờ làm gì sơ sảy để bé ốm em cũng không đành lòng. Nhưng nếu thời tiết cứ nóng nực như hiện tại thì không biết em phải làm sao để cho bé ăn ngủ như trước".
Trẻ nằm điều hòa vẫn toát mồ hôi nhưng không phải do nóng
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc (Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, dù thời tiết nắng hay rét, tất cả trẻ em cũng có hiện tượng toát mồ hôi. Dù trong phòng điều hòa, đứa trẻ vẫn có thể toát mồ hôi do điều tiết của thần kinh giao cảm và phó giao cảm chưa được tốt. Cho đến nay chưa có thuốc nào để hạn chế toát mồ hôi. Vì vậy, phụ huynh tuyệt đối không mua thuốc theo truyền tai nhau. Chỉ dùng biện pháp cơ học tức là dùng khăn lau mồ hôi để tránh trẻ bị ngấm nước vào trong.
“Trẻ 4 tháng có thể dùng điều hòa nhưng mức nhiệt độ phải ở mức 28-29 độ C, tuyệt đối không được thấp hơn mức nhiệt này”, bác sĩ Lộc nhấn mạnh.
Mức nhiệt hợp lý cho trẻ nằm điều hòa là 28-29 độ C (Ảnh minh họa) |
Theo bác sĩ Lộc, trẻ em không giống người lớn, việc điều nhiệt của trẻ hoàn toàn khác. Vì trung tâm điều nhiệt của trẻ chưa hoàn thiện, hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm chưa hoàn thiện, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Vì vậy, khi nhiệt độ ngoài trời hơi tăng lên trẻ em đã bị nóng, do cơ thể không điều tiết được.
“Với trẻ sơ sinh, giữ nhiệt độ rất quan trọng, vì dưới da có 2 loại mỡ không no và no. Nếu nhiệt độ hạ thấp thì trẻ sơ sinh bị phù cứng bì. Trong phòng nuôi dưỡng sơ sinh ở bệnh viện luôn có mức nhiệt độ từ 29-30 độ C. Phù cứng bị rất khó chữa, có thể dẫn đến tử vong”, bác sĩ Lộc cho hay.
Điều hòa cho trẻ sơ sinh nên để mức 29 độ C
Về việc dùng điều hòa cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc khuyên, đối với trẻ sơ sinh, khi dùng điều hòa để mức nhiệt độ 29 độ C trở lên. Khi người lớn đi vào phòng trẻ sơ sinh phải thấy nóng và toát mồ hôi, nếu người lớn cảm thấy mát thì trẻ sơ sinh sẽ lạnh.
Trẻ dưới 5 tuổi, hệ thần kinh điều hòa chưa được tốt nên nhiều gia đình dùng 25 - 26 độ C là rất nguy hiểm. “Tuy nhiên, nếu phụ huynh để điều hòa ở mức nhiệt 28-29 độ C, nửa đêm về sáng cũng cần chú ý. Vì lúc đó nhiệt độ ngoài trời dù nóng thế nào cũng có giảm một chút. Cho nên, có thể tắt điều hòa từ 1-2h sáng trở đi và dùng quạt phân gió”, bác sĩ Lộc nói thêm.
Nguyên tắc phải nhớ khi cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa
Bác sỹ Nguyễn Văn Lộc khuyến cáo thêm những lưu ý cho các bậc cha mẹ:
- Tuyệt đối không bế thốc trẻ đang nằm trong phòng điều hòa ra bên ngoài ở mức nhiệt độ cao hơn dẫn đến bị sốt, cảm cúm.
- Dù để điều hòa nhiệt độ ở mức 28 độ C, phụ huynh vẫn cần mặc cho trẻ quần áo dài, không nên mặc quần áo ngắn tay dẫn đến dễ nhiễm lạnh.
- Để tránh bị khô khi nằm điều hòa, có thể đặt thêm chậu nước bên trong phòng để tạo độ ẩm.
- “Ngoài ra, dùng điều hòa lưu ý không để gió điều hòa chốc thẳng vào người của trẻ”, bác sĩ Lộc lưu ý.
(Theo Khám phá)