Nhờ chuyển đổi từ những cây ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, áp dụng khoa học kỹ thuật, cho năng suất cao, nhiều nông dân đổi đời, thu tiền trăm triệu mỗi năm.

Thoát nghèo bền vững

Trước đây, ông Huỳnh Hữu Vân (thôn Hòa Thanh, xã Ea nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) chỉ canh tác các loại cây ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp, làm bao nhiêu cũng chỉ đủ ăn. Năm 2012, ông Vân quyết định cải tạo vườn, xử lý đất, đào giếng, mua giống cam sành và quýt đường miền Tây về trồng thử nghiệm. Với việc áp dụng các kỹ thuật chăm sóc mới, đến nay, vườn cây 8 sào đất cho gia đình gần 150 triệu đồng tiền lãi mỗi năm.

Không chỉ dừng lại ở cây cam, quýt, ông Vân còn trồng thử nghiệm hơn 100 cây nhãn Thái. Gia đình ông Vân đã thoát nghèo bền vững từ năm 2017, được đánh giá là một điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Ông dự định bán thêm cây giống và hỗ trợ bà con trong thôn có nhu cầu chuyển đổi cây trồng về kỹ thuật để cùng vươn lên thoát nghèo.

Tại huyện Đăk Pơ, Gia Lai, nhiều nông dân cũng chuyển đổi từ những cây ngắn ngày sang cây ăn quả. Như ông Phạm Văn Đông (xã Cư An, huyện Đăk Pơ) trước đây chỉ trồng mía, hoa màu nhưng hiệu quả kinh tế thấp và bấp bênh, ông đã chuyển sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với 3,5ha vườn, ông Đông trồng quýt, bơ, na, bưởi, cam. Việc đa dạng hóa cây trồng giúp ông có nguồn thu ổn định với mức bình quân từ 350-400 triệu đồng/năm.

{keywords}
 

Được biết tại xã Ea nuôl - Buôn Đôn hay Cư An - Đăk Pơ, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động các hộ dân chuyển đổi cây trồng hợp thổ nhưỡng, phối hợp với trạm khuyến nông, các công ty thuốc bảo vệ thực vật hướng dẫn canh tác và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, định hướng đầu ra giúp người dân yên tâm sản xuất.

Hình thành nhiều vùng chuyên canh

Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phá bỏ các loại cây ngắn ngày, kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, hình thành nên những vùng chuyên canh, giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Với Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Hậu Giang đã tạo điều kiện cho người dân thực hiện các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần tăng thu nhập, phát triển sản xuất bền vững. Điển hình như tại huyện Phụng Hiệp, trước đây huyện có hơn 9.550 ha mía nhưng trong gần 3 năm qua, nông dân trong huyện đã chuyển hơn 2.000 ha mía ngoài đê bao thường xuyên bị ảnh hưởng lũ, năng suất không cao và hơn 200 ha vườn tạp sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, nâng diện tích cây ăn quả của huyện đạt hơn 7.600 ha.

{keywords}
 

Tại Khánh Hòa, địa phương này đang ưu tiên phát triển các loại cây trồng chủ lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiêu biểu như huyện Khánh Vĩnh tập trung phát triển 4 loại cây trồng chủ lực gồm bưởi da xanh, mít nghệ, sầu riêng, xoài, phá bỏ các loại cây ngắn ngày, năng suất thấp. Đến nay, huyện Khánh Vĩnh đã xây dựng được các vùng chuyên canh cây ăn quả với khoảng 300 ha, một nửa trong số đó đã cho thu hoạch. Các sản phẩm này có đầu ra ổn định, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha cho người dân.

Mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động và tích cực học hỏi kinh nghiệm để áp dụng thực tiễn đang mang lại những hiệu quả thiết thực cho nông dân, đây là những mô hình hay giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững.

Phương Cúc - Ngọc Cương (tổng hợp)