Trong 2 giờ, các chuyên gia sản phụ khoa đã giải đáp những thắc mắc của bạn đọc VietNamNet về ung thư cổ tử cung cũng như cách thức chủ động tầm soát, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh. 

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính, thường gặp ở độ tuổi trên 30. Đây là căn bệnh ung thư đứng thứ tư trong các loại ung thư và đứng hàng thứ hai trong các ung thư phụ khoa ở nữ giới về tỷ lệ mắc phải cũng như tỷ lệ tử vong, chỉ sau ung thư vú. Tại Việt Nam, có hơn 5.300 ca mắc mới ung thư cổ tử cung mỗi năm, và gần 50% trong số đó tử vong. Ước tính trung bình mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này.

Đáng e ngại là, UTCTC ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng cụ thể, rõ ràng; nếu có thì đa phần là những dấu hiệu nhiều phụ nữ dễ bỏ qua, đến khi có những triệu chứng như đau vùng chậu, xuất huyết bất thường,… thì bệnh đã vào giai đoạn muộn…Trong khi, điều trị ung thư cổ tử cung thành công hay không phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh. Tỷ lệ điều trị khỏi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm lên đến 90%, nên việc thực hiện tầm soát để phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung là vô cùng quan trọng.

Thêm một thực trạng hiện nay là tâm lý "ngại khám phụ khoa" và thói quen chỉ chạy chữa khi bệnh trở nặng đã cản trở nhiều phụ nữ tới các cơ sở y tế thăm khám định kỳ.

Ngày nay khoa học tiên tiến đã có nhiều phương pháp sàng lọc hiệu quả, nhiều xét nghiệm giúp phát hiện vi-rút HPV nguy cơ cao – là nguyên nhân của hơn 99% ca UTCTC.Tiếp cận các giải pháp này như thế nào? Sử dụng các công cụ đó ra sao, lúc nào thì phù hợp?... đang là những câu hỏi mà nhiều chị em phụ nữ còn thắc mắc.

Đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc về căn bệnh ung thư cổ tử cung, báo VietNamNet phối hợp cùng Roche Việt Nam, BV Phụ sản Trung Ương tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến: Tầm soát Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.

Khách mời:

- PGS.TS.BS. Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương.

- TS.BS. Đinh Bích Thủy - Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương.

{keywords}
Bà Hoàng Thị Bảo Hương, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet tặng hoa cho các khách mời. Ảnh: LAD

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

Tô Thanh Thảo , Nữ - 33  Tuổi

Cho tôi hỏi triệu chứng sớm nhất về bệnh ung thư cổ tử cung, biểu hiện để nhận biết. Xin chân thành cám ơn!

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Sau quan hệ tình dục ra máu, ra huyết trắng bất thường và điều trị dai dẳng không khỏi. Nếu đến muộn có các biểu hiện: đau vùng hạ vị, có thể bí tiểu, bí đại tiện hoặc bị kích thích đi ngoài nhiều lần.

Nguyễn Thị Ngọc Hiếu , Nữ - 25  Tuổi

Làm sao để phát hiện kịp thời ung thư cổ tử cung? Có những triệu chứng gì? Làm sao phân biệt được với những triệu chứng đau bụng kinh thông thường? Mong nhận được câu trả lời từ Bác sĩ. Cám ơn Bác sĩ!

TS. BS Đinh Bích Thủy: Bạn nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 đến 12 tháng/lần để phát hiện sớm UTCTC. Triệu chứng của UTCTC như ra máu bất thường ngoài kỳ kinh nguyệt, ra máu khi giao hợp, rong kinh rong huyết, ra dịch hôi bất thường, đau hạ vị. Đau bụng kinh thông thường thì khi hành kinh bị đau, con đau bụng do ung thư thì có thể đau bất cứ lúc nào.

{keywords}
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: LAD

Đặng Thị Hồng Hiếu , Nữ - 42  Tuổi

Năm nay tôi 42 tuổi, tôi cảm nhận thấy cơ thể bình thường, không thấy biểu hiện gì đặc biệt ở phần phụ (không ra nhiều khí hư, không đau, mỏi lưng). Do ngại nên tôi rất ít đi khám. Tuy nhiên, cũng lo lắng về căn bệnh ung thư cổ tử cung. Vậy tôi có nên đi khám phụ khoa thường xuyên không. Nếu khám thì nên khám ở đâu trên tuyến trung ương để hiệu quả nhất. Cách khám như thế nào, xin bác sĩ tư vấn cho tôi. Xin cảm ơn!

PGS.TS.BS Vũ Bá Quyết: Tất cả phụ nữ đã quan hệ tình dục nên đi khám phụ khoa hàng năm 1 đến 2 lần. Các bệnh viện Trung ương và Hà Nội có khoa sản, bệnh viện ung bướu, bệnh viện K đều có khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. 

Các bác sĩ sẽ khám toàn thân, đặc biệt là đặt mỏ vịt thăm khám âm đạo, cổ tử cung, làm các xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, soi cổ tử cung và khám phụ khoa để đánh giá tử cung và phần phụ. Có thể kiểm tra siêu âm. Và cũng không quên khám vú.

Tào Thị Thùy Duyên , Nữ - 22  Tuổi

Bác sĩ cho em hỏi làm sao để phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung sớm, có những dấu hiệu nào dễ nhận biết nhất ạ. Vì em thường xuyên hay bị đau bụng dưới nhưng lại chưa có thời gian đi khám. Bác sĩ tư vấn giúp em với ạ.

TS. BS Đinh Bích Thủy: Ngoài vắc xin phòng chống thì có các xét nghiệm tầm soát UTCTC như xét nghiệm tế bào CTC, xét nghiệm HPV. Nếu có triệu chứng đau bụng dưới, em nên đi khám phụ khoa và làm các xét nghiệm tầm soát UTCTC.

đào Thị Hưng , Nữ - 45  Tuổi

Xin hỏi bác sỹ: Tiêm phòng UTCTC ở độ tuổi nào là tốt nhất, độ tuổi 25 tiêm phòng UTCTC có tác dụng nữa không và sau tiêm phòng bao lâu thì tiếp tục sinh con được. Cảm ơn bác sỹ

PGS.TS.BS Vũ Bá Quyết: Tiêm vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung trong độ tuổi từ 9-26 tuổi. Chị 25 tuổi vẫn trong độ tuổi tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Theo nguyên tắc, nếu tiêm bất cứ loại vắc-xin nào mà muốn có thai thì nên có thai sau 3 tháng.

Sang Nguyen , Nữ - 23  Tuổi

Em muốn hỏi bác sĩ là ngoài tiêm vắc xin phòng ngừa thì mình còn biện pháp nào khác để phòng tránh không ạ. Phương pháp sàng lọc này ở tất cả các bệnh viện đều có đúng không ạ?

TS. BS Đinh Bích Thủy: Đối với xét nghiệm tế bào CTC thì phần lớn từ các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên. Còn xét nghiệm HPV thì ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Hoang Thị Thơ , Nữ - 25  Tuổi

UTCTC có phân biệt ra là vùng nào có tỉ lệ mắc bệnh cao vùng nào không không ạ?

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Hiện tại chưa có điều tra dịch tễ học về mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở các vùng miền.

{keywords}
PGS.TS.BS Vũ Bá Quyết giải đáp các thắc mắc của bạn đọc VietNamNet. Ảnh: LAD

Lan Pham , Nữ - 23  Tuổi

Bênh này thường có những biểu hiện rõ rệt nhất là gì vậy ạ? Mình nên làm gì để phòng tránh nó.

TS. BS Đinh Bích Thủy: Nếu giai đoạn sớm thì hầu như không có biểu hiện gì, trong giai đoạn này thì chỉ phát hiện được khi đi khám phụ khoa và làm các xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Còn nếu ở giai đoạn muộn thì có các biểu hiện như tôi vừa trả lời ở trên. Nếu muộn nữa thì sụt cân, gầy mòn, mệt mỏi, kém ăn... Đôi khi còn có những biểu hiện ở những cơ quan khác do di ăn như đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu.

Lê Thi Hà , Nữ - 29  Tuổi

Em năm nay 29 tuổi, chưa từng quan hệ với ai, vậy em có nguy cơ bị UTCTC không?

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Với tuổi 29 mà chưa quan hệ tình dục thì hầu như không có ung thư cổ tử cung nhưng có thể ung thư cổ tử cung thứ phát do ung thư niêm mạc tử cung lan xuống.  

Nguyễn Thị Kim Dung , Nữ - 43  Tuổi

Thưa bác sĩ, biểu hiện đầu tiên của UTCTC là gì ạ? Đến bao nhiêu tuổi thì lên định kỳ tầm soát UTCTC và thời gian đi khám định kỳ tầm soát UTCTC là bao lâu ạ? Để phòng chống bệnh UTCTC thì cần phải làm gì, uống thuốc gì mà phương pháp rèn luyện cơ thể thế nào? Xin chân thành cảm ơn các bác sĩ!

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Biểu hiện đầu tiên của ung thư cổ tử cung là ra máu âm đạo bất thường sau quan hệ tình dục, ra khí hư, ra máu, đôi khi đau ở hạ vị và bí tiểu tiện, đại tiện. 

Sau khi quan hệ tình dục thì nên tầm soát ung thư cổ tử cung và đi khám phụ khoa định kỳ hàng năm 1-2 lần. 

Để phòng ung thư cổ tử cung bạn nên khám phụ khoa, điều trị các viêm nhiễm, tổn thương thông thường ở cổ tử cung, làm các sàng lọc xét nghiệm sớm, quan hệ tình dục lành mạnh. Nên tăng cường thể dục thể thao, ăn nhiều rau xanh, ít chất mỡ động vật, không hút thuốc lá và hạn chế bia rượu.

Pham Thi Van Phuong , Nữ - 33  Tuổi

Thưa bác sĩ, thường đối tượng nào có nguy cơ mắc UTCTC cao nhất ạ? Không quan hệ tình dục có bị UTCTC ko ạ? Và ở TPHCM thì tầm soát UTCTC ở đâu ạ? Mình có biện pháp ngăn ngừa không ạ? E cảm ơn!

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Các đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung là quan hệ sớm, nhiều bạn tình. Người chưa quan hệ tình dục thì hầu như không có ung thư cổ tử cung. 

Ở TPHCM bạn nên đến khoa sản các bệnh viện, các phòng khám sản phụ khoa, bệnh viên ung bướu, bệnh viện Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Phụ sản Mê Kông... đều có sàng lọc và phát hiện ung thư cổ tử cung. 

Biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung là tiêm vắc-xin cho phụ nữ từ độ tuổi 9-26 tuổi, phát hiện sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung bằng khám phụ khoa, làm các xét nghiệm sàng lọc như tế bào, HPV DNA...

le thị mai hương , Nữ - 45  Tuổi

Hôm 6/6 tôi đi kiểm tra sức khỏe ở bv phụ sản trung ương có làm xét nghiệm tế bào kết quả như sau: Tế bào biểu mô thay đổi lành tính liên quan viêm thông thường, teo loạn dưỡng. Xin hỏi kết luận như vậy có nghĩa như thế nào ạ. Xin cảm ơn bác sĩ.

TS. BS Đinh Bích Thủy: Kết quả tế bào của bạn như vậy là lành tính. Tuy nhiên, bạn vẫn nên thăm khám theo lịch khám của bác sĩ.

{keywords}

TS.BS Đinh Bích Thủy đang trả lời câu hỏi bạn đọc. Ảnh: LAD

Nguyễn Ngọc Linh , Nữ - 25  Tuổi

Bác sĩ cho em hỏi hiện em năm nay 25 tuổi. Mà bệnh ung thư cổ tử cung thường xuất hiện ở độ tuổi 30 trở lên. Tuổi của em vẫn có nguy cơ mắc bệnh vậy bác sĩ cho em hỏi em phải làm cách nào để phòng tránh ạ.

TS. BS Đinh Bích Thủy: Em nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm tầm soát sớm UTCTC. Lứa tuổi phát hiện bệnh UTCTC thường từ 30 đến 40 hoặc hơn.

Hồng Anh , Nữ - 30  Tuổi

Em được biết ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra. Nhiễm HPV có triệu chứng gì không và làm sao phòng ngừa được?

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Khoảng 99% ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus HPV. Nhiễm HPV không có triệu chứng. Phòng ngừa bằng vắc-xin HPV. 

Châu Sa , Nữ - 30  Tuổi

Em có nghe nói về vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung, loại vắc xin này có bảo vệ 100% không bị mắc bệnh này không bác sĩ?

TS. BS Đinh Bích Thủy: Có vắc xin phòng ngừa UTCTC cho các bạn gái từ 9 đến 26 tuổi. Nhưng không có vắc xin nào bảo vệ 100% khỏi bệnh. Kể cả trong trường hợp đã tiêm phòng, bạn vẫn nên khám phụ khoa và làm các xét nghiệm sàng lọc định kỳ.

Lê Uyên , Nữ - 22  Tuổi

Em 22 tuổi, triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung đến từ những biểu hiện nào? Em muốn tầm soát thì nên tầm soát ở đâu? Tầm soát có lâu không và bao lâu thì có kết quả? Em xin cảm ơn.

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Triệu chứng ung thư cổ tử cung: ra huyết, khí hư bất thường, sau giao hợp ra máu.. là những triệu chứng rất sớm của tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. 

Với lứa tuổi 22 nên tầm soát ung thư cổ tử cung bằng tế bào học và cho kết quả nhanh trong ngày. 

Võ Thị Châu , Nữ - 46  Tuổi

Chào bác sỹ, Xin Bác sỹ cho biết để tầm soát UTCTC, phụ nữ cần phải làm các xét nghiệm nào để có kết quả chính xác về tình trạng bản thân. Bản thân tôi, khám sức khỏe định kỳ hàng năm, xét nghiệm máu về nguy cơ ung thư, khám phụ khoa, XN tế bào âm đạo. Như vậy đã đủ chưa? Khi nào thì cần làm sinh thiết tế bào âm đạo, CTC? và cần làm xét nghiệm nào nữa không? Rất mong BS giải đáp. Cám ơn bác sỹ.

TS. BS Đinh Bích Thủy: Khám sức khỏe và phụ khoa định kỳ như bạn là rất tốt. Tuy nhiên, bạn có thể làm thêm xét nghiệm mới nhất hiện tại là xét nghiệm HPV để tìm kiếm sự có mặt của vi rút gây UTCTC. Khi xét nghiệm tế bào bất thường và có HPV dương tính 16, 18, bạn phải được tiến hành soi CTC, nếu CTC có tổn thương nghi ngờ về UTCTC thì bạn sẽ được làm sinh thiết CTC để làm chẩn đoán mô học.

Hà Trúc Lâm , Nam - 34  Tuổi

Chào bác sĩ, có phải bệnh ung thư này là lây qua đường tình dục? Tức là nếu sinh hoạt tình dục lành mạnh thì sẽ không bị mắc phải? Và tương tự nếu có bị mắc phải là do có sinh hoạt tình dục với người bị bệnh? Mong nhận được sự giải đáp của bác sĩ. Cám ơn

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Ung thư cổ tử cung không phải bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ung thư cổ tử cung do nhiều nguyên nhân: viêm nhiễm dai dẳng, đẻ nhiều đẻ dày, quan hệ tình dục sớm, hút thuốc lá...

Do vậy nên tất cả các phụ nữ đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Mỹ Duyên , Nữ - 33  Tuổi

Bác sĩ tư vấn giúp em địa chỉ bệnh viện để em đi khám tầm soát ung thư cổ tử cung ạ.

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Các bệnh viện làm tầm soát ung thư cổ tử cung tại Hà Nội: các BV ung bướu, BV K, các khoa sản, khoa khối u và BV Phụ sản Hà Nội, BV Phụ sản Trung ương. 

Hạnh Nguyễn , Nữ - 29  Tuổi

Trước đây tôi có đi kiểm tra HPV. Con HPV 16 và 18 thì âm tính mà ghi là nguy cơ cao. Vậy nguy cơ cao là gì, vì tôi thường nghe con HPV 16 và HPV 18 là gây ung thư.

TS. BS Đinh Bích Thủy: HPV typ 16 và 18 là nguyên nhân chính gây nên 70-80% UTCTC. Tuy nhiên, tỷ lệ còn lại là do 12 typ HPV nguy cơ cao khác có khả năng gây UTCTC cho mọi phụ nữ.

Mỹ Như , Nữ - 22  Tuổi

Muốn tầm soát ung thư cổ tử cung chính xác nhất thì phải yêu cầu thực hiện các xét nghiệm gì để không bị bỏ sót nguy cơ?

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng test VIA và test sàng lọc là tế bào, HPV DNA.

Minh Ánh , Nữ - 31  Tuổi

Xin BS tư vấn giúp sau sinh, tôi nên đi tầm soát UTCTC vào thời điểm nào là thích hợp. Xin cảm ơn BS

TS. BS Đinh Bích Thủy: Nên đi khám tầm soát sớm UTCTC sau khi sinh là 6 đến 8 tuần.

Lan Anh , Nữ - 26  Tuổi

Em cần làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung mấy lần trong 1 năm? Ngoài ra, cần làm thêm xét nghiệm nào khác cho việc tầm soát ung thư cổ tử cung không?

TS. BS Đinh Bích Thủy: Nếu làm xét nghiệm PAP thì thời gian lặp lại xét nghiệm từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu làm xét nghiệm HPV thì thời gian lặp lại là 3 năm trong trường hợp kết quả đầu tiên của bạn âm tính.

Ngô Thị Xuân , Nữ - 54  Tuổi

Tôi đi khám bệnh xét nghiệm bị nhiễm virus HPV 18. Xét nghiệm PAP'S kết quả: không có tế bào bất thường. Bác sĩ điều trị chỉ định 6 tháng đi xét nghiệm lại 1 lần. Vậy tôi muốn hỏi tôi bị nhiễm HPV 18 thì có cách nào để điều trị phòng ngừa ung thư không hay cứ chờ đến lúc tiến triển thành ung thư rồi chữa trị. Mong nhận được lời khuyên.

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Nhiễm  HPV 18, PAP bình thường thì nên soi cổ tử cung để tìm tổn thương bất thường. Nếu không có bất thường thì làm lại xét nghiệm sau 1 năm. 

Mai Trang , Nữ - 27  Tuổi

Tôi nghe nói, cứ 3 phụ nữ có kết quả xét nghiệm PAP bình thường thì 1 người bị ung thư cổ tử cung. Nhưng cũng nghe nói cách xét nghiệm này không đảm bảo bạn hoàn toàn thoát bệnh ung thư cổ tử cung. Như vậy tôi phải làm sao?

TS. BS Đinh Bích Thủy: Vì độ đặc hiệu của xét nghiệm PAP bình thường là 50 đến 70% nên tỷ lệ bạn nghe nói là chính xác. Để khắc phục nhược điểm này, hiện nay y học đã có xét nghiệm HPV để phát hiện vi rút HPV gây UTCTC với độ chính xác lên đến 95%.

Ngọc Mai , Nữ - 24  Tuổi

Bác sĩ cho cháu hỏi tiêm vắcxin phòng chống ung thư cổ tử cung khi đã quan hệ tình dục thì có làm giảm tác dụng của thuốc không?

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Vắc-xin HPV được chỉ định cho phụ nữ từ 9-26 tuổi dù đã có quan hệ tình dục hay chưa.

Hoàng Cương Thường , Nam - 65  Tuổi

"Đến khi có những triệu chứng như đau vùng chậu, xuất huyết bất thường,… thì bệnh đã vào giai đoạn muộn". Tôi copy câu trên trong bài báo này và xin hỏi : nếu có đúng triệu chứng như trên thì phải làm gì ? Vợ tôi sinh năm 1960 hiện đang có những triệu chứng này. Sau khi siêu âm bụng thì thấy thận không có vấn đề gì. Xét nghiệm nước tiểu thì kết quả trong nước tiểu có hồng cầu. Vợ tôi có thói quen thỉnh thoảng đi tiểu thấy có máu, bèn lấy dầu phong bôi vào âm đạo thì không thấy có máu nữa. Nhưng một thời gian sau thấy có máu, lại bôi dầu phong. Tôi đề nghị đi khám phụ khoa thì vợ tôi cứ ngần ngừ, hẹn lần hẹn lữa mà chưa chịu đi khám. Chân thành cảm ơn.

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Tôi khuyên anh đưa chị đến khám tại các khoa sản các bệnh viện, khoa khối u, bệnh viện ung bướu, bệnh viện K để chẩn đoán loại trừ ung thư cổ tử cung. Vì các dấu hiệu trên gặp ở nhiều bệnh khác như viêm tiết niệu, sỏi tiết niệu, u đại trực tràng, u xơ tử cung, u nang buồng trứng...

Hạnh Lê , Nữ - 34  Tuổi

Để tầm soát ung thư cổ tử cung, tôi được biết 2 biện pháp là Pap smear và xét nghiệm HPV. Vậy phụ nữ bao nhiêu tuổi cần tầm soát và nên sử dụng biện pháp xét nghiệm nào? Có nên làm đồng thời cả 2 xét nghiệm này? Cảm ơn BS

TS. BS Đinh Bích Thủy: Phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên đi khám phụ khoa và làm các xét nghiệm tầm soát sớm UTCTC. Nếu có điều kiện bạn nên làm đồng thời cả hai xét nghiệm để có kết quả sàng lọc cao nhất. Thời gian làm lại các xét nghiệm này là 3 đến 5 năm nếu các xét nghiệm âm tính.

Trần Hồng Hà , Nữ - 29  Tuổi

Tôi đọc báo thấy Việt Nam có xét nghiệm mới giúp phát hiện 14 chủng virus nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung là Aptima HPV. Xin BS chia sẻ về phương pháp này. Hiện ở Việt Nam đã có bệnh viện nào áp dụng phương pháp này rồi ạ. Xin cảm ơn BS

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Có nhiều xét nghiệm HPV, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo coi xét nghiệm Cobas HPV là xét nghiệm đầu tay để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Hiện tại Hà Nội có nhiều bệnh viện có xét nghiệm Cobas HPV như BV Phụ sản Trung ương, BV Phụ sản Hà Nội, BV Đa khoa Vinmec, BV Bạch Mai...

Mai Anh , Nữ - 25  Tuổi

Chào bác sĩ, em năm nay 25 tuổi, chưa lập gia đình nhưng đã có quan hệ tình dục từ vài năm nay, trong quá trình đó em không gặp vấn đề gì nhạy cảm nhưng khi tham khảo về chủ đề này em cũng có những lo lắng không biết mình có nguy cơ bị bệnh hay không. Vì vậy bác sĩ có thể cho em biết các nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh về cổ tử cung và các biện pháp phòng tránh ạ? Cảm ơn bác sĩ.

TS. BS Đinh Bích Thủy: Đã có quan hệ tình dục thì em có nguy cơ nhiễm virus HPV gây UTCTC, nên em cần phải đi khám phụ khoa và làm các xét nghiệm tầm soát sớm UTCTC. 

Nguyen Thu Huong , Nữ - 31  Tuổi

Cách đây 7 tháng, em phát hiện bị sùi mào gà nhẹ, em có đi khám ở phòng khám tư nhân, bác sĩ chỉ định chấm thuốc cho em hai lần và đã hết hoàn toàn nốt sùi, đến nay không thấy tái phát. Em cần làm những gì để tránh nguy cơ ung thư cổ tử cung bởi em biết đã mắc sùi mào gà là sẽ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung? Em cũng mong bác sĩ tư vấn, trường hợp của em thì nguy cơ bị ung thư cổ tử cung có cao không? Em xin cảm ơn.

TS. BS Đinh Bích Thủy: Trường hợp sùi mào gà của em là do vi rút HPV typ 6, 11. Các typ này được xếp vào nguy cơ thấp không gây UTCTC. Tuy nhiên, em vẫn phải đi khám phụ khoa và làm các xét nghiệm tầm soát sớm UTCTC.

An Nguyễn Phương Nghi , Nữ - 28  Tuổi

Ung thư cổ tử cung thường xày ra ở phụ nữ độ tuổi nào? Nguyên nhân mắc bệnh?

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Ung thư cổ tử cung thường gặp ở lứa tuổi 35-50 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh nhưng virus HPV hiện diện ở 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Nguyễn thị Bình , Nữ - 34  Tuổi

Cho em hỏi Bác sỹ các phương pháp tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung hiện nay gồm những phương pháp nào? Để em đi kiểm tra vì thỉnh thoảng em bị ngứa. Rất mong được bác sỹ tư vấn

TS. BS Đinh Bích Thủy: Các phương pháp tầm soát sớm UTCTC là xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV. Nếu bị ngứa thì em nên đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm soi tươi để tìm các vi khuẩn gây bệnh như nấm âm đạo, bác sĩ sẽ cho em đặt thuốc âm đạo phù hợp.

bui hoang mai , Nữ - 42  Tuổi

Xin các BS tư vấn giúp: Chích ngừa vacxin và xét nghiệm, phương pháp nào cần thiết và hiệu quả hơn? Xin cảm ơn

 PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Cả 2 phương pháp đều cần thiết. Phương pháp tiêm vắc-xin HPV là phòng ngừa ung thư cổ tử cung, các xét nghiệm để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. 

Nguyen Minh Nu , Nữ - 38  Tuổi

Giữa các phương pháp tầm soát ung thư thì phương pháp nào hiệu quả nhất? Chi phí như thế nào?

 PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Ở Việt Nam hiện có 3 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung là VIA, tế bào (PAP), HPV DNA. 

Phương pháp VIA được làm ở các nơi không có điều kiện làm các xét nghiệm và có chi phí thấp nhất. 

Phương pháp tế bào (PAP) có độ nhạy thấp và cần có bác sĩ chuyên khoa giỏi để phân tích kết quả. 

HPV DNA dễ sử dụng và đọc tự động trên máy, độ nhạy cao, nhưng chi phí cao hơn. 

{keywords}
Các khách mời đang trực tuyến với bạn đọc VietNamNet. Ảnh: LAD

An Nguyễn Phương Nghi , Nữ - 28  Tuổi

Ung thư cổ tử cung đã có thuốc và phương pháp chữa trị chưa?

TS. BS Đinh Bích Thủy: UTCTC nếu được phát hiện sớm thì sẽ được điều trị hiệu quả.

Hoang Ngoc Hai , Nữ - 32  Tuổi

Trước đây tôi có đi kiểm tra HPV. Con HPV 16 và 18 thì âm tính mà ghi là nguy cơ cao. Vậy nguy cơ cao là gì, vì tôi thường nghe con HPV 16 và HPV 18 là gây ung thư.

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Hiện có 14 typ HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, đặc biệt là 2 typ 16 và 18 gây ra hơn 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Còn 12 typ nguy cơ cao còn lại cũng là nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung nên khi 12 typ nguy cơ cao dương tính thì cần đi làm xét nghiệm tế bào (PAP), bác sĩ sẽ chẩn đoán và cho lời khuyên chính xác nhất. 

Vo Dan Ngoc , Nữ - 32  Tuổi

Những bệnh viện nào ở khu vực miền Trung thực hiện phương pháp PAP?

TS. BS Đinh Bích Thủy: Theo tôi được biết, các bệnh viện tuyến tỉnh đều có thể làm được phương pháp PAP.

Nguyên Văn Sử , Nam - 64  Tuổi

Xin Chuyên gia cho biết: 1. Điều kiện, hoàn cảnh dễ mắc UXTC (tuổi, môi trường)? 2. U lành có thể chuyển thành UXTC không? trong điều kiện nào? 3. Ngoài tầm soát sớm UXTC, có thể uống dự phòng khi bị U lành khi còn nhỏ bằng thuốc Nam hay thực phẩm chức năng được không? Trân trọng cám ơn Nguyễn Văn Sử

TS. BS Đinh Bích Thủy: Các phụ nữ trên 35 tuổi thì có tỷ lệ bị u xơ tử cung. Đối với phụ nữ có cơ địa cường nội tiết estrogen dễ bị u xơ tử cung. U xơ tử cung thường là u lành tính. Khám phụ khoa định kỳ sẽ phát hiện sớm được u xơ tử cung. 

Vũ Thi Nga , Nữ - 23  Tuổi

Tôi đi khám và được chẩn đoán là sùi mào gà và viêm lộ tuyến cổ tử cung. BS cho tôi làm xét nghiệm HPV Genotype và Thinprep. Tôi không mang đủ tiền nên chỉ làm mỗi xét nghiệm HPV genotype. Kết quả là HPV âm tính. Câu hỏi của tôi là tại sao HPV âm tính mà tôi vẫn bị sùi mào gà? HPV âm tính thì tôi có phải làm Thinpep không? Sùi mào gà có gây ung thư không? HPV có liên quan gì đến viêm lộ tuyến không? Tôi xin cảm ơn các bác sĩ.

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Chị cần nên đến cơ sở y tế sản khoa để soi cổ tử cung để xác định lộ tuyến hay sùi mào gà. HPV âm tính thì trong 3-5 năm ít có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Chị làm xét nghiệm HPV âm tính vì đây là xét nghiệm phát hiện HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, không phát hiện các typ HPV nguy cơ thấp như typ 6, 11 gây sùi mào gà. 

Sùi mào gà không gây ung thư cổ tử cung. HPV không liên quan đến viêm lộ tuyến.

Đặng Thanh Thúy , Nữ - 24  Tuổi

Tôi nghe nói khám phụ khoa sẽ làm con gái có nguy cơ mất trinh, điều này có thật hay không? Nếu vậy làm tầm soát có ảnh hưởng gì đến cơ thể hay không?

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Khi phụ nữ chưa quan hệ tình dục thì các bác sĩ không đặt mỏ vịt và không khám âm đạo nên không gây mất trinh. Do vậy không có chỉ định tầm soát ung thư cổ tử cung với phụ nữ chưa có quan hệ tình dục vì những phụ nữ này không mắc bệnh ung thư cổ tử cung. 

Nguyễn thị Quỳnh , Nữ - 36  Tuổi

Xin chào các Bác sỹ! Thưa các bác sỹ, tôi thường hay đau nửa người bên trái (kéo từ đầu đến bàn chân), đặc biệt hay nhói và nhức vùng vùng lõm bẹn bên trái khi có thay đổi thời tiết. Vừa rồi tôi có đi khám phụ khoa sơ bộ và siêu âm nhưng được bác sỹ phòng khám nói là bình thường. Vậy xin kính mong các bác sỹ tư vấn, cho biết những biểu hiện nêu trên là như thế nào và cần tầm soát ra sao? Trân trọng cảm ơn các bác sỹ!

TS. BS Đinh Bích Thủy: Nếu bạn đã được khám phụ khoa và làm các xét nghiệm tầm soát UTCTC rồi thì bạn nên đi kiểm tra thêm về các chuyên khoa khác.

do thi nhung , Nữ - 52  Tuổi

Chào bác sỹ. Tôi bị UTTC dáng váy đã điều trị hóa+ xạ trị tại BV K trung ương tháng 8/2016. 2 tháng trở lại đây tôi hay bị đau quặn bụng và đi ngoài ra máu ngày 2 đến 3 lần. Tôi đi khám lại bác sỹ kêu bình thường và cho uống thuốc đông y + tây y . Đã hơn 1 tháng nay tôi chỉ không còn đau quặn bụng nữa nhưng đi ngoài và lẫn máu. Xin hỏi bác sỹ tôi phải làm sao bây giờ bệnh của tôi có khỏi được không ạ xin cảm ơn bác sỹ

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Triệu chứng đi ngoài ra máu ngày 2-3 lần là do tác dụng phụ của tia xajvaf sẽ bình phục dần theo thời gian. 

Nhat Minh , Nữ - 35  Tuổi

Con gái tôi 13 tuổi, vừa vào độ tuổi dậy thì, như vậy có cần tầm soát ung thư cổ tử cung từ bây giờ hay không?

TS. BS Đinh Bích Thủy: Nếu cháu vào tuổi dậy thì, chưa có quan hệ tình dục thì bạn chưa cần làm tầm soát cho bé. Nhưng bạn có thể tiêm vác xin phòng chống UTCTC cho bé ở độ tuổi này.

Hoàng Phương Nam , Nữ - 25  Tuổi

Mẹ tôi năm nay 60 tổi vậy có cần làm tầm soát HPV không? Ở độ tuổi này có còn nguy cơ bị UTCTC không?

TS. BS Đinh Bích Thủy: Phụ nữ trước 65 tuổi vẫn nên làm tầm soát HPV. 

Thi Ngoc Lien , Nữ - 31  Tuổi

Bác sĩ tư vấn giúp tôi nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung với ạ. Với người không có gia đình và chưa quan hệ, lớn tuổi thì có bị mắc bệnh này không? Cám ơn bác sĩ.

TS. BS Đinh Bích Thủy: Nguyên nhân chính gây UTCTC là do virus HPV. Với người không có gia đình, chưa quan hệ và lớn tuổi thì rất ít nguy cơ mắc UTCTC.

Nguyễn Hồ Tân Nhật , Nam - 43  Tuổi

Vợ tôi bị u lạc nội mạc tử cung đã lâu và đã nhiều lần mổ (3 lần), chương trình làm ơn cho tôi biết cách nhận biết, các xét nghiệm và kiểm soát các vấn đề liên quan đến phát hiện ung thư cổ tử cung. Tôi chân thành cảm ơn

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Anh đưa chị đến bệnh viện để làm xét nghiệm tế bào (PAP), HPV DNA để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. 

Huỳnh Ngọc Ân , Nữ - 22  Tuổi

Em năm nay 22 tuổi, dạo này hay bị rong kinh, đó có phải dấu hiệu UTCTC hay không?

TS. BS Đinh Bích Thủy: Nếu đã rong kinh bạn nên đi khám phụ khoa.

Sa Thị Thể , Nữ - 53  Tuổi

Tôi đã hết kinh 3 năm nay, nhưng gần đây tôi thấy mình có hành kinh trở lại, rất ít, máu đen, trước khi có tôi thấy mình căng ngực, bụng to, có dịch âm đạo, tâm trạng hưng phấn... Do thời gian này tôi có uống Bảo xuân 50+ và tôi đã đi siêu âm tử cung, nhưng bác sỹ bảo ko có u. Vậy xin hỏi bác sỹ như vậy tôi có cần thăm khám ở đâu, làm những gì và có nên tiếp tục uống Bảo xuân nữa không ạ? Đặc biệt liệu có thể có thai được không ạ? Trân trọng cảm ơn BS

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Chị đã mãn kinh 3 năm và bị hành kinh trở lại thì nên đến bệnh viện để làm các xét nghiệm loại trừ ung thư niêm mạc tử cung như là: xét nghiệm tế bào, nạo sinh thiết ống cổ tử cung, niêm mạc buồng tử cung, hoặc soi buồng tử cung để chẩn đoán nguyên nhân chảy máu sau mãn kinh. 

Nguyên tắc là đã mãn kinh thực sự 3 năm thì không có thai.

Ngọc Sương , Nữ - 27  Tuổi

Em cần làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung mấy lần trong 1 năm? Ngoài ra, cần làm thêm xét nghiệm nào khác cho việc tầm soát ung thư cổ tử cung không?

TS. BS Đinh Bích Thủy: Nếu làm xét nghiệm PAP thì lặp lại sau 6 đến 12 tháng, nếu làm xét nghiệm HPV thì lặp lại sau 3 đến 5 năm nếu kết quả ban đầu âm tính.

Nguyễn thị Bình , Nữ - 34  Tuổi

Cho tôi hỏi tôi bị đau vùng háng mấy năm nay rồi. Tôi đi ra viện K Tân triều khám phụ khoa sàng lọc, xét nghiệm cho kết quả tôi chỉ bị viêm. bác sỹ cho đặt thuốc viêm khỏi viêm nhưng tôi thỉnh thoảng vẫn đau ở vùng háng. Bác sỹ cho tôi hỏi bây giờ tôi phải làm gì để tìm nguyên nhân tại sao đau vùng háng.

 PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Bạn nên đến chuyên khoa Cơ xương khớp BV Bạch Mai để loại trừ viêm khớp háng, loãng xương...

mai tram , Nữ - 37  Tuổi

Tôi vừa làm xét nghiệm tế bào Pap và nội soi tử cung, siêu âm phụ khoa. Xin hỏi cần làm thêm xét nghiệm gì nữa để tầm soát UTCTC? Cảm ơn bác sĩ.

TS. BS Đinh Bích Thủy: Chị nên làm thêm xét nghiệm HPV để sàng lọc UTCTC.

Nguyen Thi Thanh Van , Nữ - 30  Tuổi

Mỗi năm em khám phụ khoa một lần, như vậy có đủ đảm bảo mình không bị ung thư cổ tử cung hay không?

PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết: Đi khám phụ khoa hàng năm và làm xét nghiệm ở các bệnh viện chuyên khoa và làm các xét nghiệm sàng lọc đầy đủ như tế bào, HPV DNA gần như đảm bảo là không bị ung thư cổ tử cung. 

Lưu Thanh Hà , Nam - 33  Tuổi

UTCTC có lây qua đàn ông không?

TS. BS Đinh Bích Thủy: Vi rút HPV lây qua đường tình dục và có khả năng gây ung thư CTC ở phụ nữ và ung thư dương vật ở đàn ông.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến khách mời

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

VietNamNet