Hội nghị Thượng đỉnh thế giới dành cho phụ nữ 2018 tổ chức tại New York giữa tháng 4 vừa qua là diễn đàn để những phụ nữ thành công có thể chia sẻ câu chuyện của họ và cổ vũ cho phong trào nữ quyền đang không ngừng phát triển.
Tại Việt Nam, công ty P&G cũng không nằm ngoài xu hướng đó mà luôn nỗ lực xóa bỏ định kiến giới và giúp cho sự phát triển của phụ nữ.
Năng lực phụ nữ trong việc đảm nhiệm vị trí lãnh đạo
Chị Nguyễn Thị Diệu Trân - Giám đốc phát triển năng lực hệ thống sản xuất, ngành hàng chăm sóc vải khu vực châu Á đã có gần 23 năm gắn bó với P&G. Chị là người đã vượt qua giới hạn bản thân để trở thành nữ giám đốc phân xưởng đầu tiên của P&G Việt Nam và mở đường cho rất nhiều nhân viên nữ khác tại công ty bước lên vị trí mà lúc bấy giờ chỉ có nam giới đảm nhiệm.
Chị Trân chia sẻ: “Lúc được bổ nhiệm vị trí đó, tôi tự tin rằng mình có thể làm tốt được và tôi đã đảm nhiệm công việc này trong suốt 4 năm với những thành tích cao được công nhận”. Không như đa số nam giới, rất nhiều phụ nữ có tiềm năng lại không tin tưởng rằng mình có thể đạt được những thành tích lớn lao mà họ hoàn toàn có thể. Chính vì vậy, chị Trân rất biết ơn và trân trọng cơ hội P&G đã trao cho chị vì nó đã cho chị niềm tin rằng phụ nữ cũng có thể đảm nhiệm những vị trí cao như nam giới.
Chị Nguyễn Thị Diệu Trân - nữ giám đốc phân xưởng đầu tiên của P&G Việt Nam |
P&G hiện có gần 40,000 nhân viên nữ trên toàn cầu, đồng thời gián tiếp tạo việc làm cho hàng chục ngàn phụ nữ khác thông qua các nhà phân phối và đối tác, hơn nữa, tỉ lệ nữ giới ở các cấp bậc quản lý tại P&G Việt Nam là 50%.
Tuy nhiên, điều cốt lõi của chính sách bình đẳng giới thuộc chiến dịch #WeSeeEqual không phải chỉ nằm ở con số mà ở cách P&G đã thật sự quan tâm, lắng nghe tâm tư của người phụ nữ, thấu hiểu những nhu cầu khác biệt của họ, từ đó nhận ra những bất công tồn tại để tìm cách xây dựng sự tự tin và đánh thức khát vọng trong họ.
Sinh xong không phải là hết
Chị Phạm Thị Bích Hồng - Giám đốc bộ phận Mua hàng của P&G và là thành viên của Hội đồng Phát triển Nhân tài của 2 nhà máy (VN PS Talent Council) cho biết sự hỗ trợ mà công ty dành cho chị khiến chị rất cảm kích. Chị Bích Hồng gặp phải vấn đề sức khoẻ khi mang thai, được bác sĩ chỉ định hạn chế di chuyển nên chị đã chấp nhận xin nghỉ việc không lương vì con.
Tuy nhiên, chị rất bất ngờ khi được đặt cách làm việc ở nhà từ tháng thứ ba của thai kỳ. “Không phải một ngày, một tuần mà là nhiều tháng liền, điều đó chứng tỏ công ty phải rất tin tưởng thì mới cho tôi làm việc từ xa trong khoảng thời gian dài như vậy”, chị chia sẻ.
Chị Hồng Phạm và gia đình tại ngày hội Gia đình của công ty P&G Việt Nam. |
Thông thường, sau khi sinh phụ nữ thường gặp phải một số hạn chế trong việc phát triển sự nghiệp. Thế nhưng, trong trường hợp chị Hồng thì không như thế. Nhiều lần được cử đi làm việc ở nước ngoài nhưng chị đều từ chối vì muốn ở lại Việt Nam lo cho gia đình. Chị Hồng chia sẻ: “Tôi nghĩ chắc mình từ chối một lần thì thôi, sếp sẽ đưa mình ra khỏi danh sách lãnh đạo tài năng, mình sẽ không có cơ hội này lần nữa. Nhưng sếp đã cực kỳ hỗ trợ và tiếp tục “bảo lưu” cơ hội cho đến khi tôi có thể tiếp nhận được. Đó là tính nhân văn rất cao của P&G”.
Không chỉ tạo điều kiện để các nhân viên nữ có thể phát huy hết khả năng của mình, P&G còn không ngừng nỗ lực xóa nhòa định kiến giới và ủng hộ sự phát triển của phụ nữ trên toàn xã hội. Những chiến dịch toàn cầu trong khuôn khổ #WeSeeEqual của các nhãn hàng thuộc P&G như Always với “Like a girl”, Ariel với “Share The Load” hay Pantene với “Strong is beautiful” đã khởi xướng các cuộc đối thoại hướng đến sự thay đổi tích cực cho phụ nữ. Hơn nữa, P&G còn hợp tác với các tổ chức trên thế giới và tại địa phương để xóa bỏ mọi rào cản ngăn phụ nữ tiến đến thành công.
Đặc biệt tại Việt Nam, trong hơn 10 năm qua, P&G cũng hợp tác cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Học Viện Phụ Nữ Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa cho hàng ngàn phụ nữ như: vinh danh và trao tặng giải thưởng cho phụ nữ điển hình; trao học bổng cho học viên nữ tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, hỗ trợ vay vốn và đào tạo nghề, lập nghiệp nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có việc làm ổn định.
Khi phụ nữ được quan tâm, có tiếng nói và cơ hội để thể hiện trọn vẹn năng lực của mình, đó là khi các doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn, kinh tế tăng trưởng tốt hơn và cộng đồng sẽ phát triển bền vững hơn.
Thúy Ngà