".... Có là cáo thì cáo này cũng vẫn còn trẻ mà!Tôi chưa bao giờ thích được mọi người nhìn như một cô gái ngoan hiền và ủy mị. Tôi là một người có cá tính, và tôi không hiền lành" - Tăng Thanh Hà cười lớn

Ở tuổi 25, Tăng Thanh Hà có cả một gia tài lớn: Một gia đình nhiều thế hệ sum vầy và nề nếp, một số tài sản đủ để sống sung túc và có một lượng người hâm mộ đủ nhiều khiến bất cứ ngôi sao nào cũng phải mơ ước.
 
Tăng Thanh Hà biết tận hưởng thú vui
Tăng Thanh Hà cùng bạn trai đi xem Back Street Boys

Tăng Thanh Hà, Lê Kiều Như – Ai là mỹ nhân đẹp nhất Việt Nam?

Tăng Thanh Hà e ấp bên bạn trai


Sự viên mãn quá sớm có thể sẽ không phải là điều tốt với một ngôi sao. Tất nhiên, cuộc sống của một con người, qua lăng kính của người khác, sẽ bị biến thiên ít nhiều. Và Tăng Thanh Hà tâm sự: “Với tôi, mọi thứ vẫn còn chưa đủ. Thực sự tôi đã có gì đâu?”.
 
Cô có nói, mình vẫn chưa có gì. Phải chăng đó là sự khiêm tốn? Hay sự kiêu hãnh ngầm?
 
Tôi nghĩ rằng, khiêm tốn hay kiêu hãnh là cái cách mà người khác nhìn nhận vào thái độ của tôi. Người ta có quyền nói tôi thế này hay thế khác, không ai có thể bắt dư luận đi đúng như một đoàn tàu trên đường ray. Bản thân tôi luôn nghĩ rằng, sự khiêm tốn không chỉ nằm trong cái cách mà tôi nói, nó còn nằm trong những việc tôi làm. Tôi chưa bao giờ tuyên bố mình là ngôi sao hay là số một hay bất cứ thứ gì tương tự. Tôi không khiêm tốn giả vờ.
 
Mà làm người thì nên biết trước mắt mình có bao nhiêu núi Thái Sơn, để mà sống vừa vặn với những gì mình có, để mà đừng ảo tưởng, để mà biết những đỉnh cao có gì hay có gì lạ rồi học hỏi. Nếu so với những tài năng lớn, những nghệ sỹ điện ảnh có thành tựu dày như cô Trà Giang chẳng hạn, tôi đã là gì đâu? Ý tôi nói là vậy, để biết trên biết dưới, biết sống sao cho phải đạo của người đến sau. Với lại, cứ nói mình là số một để làm gì, khi thực sự việc mình có là số một hay không phụ thuộc hoàn toàn vào sự đánh giá của người khác, cụ thể là giới chuyên môn và khán giả?
 
Tôi có sự kiêu hãnh của bản thân, nhưng sự kiêu hãnh đó nó có ý nghĩa như một cách tôn trọng bản thân mình, chứ tôi không kiêu ngạo.
 
Thời gian qua, cô thường khéo léo tránh những cuộc cãi vã trên báo chí và thường im lặng trước những sự cố, ví dụ về việc mặc trang phục giống bộ sưu tập của nước ngoài. Nhưng cũng có lúc, cô lên báo đáp trả rất sắc sảo. Người ta nói, cô là một “cáo già” trong vỏ bọc một nai tơ?
 
(cười lớn) Sao ai nỡ gọi tôi là cáo già vậy trời, có là cáo thì cáo này cũng vẫn còn trẻ mà! Nói thật là tôi chưa bao giờ thích được mọi người nhìn như một cô gái ngoan hiền và ủy mị. Tôi là một người có cá tính, và tôi không hiền lành. Tôi cũng không thuộc mẫu phụ nữ ỉ lại và đổ lỗi cho số phận. Tôi chỉ muốn nói, tôi là người biết điều. Với những người yêu quý tôi, sống bên cạnh hoặc làm việc chung với tôi, sẽ biết trân trọng sự biết điều ấy. Bởi nó sẽ tạo ra bầu không khí tốt. Và sự biết điều cũng giúp tôi không tự dưng ném mình vào những mồi lửa của dư luận.
 
Như anh đã thấy, có những sự việc ầm ĩ vài tuần rồi nó sẽ tự xẹp xuống. Tôi đâu cần phải nói, mọi người cũng đã tự biết đâu trắng đâu đen. Không phải là tôi hoàn hảo đến mức không có sai sót, nhưng có những thứ luôn vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Và những lúc đó, cần phải biết mình nên làm gì, chứ không thể cứ lao đầu vào rắc rối không cần thiết. Sống khoan hòa và rộng lượng, đó là một bài học tôi học được từ mẹ tôi. Và trả lời câu hỏi của anh nhé: Không! Tôi chưa đủ sự sắc sảo của cáo già, nhưng cũng chả khoái hình ảnh nai tơ. Tôi là một hình mẫu phụ nữ hiện đại, dám sống và chịu trách nhiệm trước những việc mình làm.

 
Cô thuộc diện làm phim ít, lượm tiền (từ quảng cáo) nhiều. Người ta nói cô đã giành nhiều hợp đồng từ một người đẹp khác. Có thấy đó là nhận xét đúng?
 
Người ta là ai nhỉ? Nhà báo hay gài bẫy quá đi (cười)! Tôi và anh, ít nhiều đều đã hiểu về ngành quảng cáo và thế giới truyền thông, thế nên việc giành giật những hợp đồng quảng cáo từ tay một ai đó chỉ là những chuyện đồn đại nhiều ác ý. Tôi chưa bao giờ ngỏ ý với một chủ doanh nghiệp hay giám đốc nhãn hàng nào rằng, tôi rất muốn làm quảng cáo cho họ. Công nghệ quảng cáo nhìn bề ngoài rất hào nhoáng, nhưng những người thực hiện phải dựa trên những kết quả rất lý tính.
 
Tất cả mọi sự lựa chọn một gương mặt đại diện quảng cáo phụ thuộc vào một chiến lược kinh doanh và có những cứ liệu phân tích rất rõ ràng của các công ty nghiên cứu thị trường. Và việc tôi may mắn được nằm trong danh sách những người được mời làm quảng cáo nhiều, một phần từ thành công trong nghề nghiệp, phần khác vì tôi được khán giả quá yêu thương. Còn về chuyện năm qua tôi không làm phim, một phần vì… không có đạo diễn nào giao cho tôi một vai ưng ý cả, phần khác vì tôi thấy rằng mình nên chấp nhận quy luật khắc nghiệt của nghề diễn, làm cái gì cũng phải kỹ lưỡng, khán giả mới thấy mình thực sự tôn trọng họ.
 
Nói cô không tham gia phim nào trong năm 2010 thì cũng chưa đúng lắm, ví dụ như cô gái “có nụ cười sáng cả khúc sông” trong “Cánh đồng bất tận” chẳng hạn. Nhưng vai đó có vẻ như… kém duyên nhỉ?
 
Người diễn viên có một cái khó là, họ không tự quyết định được mọi thứ liên quan đến chính vai diễn của họ trong bộ phim. Tôi là một diễn viên. Và đạo diễn chỉ cho tôi có chừng đó (ở trên phim) thì tôi cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn, vì phim là của đạo diễn. Tôi có thể nói, vai diễn đó không phải là một thành công của tôi. Nhưng tôi cũng không buồn. Bởi vì cơ hội cho những vai diễn lớn vẫn còn ở phía trước.
 
Cơ hội đó sẽ như thế nào?
 
Sẽ không thực sự thuyết phục khi mọi thứ vẫn còn đang nằm ở thì tương lai. Gần một năm nay tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho vai diễn, kể cả thể lực lẫn tâm lý, kỹ năng. Có thể nói, đó là một sự thay đổi rất rõ ràng trong hình ảnh của tôi. Một sự biến hóa. Nếu không có gì thay đổi thì bộ phim ấy sẽ được chiếu trong năm 2011.
 
Quay lại chuyện “chưa có gì”. Cô quan niệm thế nào về sự giàu có?
 
Giàu là khái niệm tương đối, tùy vào từng quan niệm sống nữa. Nếu nói về vật chất, thì giàu có phụ thuộc vào… lòng tham của từng người. Về vật chất thì tôi chưa giàu, nhưng tôi thấy như vậy được rồi, không cần quá nhiều tiền nữa. Tôi nghĩ, ngoài chuyện vật chất cuộc sống của mình còn có nhiều thứ khác và nó cũng có giá trị, thậm chí giá trị cao hơn cả vật chất, đó là một tinh thần sống thoải mái và lạc quan, một môi trường sống nhân văn giữa những người thân yêu và tử tế, một suy nghĩ về cuộc sống tích cực. Tôi có những điều đó.
 
Thế nên tôi sẽ không từ bỏ mọi thứ để kiếm tiền. Bởi vì tiền rồi cũng tiêu thôi. Mà tiêu tiền làm gì? Là để thỏa mãn tham vọng của mình. Trong khi đó tôi tham vọng không quá nhiều. Kể cả không kiếm ra tiền thì tôi vẫn sống như hiện tại, ăn cơm nhà mẹ nấu và làm những việc mình yêu thích.
 
Kiếm tiền để làm gì? Hẳn là ai cũng hỏi câu đó và đều trả lời rằng kiếm để có cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng thế nào là đủ lại phụ thuộc bản lĩnh của con người. Cô có nghĩ rằng, cách chúng ta tiêu tiền cũng chứng tỏ chúng ta văn minh tới đâu?
 
Vâng. Thực tế mà nói, kiếm tiền bao giờ cũng vất vả. Và tiêu nó sao cho xứng đáng cũng vất vả không kém. Mua cái gì, làm gì cũng phải nghĩ sao cho không phung phí, đó là cách tôi lựa chọn. Đắt tiền mua cũng không sao, nếu cần thiết. Còn phù phiếm quá thì rẻ cũng không xài. Tiền tiêu bao nhiêu cũng hết, mà quan trọng là mình tiêu vào việc gì. Tôi không giỏi trong việc nói với người khác, nhưng tôi có thể chia sẻ được với nhiều cuộc đời khó khăn từ thu nhập của mình. Tôi thích làm công việc đó nhưng thực sự tôi không muốn nói ra.
 
Tôi cảm giác cô thực sự độc lập và tự tin. Có bao giờ cô cảm thấy bất lực và khóc?
 
Nhiều khi. Phụ nữ mà. Ai cũng yếu lòng hết. Đôi khi khóc vì một phận người, đôi khi khóc vì một sự hiểu lầm nào đó. Có lần tôi gặp một bà cụ ăn xin. Tôi rất thương và tôi muốn theo bà về tận chỗ ở để giúp bà một chút nhỏ, mong bà sống đỡ vất vả hơn. Nhưng sau bữa đó, khi tôi kêu gọi bạn bè cùng quyên góp ủng hộ bà và trở lại nhà trọ, bà đã dọn đi mất. Người ta nói bà bị một người đàn ông bắt đi chỗ khác và tuyệt đối không được cho người lạ biết nơi ở của mình. Khi ấy tôi không hiểu vì sao, khóc hoài vì thương.

 
Về sau tôi biết bà bị một đường dây chăn dắt người già và trẻ em bắt đi ăn xin, bán vé số để trục lợi. Đó là cảm giác bất lực thực sự. Mình muốn giúp mà cuối cùng không thể giúp được người khác.
 
Vừa rồi, tôi cảm thấy phận người quá mong manh trước thiên tai. Khi xem kênh NHK, tôi không thể tin vào mắt mình nữa. Những cảng biển thơ mộng, những thị trấn sầm uất của Nhật Bản chỉ sau vài giờ đồng hồ đã trở thành đống hoang tàn. Bao nhiêu số phận đã không còn may mắn sống sót. Mình cảm thấy thực sự bất lực trước tất cả những điều đó. Tôi nghĩ, mình có thể làm gì giúp họ không? Tôi có đủ tiền mua vé máy bay qua Nhật, nhưng tôi là con gái, chân yếu tay mềm, tiếng Nhật không biết, qua đó tôi làm được gì?
 
Tôi cũng chỉ làm được việc là kêu gọi mọi người cùng mình ủng hộ nhân dân Nhật, mong họ sớm tái thiết đất nước và sớm vượt qua khủng hoảng. Bất lực và khóc, tôi đã bị như vậy hoài. Những lúc như thế mới thấy mình nhỏ bé như thế nào. Mình chẳng to tát gì trong cuộc đời này!
 
Cảm ơn cô!
 
Theo Sành Điệu