- Phim"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" kể hành trình mưu sinh của một gánh hát "pê đê", băng qua những miền quê heo hút, băng qua biên giới của lòng người, để chạm tới trái tim và thân phận.

Chiếc xe tải, chất đầy đồ đạc và người, đi xuyên đêm. Lúc nó dừng lại ở sân vận động Ninh Phước, một miền quê đất cằn sỏi đá ở Ninh Thuận, thì trời đã sáng. Lều bạt, cờ hoa được dựng lên rất nhanh bằng những thao tác chính xác.

Chuyến đi đầu tiên của Thắm

Trong vai người kể chuyện giấu mặt sau hình ảnh tự quay, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm chia sẻ gánh hát lô tô hội chợ như một phần ký ức tuổi thơ của cô. Nó xoá tan bầu không khí êm ả, mang lại chút khuây khoả, vui vẻ cho miền quê nghèo nàn các loại giải trí.

{keywords}

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm (ảnh TPDMovie)

Bước lên chuyến “lưu diễn” đầu tiên cùng gánh hát Bích Phụng cách nay 5 năm, cô gái trẻ sinh năm 1984 hẳn đã không biết mình đang dấn thân vào một hành trình mà trong đó, những kinh nghiệm và quan niệm nhân sinh thông thường đã không còn vừa vặn. Chúng dường như biến dạng theo những lý lẽ giúp một nhóm người thuộc giới tính thứ ba sống cuộc đời du mục, khó nhọc trong cuộc mưu sinh nhưng vẫn tìm được niềm vui sống và lạc quan hàng ngày.

Câu chuyện quả là thi vị, nhiều thứ để tò mò, khám phá nhưng đồng thời, quá nhiều rủi ro cho người kể chuyện, trước những cái bẫy mà một đề tài câu khách thường giăng ra. Nó dễ khiến cô trở thành kẻ thương vay khóc mướn cho thân phận, hoặc giáo điều, nương theo thành kiến của số đông để lên mặt đạo đức giả.

5 năm cho 86 phút chắt lọc từ hơn 70 giờ quay

Người ta đã nói rất nhiều về niềm đam mê mãnh liệt của Thắm. Cô mất tới 13 tháng, một hành trình đứt – nối tuỳ theo kinh phí và điều kiện cho phép, để rong ruổi theo gánh hát Bích Phụng. Sau 5 năm, cô mới hoàn thành bộ phim tài liệu đầu tay, mà 86 phút ngắn ngủi của nó là sự chắt lọc từ hơn 70 giờ quay.

Nhưng quan trọng hơn, niềm đam mê đã thực sự giúp Thắm vượt qua được bước đi đầu tiên đầy thách thức, mà ngay từ đầu, cô đã xác định nó rất đúng đắn. Đó là làm cho ống kính máy quay của cô gần như “biến mất” trong mắt các nhân vật, để mọi sự kiện đều hiện lên chân thực như vốn có, mọi phản ứng đều không xuất phát từ nỗi sợ hãi phải “diễn” cho cuộc đời, cho đám đông vô hình.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng

{keywords}
Chị Phụng (phải) chuẩn bị cho một buổi hát lô tô.

Những câu chuyện đời được tự thuật, vì thế vừa xác tín, tự nhiên, vừa sâu thẳm, chân thành, đạt tới thấu cảm về những kiếp nhân sinh mà có lẽ sự mạnh mẽ là vô cùng, mà yếu đuối, cô độc cũng khôn nguôi.

Toàn bộ những vấn đề mà người đồng tính phải đối diện trong xã hội hôm nay gần như đều hiện diện trong câu chuyện của gánh hát do Bích Phụng, người đàn ông trung niên sống trong hình hài đàn bà, làm trưởng đoàn. Họ gần như mắc kẹt, quẫy đạp trong xung đột giữa hình hài và bản thể.

Những bộ cánh màu sắc sặc sỡ, gợi cảm và đầy nữ tính không thể xoá đi dấu vết nam tính còn in hình lên đôi vai, bắp tay hay những bàn chân gồ ghề. Hậu trường thay đồ của họ có lẽ là một trong những khoảnh khắc kỳ lạ nhất, làm dậy lên cảm xúc mơ hồ về bản thể và thân phận.

Chuyến đi của họ, nếu nhìn vào hậu cảnh, sẽ thấy nó thường vượt quá tầm mức tác động của một sự kiện giải trí đơn thuần nơi những miền quê nghèo nàn và heo hút. Khía cạnh bị kỳ thị có thể là dễ thấy nhất trong những chuyện va chạm giữa họ với người dân và chính quyền sở tại, buộc họ phải đi tới những chiến lược ứng xử với cộng đồng, được xác định thành nguyên tắc.

Nếu họ dường như dễ được phụ nữ chấp nhận, thì với đàn ông, họ lại là đối tượng của những lời trêu ghẹo, gièm pha, quấy rối tình dục hay tấn công bạo lực. Đàn ông là một bản thể hấp dẫn họ về mặt tình dục, nhưng đồng thời lại là đối tượng buộc họ phải đáp trả tương ứng về mức độ bạo lực.

Có thể nhìn thấy những cặp tiêu chuẩn kép – hệ luỵ của tình trạng đứng giữa hai giới tính trong một xã hội truyền thống – như vậy rải đều khắp bộ phim tài liệu rất giàu chi tiết hiện thực này. Từ quan niệm về tình yêu, hôn nhân, phản bội, sự chung thuỷ, gia đình, con cái cho tới bản dạng giới, lựa chọn việc làm, quan hệ xã hội...

Ở vai trò trưởng đoàn, Bích Phụng cho thấy chị là người nhìn thấy tất cả những rắc rối mà một gánh hát “bóng gió” thường gặp phải khi nay đây mai đó. Những lời răn dạy của chị - đứng vững trên thẩm quyền của kinh nghiệm, tuổi tác, lẫn vị trí – giúp lèo lái cả đoàn đi qua những chênh vênh, tế nhị của định kiến để ổn thoả công việc làm ăn.

Nhưng dù vậy, những chuyến rong ruổi khắp nẻo Nam Trung Bộ và Tây Nguyên của gánh hát Bích Phụng vẫn là một hành trình rủi ro, ngầm chứa xung đột. Mà nếu nhìn sâu xa hơn, nó là phép thử, sự thương lượng của giải phóng cá nhân trên biên giới của truyền thống và văn hoá.

Những chuyến đi của gánh hát Bích Phụng đã dừng lại vì chị đã đi về miền miên viễn trước cả khi kịp thấy bộ phim về mình làm nên lịch sử cho phim tài liệu Việt. Nhưng những chuyến đi khác, của những gánh hát khác vẫn còn tiếp tục.

Cũng như Thắm, cú gõ cửa ngoạn mục đầu tiên đã mở ra cho cô một câu chuyện kể. Sẽ còn rất nhiều câu chuyện kể nữa còn ẩn khuất đâu đó trong đời sống hàng ngày vẫn còn đang chờ cô, người kể chuyện.

 

Từ ngày 13/12, 16 suất chiếu của bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng

sẽ đến với khán giả TP.HCM.

Minh Chánh