- Cuốn tự truyện "Tâm thành và Lộc đời" của Thành Lộc do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chắp bút cho thấy những câu chuyện thú vị và cả những bí mật về anh.

{keywords}

"Xưa nay toàn đi đọc sách của người khác, chưa bao giờ có người đọc sách của mình, dễ sợ lắm!" - Thành Lộc cười lớn, mở đầu cho cuộc gặp gỡ đầu tiên với báo chí và khán giả chiều 20/1 tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi anh ra mắt tự truyện "Tâm thành và Lộc đời" do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chắp bút.

Tôi chưa đuổi ai hết

Thấy hơi lạ là anh ra mắt sách vào thời điểm này, khi mà vừa không có nhu cầu đánh bóng tên tuổi cũng như chưa đi đến giai đoạn cuối của nghiệp diễn?

- Cách đây gần 10 năm đã có những lời gợi ý bảo mình viết đi, nhưng Lộc làm biếng lắm, với lại thấy không đủ. Trước mắt mình có bao nhiêu tiền bối còn chưa viết, mình là cái gì mà dám viết; thậm chí tự thấy còn chưa diễn bằng một số bạn trẻ hơn trong nghề. Thêm nữa, cũng thấy bản thân mình chưa được "sạch sẽ". Tôi suy nghĩ hơi cực đoan là ai mà viết sách thì phải hoàn hảo lắm. Viết truyện cuộc đời mình thì phải có cái gì cho người khác học tập về nhân cách, suy nghĩ hay một hệ tư tưởng nào đó.

Nhưng đúng là duyên tới. Khi nhà sách Phương Nam đề nghị, nói ngọt thế nào tôi lại đồng ý. Tôi nghĩ mình cũng có may mắn là đến tận bây giờ vẫn còn được đứng trên sân khấu với thế hệ đàn em, đàn cháu, tôi cũng muốn để các bạn và đặc biệt là khán giả trẻ biết những điều khác. Mình kể lại không phải là để tả oán "ngày xưa ghê lắm", mà để nói "ngày xưa tụi anh khổ như vậy nè, có được như bây giờ là một sự phấn đấu rất cực kì". Bản thân Thành Lộc khi nghe chuyện cũ của cô Út Bạch Lan, chị Phượng Vy, chị Lệ Thủy... mình cũng ngạc nhiên. Hóa ra con đường của mình cũng còn dễ hơn các chị.

Nước mình có cái lạ, 10 năm xoay qua trong nháy mắt, nhưng 10 năm lại là một sự thay đổi cực kì nhiều, đổi cả một hệ thống suy nghĩ, triết lý, nhân sinh quan... Các bạn trẻ tưởng rằng con đường ngày xưa ông Lộc đi dễ lắm, nó dễ như mình bây giờ nhưng không phải. Bây giờ chỉ quay một cái clip quăng lên mạng là có khả năng nổi tiếng ngay, làm chuyện nghiêm túc hay làm chuyện tào lao đều có khả năng nổi tiếng như nhau.

Nhưng kết luận là, dù chúng ta ở thời đại nào, thuận lợi hay không thuận lợi, thì khả năng vượt qua chính những khó khăn của chúng ta để sống trọn vẹn với cuộc đời mà mình đã yêu nó, với niềm đam mê của mình... mới là đáng kể.

Ngoài những khó khăn trên con đường nghệ thuật, anh còn từng gặp khó khăn về sức khỏe. Sau vở "Cậu bé rừng xanh", anh bị tai nạn tưởng như không quay trở lại sân khấu, ngày nào cũng ngâm mình trong thuốc, khắp người cảm giác như có gai, rất đau đớn. May mắn là những ngày ấy đã qua. Nhìn lại, anh thích vai diễn nào của mình trên sân khấu?

- Vẫn muốn nhắc đến Ignacio - nhân vật nổi loạn của vở 'Trong hào quang bóng tối' (tác giả: Antonio Buero Vallejo, đạo diễn: Kim Loan) - một trong những vai diễn đầu tiên sau khi mình về sân khấu 5B Võ Văn Tần. Chuyện kể về một ngôi trường nuôi dạy người khiếm thị bẩm sinh.

Bị nhà trường ru ngủ rằng hãy yên tâm đi với hiện trạng tối tăm, cộng đồng người khiếm thị này không ý thức được rằng bên cạnh thế giới của họ còn có một thế giới rộng lớn: thế giới của những người sáng mắt. Mắt Ignacio không thấy nhưng huệ nhãn trong anh đã cảm nhận được có một thế giới sáng hơn, rộng hơn. Và anh đã gieo nhận thức này vào mọi người. Những người sáng mắt còn lợi dụng các học viên không thấy được để làm điều tệ hại...

Rất tiếc vì vở diễn quá lâu rồi, không có cơ hội trình diễn lại với mọi người. Tôi mê vai đó quá trời, thấy mình có chút xíu giống Ignacio ở tư tưởng nổi loạn, thích khám phá những gì ngoài sự hiểu biết của mình. Chính điều đó chọc cho người ta ghét. Nhân vật Ignacio cũng giúp Thành Lộc đoạt huy chương vàng trong liên hoan sân khấu nhỏ toàn quốc. Đó cũng là vai diễn gần với cá tính mình nhất.

Đặc biệt có cái này cũng ngộ: đi đâu người ta cũng thích ông Lộc diễn hài, nhưng những vai Lộc thích lại toàn vai bi. Những vai giúp mình đoạt giải trong các liên hoan hay được khán giả bình chọn cũng toàn vai bi. (cười)

{keywords}

Có tin đồn một số diễn viên giỏi như Thanh Thủy, Tú Trinh, Trung Dân phải bỏ Idecaf vì Thành Lộc đuổi. Chuyện này có thật không?

- Từ xưa đến giờ Thành Lộc chưa có đuổi ai hết, toàn người ta bỏ Thành Lộc thôi. Mới lại trong công việc, chuyện đến và đi là thường. Có một số người sau một thời gian làm việc với mình người ta thấy đủ để tách ra. Ngoài ra có quan điểm nghệ thuật, phong cách nghệ thuật và cả quan điểm về cuộc sống... thấy không phù hợp thì đi. Đó là cuộc sống, là chuyện rất bình thường.

Cảm giác như Thành Lộc mới nói một nửa sự thật chứ không phải là toàn bộ sự thật.

- Nói toàn bộ sự thật nhỡ ra thành mình nói xấu người ta thì sao? (cười) Mới lại ngày xưa sân khấu 5B có Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Thanh Thủy.... Bây giờ giả sử nguyên cả đám còn ở đó thì làm sao lớp trẻ lên? Thế nên mỗi người phải tách ra thì mấy em sau này ra trường mới có chỗ dung thân chứ. Tụi mình cứ giành đóng vai chính hết thì ai lên nổi. (cười)

Chẳng có ông đạo diễn nào mời tôi đóng cảnh nóng cả!

Ngoài sân khấu kịch, Thành Lộc cũng đóng phim. Giả sử có một đạo diễn nổi tiếng với kịch bản tầm cỡ muốn mời Thành Lộc đóng phim, nhưng có cảnh nóng thì anh có nhận lời vì nghệ thuật không, hay sẽ từ chối để "bảo toàn danh tiết" của mình?

- Điều đầu tiên phải nói thẳng là sẽ chẳng có ông đạo diễn nào mời tôi đóng cảnh nóng cả. Ông ấy chắc hết thời đến nơi mới nghĩ đến điều đó (cười to). Đùa thôi! Tôi từng đi xem một vở ballet hiện đại của Mỹ, diễn viên nude 100% nhưng lại là những người có hình thể không chuẩn, bụng bự, ngực sệ... không đẹp chút nào hết, nhưng họ là những diễn viên chuyên nghiệp. Đạo diễn đã cố tình chọn những người không có hình thể đẹp và họ đã làm nên một tác phẩm vô cùng lung linh. Nói vậy để thấy rằng khi mọi thứ nằm trong một tổng thể, xuất phát từ một động cơ nghệ thuật thực sự, được xử lý một cách tử tế nghiêm túc... thì cọng rơm cũng đẹp chứ không phải cọng vàng mới đẹp.

Với điện ảnh thế giới, họ không đề cập đến vấn đề có nude hay không, vì đối với họ chuyện đó bình thường. Chỉ ở Việt Nam mới hỏi bạn có chịu đóng cảnh nóng hay không, bởi vì họ cứ xem cảnh nóng là chuyện gì đó ghê gớm, là một sự hy sinh cao cả cho nghệ thuật. Thậm chí có nhiều cô - mình nói xin lỗi - nói là dám bỏ chân không chạy trên đồng. Cái đó có gì đâu mà hy sinh? Rồi thì dám bôi mặt xấu, làm mình lem luốc ra.... Những cái đó thì có gì đâu?

Thế nên việc mình có nude hay đóng cảnh nóng hay không nó phụ thuộc vào tác phẩm gì, đạo diễn đó là ai. Nếu đó là một đạo diễn uy tín hàng đầu thì muốn quay chỗ nào trên người tôi cũng được. (cười)

{keywords}
Nghệ sĩ Thành Lộc trong buổi ra mắt sách.

Tự truyện "Tâm thành và Lộc đời" có chi tiết nào anh chưa từng tiết lộ với công chúng trước đó?

- Đầu tiên là chuyện yêu đương - trước đây chưa từng kể nhưng trong sách này đã kể. Thứ hai là giấc mơ về một đoàn âm binh thần tướng mũ mão sống động hiện ra trước mắt khi tôi còn nhỏ đã khiến tôi ý thức mình là người được chọn - chuyện này tôi chưa từng kể ngay cả trong gia đình, với cha mẹ hay anh chị. Giấc mơ đó giống như định mệnh, một sự dự báo về sứ mạng nghề nghiệp tôi đi theo sau này.

Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ đến mọi người và đặc biệt là các em trẻ, rằng có một con người luôn lạc quan dù trong bất kì tình huống nào. Để có được niềm lạc quan đó, phải chuẩn bị cho mình một tâm thế nhìn cuộc sống như một trái táo thơm và quyến rũ, dù có những chỗ bị sâu, bị dập... khiến mình không hài lòng. Sống là một nghệ thuật, khi cắn trái táo đó để cảm nhận về đời sống, vũ trụ, nghệ thuật... thì biết lựa nơi. Thậm chí nếu có cắn phải vị đắng thì ta cũng hiểu được chính vị đắng đó giúp ta nhận thức được giá trị của vị ngọt. Đó là những giá trị của cuộc đời, giúp ta nhận ra tồn tại hay không tồn tại.

Con người ta có những lúc yếu đuối...

Trên con đường nghệ thuật, đã có lúc nào Thành Lộc mệt mỏi, muốn bỏ nghề?

- Đã có. Không phải một mà rất nhiều lần. Mình cũng là một con người bình thường, cũng chịu những tác động tiêu cực - đôi khi nó không phải là tác động khách quan mà do chính mình tạo ra. Có những va chạm mình làm cho người khác tổn thương, nên con người ta phải có khả năng sám hối nữa. Tất cả những điều đó làm cho mình thoái chí, rồi để bảo vệ bản thân mình, mình lại trở thành người tấn công người khác.... Mọi thứ tác động đến động cơ làm nghề của mình ngay từ ban đầu. Tôi viết trong sách là ghét những ai nói câu "Nghề này bạc bẽo", nhưng chính tôi cũng có những lúc nói thế. Con người ta có những lúc yếu đuối...

Có một từ rất hay là từ "tu", nó có nhiều nghĩa, cũng như "buông" là buông mọi sân si, danh lợi, đàm tiếu ....để mình đeo đuổi, nắm bắt lại xuất phát điểm của mình, trong tâm thức mình vẫn nhớ tại sao mình đã chọn nghề, thì mình sẽ tìm ra được một lối đi, chút ánh sáng le lói để quay trở lại khi gặp những cái ác. Những cái ác là gì, là những cái có lúc con người vẫn đang làm với con người đây.

Nếu được chọn một tấm vé quay trở lại, Thành Lộc có chọn tiếp nghề này?

- Chẳng có tấm vé nào đâu (cười), cuộc đời vốn đi tới chứ không quay trở lại nên tôi không mơ mộng viển vông.

Anh chia sẻ trong sách, sau này khi chết đi không muốn đầu thai mà muốn làm một hồn ma để đi phù hộ cho những người có tài mà bị "đì"?

- Tôi tin trên đời này có ma, và thời đại nào cũng có người bị "đì" hết trơn (cười). Tôi thấy có được thành công này mình vẫn là người may mắn hơn nhiều người khác, nên sau này nếu có cơ hội muốn bay đi khắp nơi, thấy ai khốn khổ thì giúp. Đó là một suy nghĩ rất lãng mạn của tôi (cười).

{keywords}
Ảnh: My Lê

Xin cảm ơn anh!

Hồ Hương Giang (ghi)