Nhà hát Kịch Việt Nam từng trải qua giai đoạn “đen tối”, các phe phái “đấu đá” nội bộ, sân khấu kịch kinh điển của miền Bắc một thời tưởng như không vực dậy nổi. Giữa lúc ấy, NSƯT Anh Dũng đã buộc phải thôi chức Giám đốc với lý do không có bằng đại học…
Đã có thời, báo chí viết rất nhiều về một thời hoàng kim của sân khấu phía Bắc- như một cách để tưởng nhớ, để hoài niệm. Người ta nhắc mãi về một thời khán giả từng đội mưa xếp hàng đứng mua vé trước của nhà hát Kịch Việt Nam, nhà hát Kịch Hà Nội, nhà hát kịch Tuổi trẻ… Thời ấy không còn nữa. Sân khấu vắng ánh đèn. Nghệ sĩ bươn bả lo sinh nhai. Kịch mục đơn giản, lay lắt với vài suất diễn cho “qua ngày đoạn tháng”.
NSƯT Anh Dũng
Khi sân khấu kịch nói miền Bắc bước vào giai đoạn khó khăn nhất, nhà hát Kịch Việt Nam- “Anh cả đỏ” của sân khấu kinh điển được nhắc đến với nhiều “bi kịch” nhất. Thời ấy, nghệ sĩ ở nhà hát Kịch Việt Nam tránh nói về nhau, tránh nói về Ban Giám đốc, tránh nói về những cuộc “đấu đá” chia rẽ bè phái trong nội bộ nhà hát. Nhà hát vốn đã vắng khán giả lại càng trở nên vắng hơn. Trong giai đoạn khó khăn của nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Anh Dũng gần như bị buộc thôi chức Giám đốc với lý do thiếu bằng đại học. Sự ra đi đột ngột của vợ là NSND Phương Thanh năm 2009 giống như một cú sốc khác đối với NSƯT Anh Dũng.
Năm 2010, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, NSƯT Anh Dũng bày tỏ nỗi ưu phiền trong cuộc sống lặng lẽ. Anh bày tỏ, sức mạnh lớn nhất của anh là cô con gái. Con gái trở thành động lực sống, là sức mạnh để anh nỗ lực vượt qua những nỗi ưu phiền. Bên cạnh đó, bạn bè thân thiết như NSƯT Minh Châu, NSƯT Hà Xuyên… luôn an ủi, động viên, luôn nhắc nhớ anh về một thời đầy đam mê, nhiệt huyết với sân khấu, điện ảnh- những điều ấy cũng trở thành niềm an ủi để anh sống lạc quan hơn, giữa những muộn phiền, trống trải.
NSƯT Anh Dũng trong phim "Cô gái trên sông"
Nhiều năm đã trôi qua sau quãng thời gian “đen tối” của sân khấu nói chung và nhà hát Kịch Việt Nam nói riêng. Nhiều “đời” Giám đốc lên, xuống. Nhà hát đã có đủ quãng thời gian để nhìn lại những thăng trầm sau bấy nhiêu biến cố.
Mỗi nghệ sĩ có cách nhìn nhận riêng về những điều đã xảy ra. Diễn viên Phú Đôn khẳng định, “Tôi là người đã gắn bó với nhà hát Kịch Việt Nam suốt chặng đường dài lịch sử. Tôi đã chứng kiến hết các “đời” Giám đốc, đã đi qua đủ mọi thăng trầm của nhà hát, vì vậy, tôi có thể khẳng định, những “bi kịch” của nhà hát Kịch Việt Nam không hề “ghê gớm” như báo chí đã viết và như dư luận vẫn đồn thổi. Chuyện thăng trầm của một nền nghệ thuật bác học như sân khấu là tất yếu. Kể cả chuyện thăng trầm trong lịch sử của một nhà hát cũng là tất yếu”.
Theo nghệ sĩ Phú Đôn, chuyện “bè phái” trong nội bộ nhà hát Kịch Việt Nam không “kinh khủng” như cách dư luận vẫn nhìn nhận và đánh giá. Có thể có chút hiểu lầm, có chút nản lòng trong một bộ phận nhỏ nghệ sĩ khi sân khấu vắng khán giả, nhưng trên hết, số đông nghệ sĩ vẫn một lòng với sân khấu và gắn bó với nhà hát dù hưng thịnh hay khó khăn.
Nghệ sĩ Phú Đôn |
Dưới góc nhìn này, nghệ sĩ Phú Đôn hoàn toàn cho rằng, những “bi kịch” hay những chuyện “bè phái” ở nội bộ nhà hát Kịch Việt Nam là do dư luận thổi phồng, và báo chí đã khiến cho câu chuyện trở nên “ghê gớm”.
Về NSƯT Anh Dũng, nghệ sĩ Phú Đôn chia sẻ, đó là một người đầy đam mê và nhiệt huyết với công việc. Nghệ sĩ Phú Đôn từng là phó đạo diễn cho NSƯT Anh Dũng khi NSƯT Anh Dũng tham gia là đạo diễn phim. Nghệ sĩ Phú Đôn từng có những năm tháng gắn bó trong nghề nghiệp, với NSƯT Anh Dũng, và luôn dành tình cảm trân trọng cho NSƯT Anh Dũng.
Trước sự ra đi của NSƯT Anh Dũng, nghệ sĩ Phú Đôn bày tỏ sự tiếc thương, và cầu mong cho NSƯT Anh Dũng được bình an, hạnh phúc ở cõi vĩnh hằng.
Theo Dân trí