Chí Trung một thời gian dài tối làm ông này ông nọ trên sân khấu nhưng sáng ra lại hành nghề... buôn săm lốp. Ngọc Huyền, từ tiểu thư con nhà giàu bỗng trở thành vợ trai nghèo, vừa làm diễn viên vừa lao vào buôn bán kiếm tiền.

"Hiếu mặc quần thủng đít" là cái tên thời ấy bạn bè trêu anh. Trừ bộ quần áo diễn lúc nào cũng được giặt ủi phẳng phiu, một đôi giày diễn bóng lộn và cây đàn được lên dây chính xác, còn lại là cuộc sống rách rưới, bụi đời như người lính", Nhạc sĩ Trần Tiến kể về người anh trai yêu quý -  nghệ sĩ Trần Hiếu.

Từ trải lòng của người em, công chúng hiểu thêm về một thế hệ nghệ sĩ lãng mạn, trọn đời đem tiếng hát phụng sự cho đất nước.

Bố đặt tên anh Trần Trung Hiếu, đứa con thứ hai trong nhà thế mà như số phận. Bố mất sớm, chỉ có anh gánh vác thay bố bên mẹ nuôi chín miệng ăn ngày tản cư, loạn lạc năm 1947. Mẹ kể: Anh gánh hai thúng muối to đùng vượt qua bốt đồn Tây về được vùng tự do, bán đi mua gạo nuôi cả nhà.

Phố Ngõ Gạch ngày đó, các bà tiểu thương đói hàng, lại phải gọi thằng Hiếu con bà đốc học về Hải Phòng vùng tạm chiếm, xì xồ tiếng Tây để mua xi măng về cứu cả phố.

Nghệ sĩ Trần Hiếu, vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền là những nghệ sĩ có mặt trong cuốn sách “Đời nghệ sĩ: không chỉ có hào quang” do Báo Tuổi trẻ và Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

{keywords}
Diễn viên Hồng Ánh và cuốn sách mới phát hành. Ảnh: TT

Cuốn sách tập hợp các bài viết đã đăng trên chuyên mục “Đời nghệ sĩ” của báo Tuổi trẻ. Tác giả là những nhà văn, nhà báo có uy tín và đặc biệt có sự tham gia của những cây bút ngoại đạo như ca sĩ Ánh Tuyết, nhạc sĩ Trần Tiến, diễn viên Dustin Nguyễn…

Dưới hình thức phỏng vấn, tự sự, cảm nhận… hình ảnh những nghệ sĩ đáng kính  như Nguyễn Cường, Lê Khanh, Dương Thụ, Thu Minh, Quý Bình, Doãn Hoàng Giang, Elvis Phương, Hồng Nga… hiện lên thật giản dị, gần gũi. Phía sau ánh hào quang sân khấu, họ cũng là những con người bình thường với những lo toan, uẩn khúc. Và, trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn tận tâm với nghề, tha thiết với cuộc đời.

Đó là Chí Trung một thời gian dài tối làm ông này ông nọ trên sân khấu nhưng sáng ra lại hành nghề... buôn săm lốp. Ngọc Huyền, từ tiểu thư con nhà giàu bỗng trở thành vợ trai nghèo, dọn về ở chung với mẹ chồng trên căn gác xép, vừa làm diễn viên vừa lao vào buôn bán kiếm tiền, từ việc mở hiệu ảnh cưới đến buôn quần áo em bé.

Đó là Trương Ngọc Ánh với nhiều tham vọng. Cách đây nhiều năm, khi vẫn đang trên đỉnh cao của hào quang nghệ thuật, Trương Ngọc Ánh đã tất tả đi học kinh tế, lập công ty quảng cáo, in ấn, mở nhà hàng, nhập khẩu bột mì, kinh doanh bất động sản… Nhưng hiện tại nữ nghệ sĩ đã gom lại rất nhiều tham vọng ngày xưa, để dành thời gian sống cho mình và những người yêu thương.

Là Thanh Thanh Hiền chỉ thích là đào thương và hơi “ấm ức” khi bị gọi là “đào lẳng”. Khi không hát và không diễn giọng Thanh Thanh Hiền trầm, gần như khản đặc, còn khi chị đã cất giọng lên, trong vắt như giọng em bé và trầm đục như vọng từ cõi khác về.

Và có lẽ cũng ít tai biết rằng cuối năm 2013, Phạm Anh Khoa âm thầm làm một cuộc chạy marathon từ Sài Gòn đến Cam Ranh để quyên tiền từ bạn bè và cả tiền dành dụm của mình để giúp cho bảy trại trẻ mồ cô dọc tuyến đi. Mỗi ngày Khoa chạy 30km và mời mọi người nhắn tin, góp tiền vào những lúc ấy. Đã có 700 triệu đồng được chia cho các trại trại mồ côi đó.

Diễn viên Hồng Ánh -  một trong những nhân vật có mặt trong cuốn sách bâng khuâng khi đọc lại bài viết về mình.  Qua những câu chuyện riêng tư được chia sẻ cô hiểu sâu hơn về các nghệ sĩ, cả những người mà trước đây ngỡ như mình đã biết nhiều lắm rồi.

Đằng sau mỗi vai diễn, mỗi thước phim, mỗi bản tình ca… được ca tụng là bao nỗi xót xa, cay đắng khó nói thành lời. Người nghệ sĩ, với bản tính nhạy cảm, khi rời khỏi sân khấu nỗi cô đơn vì thế càng mênh mông, ngậm ngùi.

“Đời nghệ sĩ: Không chỉ có hào quang” với 51 gương mặt nghệ sĩ chưa phải là đầy đủ nhưng phần nào phác họa bức tranh văn hóa văn nghệ Việt Nam trong nhiều giai đoạn lịch sử.  

Thúy Hà