Vở kịch Hamlet phiên bản Nhà hát Kịch Việt Nam đã được 'thuần Việt' hết mức có thể khi đưa thơ lục bát và điệu múa Xuân Phả nổi tiếng của người Thanh Hóa.
Trích đoạn đối thoại giữa Hamlet và Hoàng hậu
Không chỉ khán giả mà ngay cả những bạn nghề cũng hào hứng tới Nhà hát Kịch Việt Nam cuối tuần qua để xem vở Hamlet. Vở mà theo như giới thiệu ban đầu của đạo diễn, NSƯT Anh Tú là nó sẽ thật "thuần Việt".
Phiên bản gốc của vở diễn kéo dài tới 5 tiếng, đạo diễn NSƯT Anh Tú rút ngắn lại còn hơn 2 tiếng. Đó là khó khăn lớn nhất của một đạo diễn khi đứng trước kịch bản, bỏ - giữ trường đoạn nào để vở diễn vẫn mang thông điệp của tác giả. Và đạo diễn Anh Tú đã thành công khi giữ lại được nội dung cũng như tư tưởng của Shakespeare gửi gắm trong tác phẩm.
NS Phương Nga trong vai Hoàng hậu |
8h tối, khi khán giả đã ngồi kín cả hai lối đi, tấm màn nhung mở ra, cảnh tượng kinh hoàng khi đức Vua Đan Mạch bị chính em trai và Hoàng hậu của mình đầu độc bằng cách đổ thuốc độc vào tai. Hoàng tử Hamlet xứ Đan Mạch trở về nước chịu tang vua cha và phát hiện ra âm mưu khủng khiếp này. Thêm vào đó, chỉ 2 tháng sau cái chết của Đức Vua, Hoàng hậu tái hôn cùng chú ruột của mình khiến Hamlet càng thêm căm phẫn. Hamlet quyết định điều tra tìm ra sự thật về cái chết của vua cha và báo thù. Đó không chỉ là câu chuyện kịch đơn giản về một âm mưu thoán đạt nơi cung đình, cao hơn là bi kịch của một hành trình đi tìm sự thật để bảo vệ cho phẩm giá và lẽ sống của con người, mang đậm chất nhân văn và tính thời đại.
NS Trung Anh và Tạ Tuấn Minh trong một cảnh diễn |
Sân khấu chỉ đa phần là một màu đen u tối. Những góc tối nhất của con người đã được đạo diễn Anh Tú phơi bày dưới mắt nhìn của thời hiện đại. Một Hamlet (NS Tuấn Minh) không ổn định, chịu nhiều thúc động và ở trong nhiều trạng thái giao động tinh thần. Hoàng Tử là một người thông minh, nhạy cảm, ở địa vị cao nhưng gặp một hoàn cảnh tàn bạo nên đã có các thái độ quá đáng, do dự, tìm kiếm các chứng cớ để báo thù.
Một nàng Orphelia (NS Khuất Quỳnh Hoa) rất ngây thơ. Orphelia đã bối rối khi nhìn thấy Hamlet thay đổi thái độ và trong cảnh tranh chấp giữa tình yêu Hoàng Tử và bổn phận vâng lời cha, nàng Orphelia đã làm theo lời cha dặn trong khi đó Hamlet không hoàn toàn tuân theo lời của cha tức là lời dặn của hồn ma.
NS Khuất Quỳnh Hoa trong vai nàng Orphelia |
Một Hoàng Hậu Gertrude (NS Phương Nga) yêu thương Hamlet, cũng quan tâm đến Orphelia, cũng đã cảm thấy có lỗi một cách mơ hồ...
Claudius (NS Trung Anh) là Vua của xứ Đan Mạch, là chú của Hamlet và sau này là cha ghẻ của Hoàng Tử. Đây cũng là một nhân vật phức tạp với khả năng uống rượu và tài năng chính trị đối phó với các nước Na Uy và Ba Lan, tài năng điều khiển dân chúng và hai cận thần. Khán giả có thể không ưa lối cười đạo đức giả thường xuyên của Claudius nhưng lại có cảm tình với ông vua này trong cảnh cầu nguyện và chính vào lúc này mà Hamlet không nỡ giết nhà vua bạo ngược.
Clip trích đoạn cái chết của nàng Orphelia
Điều mang lại thành công của vở diễn không chỉ bởi cách xoáy sâu vào tâm lý nhân vật của đạo diễn Anh Tú mà còn bởi thiết kế sâu khấu với các bục di chuyển lúc là bức tường thành cao vút, lúc lại là con thuyền, lúc lại là nấm mồ chôn. Dù tuổi đã rất cao nhưng NSND Doãn Châu vẫn 'rất trẻ' trong cách thiết kế sân khấu. Cái chết của nàng Orphelia được sân khấu hóa đúng với tính cách và con người nàng khi còn sống - cái chết rất thơ.
Bên cạnh đó, là những yếu tố “thuần Việt” được đạo diễn chủ ý đưa vào vở diễn như những lời thơ song thất lục bát, nhịp trống của sân khấu truyền thống Việt và nhất là điệu múa Xuân Phả đậm chất xứ Thanh, được sử dụng xuyên suốt, bổ trợ sinh động và làm nổi bật ý nghĩa của những màn diễn nặng tính độc thoại nội tâm.
Vở diễn với nhiều thông điệp về công lý và sự báo thù, người đàn bà và tình yêu, quyền lợi và bổn phận làm vua... khiến khán giả phải suy nghĩ.
Vở diễn sẽ tiếp tục công diễn vào ngày 3/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và tại Nhà hát Kịch Việt Nam trong những đêm tiếp theo.
Điệu múa Xuân Phả đặc trưng của người Thanh Hóa được đưa vào vở diễn |
T.Lê