Một ngày thu đẹp dịu dàng, tôi đến xưởng vẽ của anh, ngay cạnh trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Đó là thế giới riêng của họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên, nơi mọi thứ khác trở nên câm lặng để chỉ còn những cung bậc của sắc màu lên tiếng…

Bố là đạo diễn, chị gái làm diễn viên, ban đầu chính Nguyễn Văn Chuyên cũng không nghĩ mình có một ngã rẽ vào hội họa. Nhưng rồi khi lên cấp 3 anh bắt đầu được làm quen, tiếp xúc với các họa sĩ là bạn bè của gia đình. Nguyễn Văn Chuyên thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ra trường, vào giảng dạy Mỹ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1992. Đến năm 2003 anh chuyển ra Thủ đô làm giảng viên khoa Mỹ thuật trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Công việc giảng dạy không mất quá nhiều thời gian, nên hơn chục năm qua anh có thể dành hết tâm sức của mình cho sáng tạo, trong xưởng vẽ rộng rãi, khang trang tại con phố Mai Dịch này.

Những bức tranh không chữ ký

Anh nói với tôi, lúc hạnh phúc nhất là lúc vẽ. Khi vẽ xong, tức là lúc bức tranh khép lại trước người nghệ sĩ, nó được “đóng gói” và công việc ấy của họa sĩ đã kết thúc. Nghệ thuật của nó là gì? Câu trả lời nằm trọn vẹn ở tác phẩm. Sự khác lạ là Nguyễn Văn Chuyên thường không ký tên dưới mỗi bức tranh. Với anh, bức tranh hẳn nhiên đã nói lên rõ nhất về tác giả của nó. Mỗi nét bút, mỗi mảng màu, mỗi hình khối… đều ghi dấu đậm nét con người tác giả. Vậy thì cần gì một chữ ký, khi nó chỉ là sự xác nhận phía bên ngoài tác phẩm.

Hầu như không ký tên vào tranh, không quan tâm nhiều tới việc triển lãm cá nhân, Nguyễn Văn Chuyên quan niệm người họa sĩ chỉ cần làm tốt phần việc của mình, và công việc ấy là thông qua ngôn ngữ tạo hình thể hiện được ý tưởng, tư duy, cảm xúc của người họa sĩ. Nó được Nguyễn Văn Chuyên tiến hành âm thầm lặng lẽ hơn so với những gì người ta thoạt tiên nghĩ về anh. Và tất cả những gì có thể nói về công việc ấy, đó là hai từ “chuyên nghiệp”.

Với Nguyễn Văn Chuyên, chất liệu thể hiện hay kĩ thuật không phải điều quan trọng nhất. Cái tiên quyết cho thành công của một tác phẩm hay một họa sĩ chính là thông qua ngôn ngữ tạo hình thể hiện được ý tưởng của tác phẩm một cách độc đáo nhất.

Được đào tạo bài bản về sơn mài trong trường mỹ thuật, là thực tập sinh tại trường Ecole Nationale Superieure des Beaux-Arts-Paris (năm học 2002 – 2003) với lựa chọn xưởng chất liệu tổng hợp, Nguyễn Văn Chuyên không những có nhiều tác phẩm xuất sắc trên các chất liệu sở trường mà còn thành công ở các chất liệu khác như tranh sơn dầu và tranh đồ họa với rất nhiều giải thưởng.

{keywords}
Họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên sinh năm 1969 tại Hải Dương trong một gia đình làm nghệ thuật.

Từ những năm ngoài 30 tuổi, Nguyễn Văn Chuyên đã đoạt được rất nhiều giải thưởng Mỹ thuật trong nước và quốc tế. Từ Giải Nhất trong Triển lãm Mỹ thuật Đồng Nai năm 1995 với tác phẩm “Lễ thiêng” khi anh mới 26 tuổi, đến nay Nguyễn Văn Chuyên đã có tới ngót nghét 30 giải thưởng, trong đó ngoài những giải khu vực, giải thưởng thường niên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc định kỳ 5 năm, còn có Giải thưởng Mỹ thuật Asean, Giải thưởng cuộc thi Ánh mắt trẻ dành cho các nghệ sĩ dưới 35 tuổi (Giải Nhì năm 2001 và Giải Nhất năm 2002), Giải thưởng Mỹ thuật Anh quốc kỷ niệm 100 năm chào thiên niên kỷ mới WinSor & Newton…

Song Nguyễn Văn Chuyên an nhiên với mọi chuyện, kể cả giải thưởng, bởi với anh đó cũng chỉ là những sân chơi. Còn cuộc chơi bền bỉ, dài hơi và duy nhất có ý nghĩa với anh, đó là ở trong căn xưởng này, nơi bất cứ lúc nào rảnh rỗi và thấy tĩnh tại, anh lại khép cửa để được tận cùng cô đơn trong thế giới riêng mình. “Đấy là lúc rỗng không nhất” - người họa sĩ nói về những giờ khắc cầm bút của anh, khi những nghĩ suy, ý tưởng đã chín muồi và bàn tay bắt đầu công việc chuyển tải của nó với trạng thái gần như là “vô thức”.

“Trầm tích” trong mỗi sắc màu

Thiếu sự mới lạ và huyền bí, nghệ thuật không còn là nó nữa. Bởi vậy mà vẽ tranh không phải là sự lấp đầy màu lên toan trắng, cũng không phải là việc mô phỏng hiện thực như nó vốn có. Họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên nói: “Một số tác phẩm của tôi không phải ai cũng xem được. Và tôi không bao giờ vẽ một bức nào nhang nhác với bức trước đó”.

Mỗi tác phẩm của anh thường là những tác phẩm độc lập, đề tài khá đa dạng, nhưng từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, anh bắt đầu say mê với đề tài văn hóa lễ hội và tâm linh. Bức tranh đầu tiên đánh dấu chặng đường này của Nguyễn Văn Chuyên là bức sơn mài “Tâm Phật”, đoạt Giải Nhì (không có Giải Nhất) của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1998. Ở tác phẩm này, không thấy gương mặt hay thân hình của Phật, nhưng có một thứ Phật tính lan tỏa trong tranh. “Tôi không vẽ hình dáng Phật mà vẽ theo sự linh cảm về Phật của mình. Và đó mới thực sự là Phật”, người họa sĩ nói.

{keywords}
Tác phẩm 'Tâm Phật' của Nguyễn Văn Chuyên

Thành công ở thể loại tranh trừu tượng đã đưa Nguyễn Văn Chuyên đến với hàng loạt giải thưởng cho các tác phẩm như “Lễ thiêng”, “Hội đêm trăng”, “Lễ cầu mùa”, “Trở về cội nguồn”, “Mỹ Sơn”, “Dấu tích trên cao nguyên”, “Bãi đá cổ”, “Hóa thạch”, “Cội nguồn”, “Thảm B52”, “Phù sa sông Hồng”, “Mạch ngầm trong thành phố”, “Huyền thoại Việt”… “Khác với các loại tranh khác, tranh trừu tượng đòi hỏi người thưởng thức phải có sự đồng cảm”, anh nói.

Và tôi thực sự bị choáng ngợp trước những bức tranh thường được vẽ trên vóc hay toan khổ lớn của anh, với những đền đài, thành quách, những rong rêu của kí ức trộn lẫn với xúc cảm, một hồng hoang mịt mùng vời vợi nhắc người ta nhớ về nguồn cội, nhịp bước mơ hồ thời gian trên những nát đổ phiêu linh của dấu tích lịch sử và huyền thoại, sự hỗn độn và bí ẩn của tâm thức trên một lát cắt mỏng manh của những lớp đất bồi xen lẫn cùng thảo mộc, hay từ những gợn sóng xa xôi… Tất cả hiển hiện và quyến rũ người xem dù chúng không thực sự được vẽ ra. Họa sĩ chỉ gợi mở, rồi để cho người xem cùng bay vào thế giới tưởng tượng diệu kì của anh.

Người họa sĩ đã xóa đi mọi đường biên hình khối thật của sự vật, để chỉ còn lại những ấn tượng ám ảnh về chúng. Sự gạt bỏ đi đường biên ấy chính là nét thơ mộng của tác phẩm, bởi từ trong bản chất, nghệ thuật không cần đến sự sao chép hiện thực, nó là thế giới của tưởng tượng, siêu cảm, bí ẩn và những giấc mơ. Tranh trừu tượng cho phép người nghệ sĩ làm điều ấy.

Và người ta thấy trong bức “Hội đêm trăng” của Nguyễn Văn Chuyên cái tưng bừng hoan hỉ pha chút ma mị của những bàn tay, cái lấp lánh của ánh trăng huyền ảo rọi vào đêm tối, tiếng lạo xạo của những trang sức, y phục tha thướt huyền bí, sự nhập nhằng ẩn hiện tỏ mờ của những gương mặt trong thế giới tâm linh, sự sống và cái chết. Có lẽ phảng phất đâu đó trong bức tranh cả gương mặt của những thần thánh nữa… Người ta cũng thấy trong “Dấu tích trên cao nguyên” hay “Huyền thoại bãi đá cổ” những vết hoen ố của thời gian.

Phải gạt bỏ cái thói quen nhìn thấy hình hài sự vật thì mới cảm được những bức tranh như vậy. Tranh Nguyễn Văn Chuyên đòi hỏi người xem phải thưởng thức với trái tim rộng mở, phải di trú chính tâm hồn mình trên mỗi nhịp điệu của sắc màu.

Dù là những bức sơn dầu thâm trầm, những tác phẩm đồ họa kiệm màu đẹp mắt, hay những bức sơn mài sang trọng, bí ẩn và rực rỡ lạ lùng, thì tranh Nguyễn Văn Chuyên luôn đánh thức trong chúng ta một cách nhìn khác về hiện thực, đầy mới mẻ và lôi cuốn.

M. Proust từng nói thế giới được tạo lập không phải một lần, mà bao nhiêu lần các tác phẩm độc đáo xuất hiện thì bấy nhiêu lần nó được tạo lập. Tôi hiểu rằng, hội họa chính là cái hiện thực đẹp như mơ mới được tạo lập ấy, và nghệ sĩ là người nối dài những giấc mơ cho đời sống, bằng thứ trầm tích lắng đọng trong mỗi gam màu.

Phạm Quỳnh An