- Các chương trình truyền hình liên tục nở rộ không có điểm dừng nhưng chất lượng ngày càng đi xuống đáng báo động.

Hơn 40 gameshow, ca hát chiếm ưu thế

Gameshow truyền hình đang nở rộ hết sức mạnh mẽ và áp đảo các loại chương trình khác. Nếu như cách đây nhiều năm người ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì hiện nay, theo một thống kê sơ bộ đã có trên dưới 40 gameshow lớn nhỏ nằm rải rác tất cả kênh từ quốc gia đến địa phương. 

Những gameshow ngày càng phong phú hơn về nội dung và tập trung vào mảng giải trí chứ không còn đơn thuần là sân chơi tri thức – loại hình phổ biến nhất thời kì đầu. Trong các cuộc chơi của vũ công, người mẫu, nhà thiết kế, diễn viên, diễn viên hài, đầu bếp, doanh nhân… thì có ca hát là hình thức được ưa chuộng và dễ hái ra tiền nhất.

Gần một nửa trong các gameshow truyền hình hiện nay là các cuộc thi hát. Sự phình to đột biến về số lượng cuộc thi hát xuất phát từ hai phía nhà sản xuất lẫn khán giả. Đơn giản là thi hát dễ tổ chức, dễ tuyển thí sinh, format đơn giản (chỉ hát và hát), thời lượng phát sóng không nhiều nhưng lợi nhuận thu về khổng lồ.

Chẳng hạn như chỉ một đêm chung kết Vietnam Idol năm 2009 (mùa 2), nhà đài đã nhận được 723.024 tin nhắn bình chọn cho các thí sinh dự thi tương đương với hơn 2,1 tỉ đồng. Một thông tin khác được hé lộ cho thấy chi phí áp dụng cho một đoạn quảng cáo 30 giây xuất hiện trong chương trình The Voice Kids 2013 đã “ngốn” 280 triệu đồng.

{keywords}
Quá nhiều gameshow khiến khán giả bội thực vì bị "bội thực".

Tổ chức thi hát “hời” là thế còn khán giả dường như cũng thích nghe hát hơn là xem những trò giải trí khác. Đó là lý do những cuộc thi hát kỳ cựu như Sao mai, Sao mai Điểm hẹn, Vietnam Idol … vẫn còn bám trụ tồn tại đến hôm nay trong khi các chương trình mới lại không ngừng ra đời dưới nhiều hình thức. Một mặt, các nhà sản xuất liên tục nhập những cuộc thi nước ngoài về. Mặt khác, ngoài các nhà sản xuất chương trình chuyên nghiệp thì các nhãn hàng, doanh nghiệp cũng “xắn tay” tham gia tổ chức thi hát nên việc những show như thế này ra đời ồ ạt cũng là điều dễ hiểu.

Ngoài những cuộc thi hát thì sân chơi cho các ngành nghề, lĩnh vực khác cũng tỏ ra không hề kém cạnh. Chỉ tính riêng thi nhảy đã có đến 5 6 cuộc thi. Những show khác như Vietnam’s Next Top Model, Project Runway, Iron Chef, Master Chef… tuy phân bổ nhiều ngành nghề nhưng nhìn chung vẫn không thoát khỏi rập khuôn thi thố tài năng. Nhà sản xuất đã bắt đầu nhạy bén hơn khi không chỉ nhắm đến đối tượng là ngôi sao hoặc mô típ thi cử thông thường.

Thay vào đó, họ còn khai thác những sân chơi dành cho người trẻ, doanh nhân, nhân viên văn phòng như Siêu thủ lĩnh, Ngoài giờ… hay triển khai thể loại gameshow ngoại cảnh như Điệp vụ tuyệt mật, Cuộc đua kỳ thú hay Bố ơi mình đi đâu thế.

{keywords}

Các show hài truyền hình 2015 bùng nổ về số lượng nhưng nhìn chung lại không thành công rực rỡ như năm vừa qua. Loạt chương trình gây cười như Người bí ẩn, Ơn giời! Cậu đây rồi, Vui ơi là vui, Gương mặt thân quen nhí, Cười là thua, Thách thức danh hài, À ha, Cười xuyên Việt … tuy vẫn giữ được lượng khán giả riêng nhưng đang dần trở nên ít thu hút do nhạt nhẽo, sáo mòn; một số trong đó còn gây tác dụng ngược do phản cảm, lố lăng.

Thuần Việt mất tích, nhảm nhí lên ngôi

Hai điểm đáng chú ý của thế cục gameshow truyền hình là sự tuyệt chủng của gameshow thuần Việt và sân chơi chất lượng kém ngày càng nhiều.

Cách đây khoảng 10 năm, gameshow tri thức là thể loại được ưa chuộng, cực kỳ thịnh hành và thống trị sóng truyền hình. Nhưng dần theo thời gian, khán giả không còn mặn mà và thay vào đó là họ thích nghe hát hơn. Thị hiếu thay đổi khiến các gameshow giải trí có cơ hội bùng dậy mạnh mẽ và phát triển ồ ạt. So ra, các cuộc thi kiến thức bây giờ hầu như chỉ còn những “gương mặt thân quen” bám trụ lại như Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú, Đấu trường một trăm… dù thực sự cũng đã qua thời vàng son.

Điểm đáng buồn là các gameshow thuần Việt hầu như đã tuyệt chủng. Vì nhiều lý do mà những chương trình, từ cuộc thi kiến thức (Hành trình văn hóa, Rồng vàng) đến ca hát (Song ca cùng thần tượng) … lần lượt bị “khai tử”. Một số khác như Trò chơi âm nhạc chỉ còn giữ được cái tên, còn nội dung được bê nguyên xi từ một chương trình nước ngoài là Don’t forget the lyrics nhưng cũng không còn hấp dẫn người xem. Và sắp tới chương trình này cũng chuẩn bị “nối gót ra đi” vì số cuối năm vào tháng 12 tới có thể cũng là số cuối cùng sau nhiều năm “cầm hơi” duy trì.

{keywords}

Số lượng tăng mạnh khiến chất lượng không được chỉnn chu hoặc sụt giảm và gameshow truyền hình cũng không nằm ngoài. Đơn cử như thi hát, nếu như các sân chơi đã già cỗi như Sao mai từng mang đến làng nhạc Việt những cây đại thụ như Trọng Tấn, Anh Thơ, Thanh Thúy hay Sao mai điểm hẹn với dàn nghệ sĩ lớp sau chất lượng như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Anh Tuấn, Phương Linh… thì đa số cuộc thi hiện nay lại không làm tốt vai trò chắp cánh này.

Ngay cả Giọng hát Việt hay Vietnam Idol dẫu mang tiếng cuộc thi lớn nhưng chất lượng ca sĩ bước ra chỉ có một số họa hoằn lắm mới ở mức chấp nhận được, còn lại hầu hết đều rơi vào trường hợp làm nghề chộp giật, “ăn xổi ở thì”. Không ít chương trình đóng mác đao to búa lớn như Học viện ngôi sao, Ngôi sao Việt nhưng thí sinh đầu ra, kể cả quán quân, á quân hoặc giọng hát trung bình, hoặc không có tài năng, thậm chí thảm họa. Đó là chưa kể đến chất lượng thí sinh xuất thân từ cuộc thi “chuồng gà” do những đơn vị tay ngang khác tổ chức.

{keywords}

Với khán giả, họ không bận tâm về những cuộc lật đổ, “sóng sau xô sóng trước” của gameshow. Cái họ muốn thưởng thức là gameshow truyền hình có nội dung phong phú, đa dạng và đảm bảo chất lượng. Để làm được điều này, các đơn vị sản xuất cần dừng việc tung chương trình vô tội vạ hòng chạy theo lợi nhuận, thay vào đó tập trung nâng cao chất lượng gameshow “đinh” cho đơn vị của mình.

Gia Bảo