Những mảng khuất đầy tâm tư được Sơn Tùng M-TP trải lòng một cách sâu sắc như để thỏa nỗi niềm của một chàng trai tuổi 21 vốn hay dùng nụ cười ngông nghênh để bảo vệ phần nội tâm của mình. Nhấp ngụm nước trắng, anh bắt đầu kể một cách chậm rãi về những bước đi đầu tiên trên con đường nghệ thuật…
Tôi còn nhớ như in phản ứng của bố mẹ khi lần đầu tiên nghe con trai mình nói muốn vào Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đó, cả hai người đều chỉ cười, xem lời nói này cứ như là của một thằng trẻ con thiếu suy nghĩ, và cho qua. Bố còn bảo: “Thôi, trò con nít, đừng có nói nhiều”. Năm đó, tôi học lớp 11.
Bố là người vô cùng bảo thủ, khó tính và rất dễ bị ảnh hưởng từ người khác. Bên cạnh đó, vì ngày xưa ông thường đi làm xa, trong khi tôi ở nhà được gần mẹ nhiều hơn nên tính tình bố con không hợp nhau lắm. Với suy nghĩ chung của những bậc phụ huynh truyền thống, bố chỉ muốn tôi đi theo con đường kinh doanh an toàn, làm công việc bàn giấy và có một cuộc đời ổn định.
Đến cuối năm lớp 12, tôi có nói một câu mà bố không bao giờ ngờ tới đó là: “Con muốn thi âm nhạc thôi, không muốn thi kinh tế vì đó không phải điều con thực sự đam mê”. Lúc đó, ông thực sự ngạc nhiên khi thấy lần đầu tiên thằng Tùng gồng mình lên như thế. Bữa tối hôm ấy, chúng tôi không ngồi ăn cơm với nhau…
Khoảng thời gian “chiến tranh lạnh” với bố là lúc tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và bế tắc. Với vị trí người ở giữa, mẹ luôn phải đứng ra hòa giải cho hai bên. Những lần sau đó, mỗi khi lặp đi lặp lại câu chuyện thi vào Nhạc viện thành phố, cả hai bố con vẫn cãi nhau. Nhưng theo thời gian, vấn đề này cũng dần trở thành thói quen. Tôi dần cảm giác bố không còn bực mình nhiều như trước nữa và đến một ngày, ông cho tôi một cơ hội.
Đêm tôi gói gém hành lý lên đường, bố có nói một câu mà cả đời tôi không bao giờ quên được: "Giờ thì con đã chọn đi con đường này thì sướng khổ hay vui buồn gì con sẽ phải là người chịu trách nhiệm. Bố mẹ không muốn bắt con suốt ngày đi theo những lời nói của bố mẹ vì con đã 18 tuổi rồi, có những suy nghĩ, ước mơ và con đường riêng. Chỉ là sau này khổ sở, đừng quay lại trách bố mẹ”.
Sau câu nói đó, tôi chỉ biết gồng mình trả lời “Vâng, con biết rồi” để bố mẹ cảm thấy yên lòng, chứ thực sự vẫn không biết điều gì đang chờ mình ở phía trước.
Buổi sáng hôm lên đường, gia đình tôi dậy khá sớm. Sau khi ăn sáng, bố lái xe đưa cả nhà từ Thái Bình ra sân bay Hải Phòng tiễn tôi. Khoảng 15 phút đầu, mọi người nói chuyện với nhau khá rôm rả, ôn lại nhiều chuyện vui. Nhưng sau đó không khí lại lặng xuống, không ai nói với ai câu gì nữa. Tôi quay mặt đi chỗ khác, nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ, cảm thấy sao lúc trước mình kiên quyết đấu tranh với bố mẹ hùng hồn lắm, mà khoảnh khắc này lòng thấy yếu đuối vô cùng…
Tôi đeo tai nghe, cố ngăn cho nước mắt không rơi vì biết rõ, chỉ một người khóc thôi là cả nhà sẽ xiêu lòng, chùn bước. “Bây giờ phải đi thôi, nếu không, ước mơ và đam mê này, ai sẽ là người làm giúp mình? Nếu không phải là bản thân thì không là ai khác nữa”, tôi nhủ thầm.
Khi đặt chân đến sân bay Hải Phòng, tôi có cảm giác chiếc ba lô trên vai lúc này không chỉ đơn thuần là nặng áo quần và còn nặng cả trọng trách, tương lai và sự tin tưởng của bố mẹ. Suốt quãng đường bay, tôi thấy lạ lẫm với nhiều thứ lắm, từ những đám mây nhiều hình thù đến cây cối, nhà cửa bé tí bên dưới… mọi thứ đều rất lần-đầu-tiên. Trong đầu tôi xuất hiện nhiều suy nghĩ hỗn độn: “Không biết bố mẹ đã về nhà chưa? Bố mẹ có nhớ mình không? Khi tới sân bay thì ai sẽ đón mình, lỡ bị lạc thì thế nào? Khi vào nhạc viện, các thầy cô có khó tính không? Sau này, ai sẽ chăm lo nhắc nhở mình như khi còn ở bên bố mẹ? Ai sẽ bảo vệ mình khi bị bắt nạt bên ngoài?”.
Lúc đó, tôi chỉ uớc có bố mẹ ngồi cạnh bên để có người bóc trái cây cho ăn, để có người nói thật nhiều bên tai, để không khí không còn lặng lẽ nữa…
Ngày đầu vào Sài Gòn, có một điều tôi không bao giờ quên được đó là căn nhà của chú và dì – nơi tôi được ở tạm – có hoàn cảnh quá khó khăn. Tuy gia đình tôi ở Thái Bình vốn không khá giả gì nhưng bố mẹ vẫn cố lo cho hai anh em đầy đủ. Đến khi chứng kiến cuộc sống của gia đình dì trên này, tôi càng thương và trân trọng sự nỗ lực mọi người hơn. Thời gian này cũng là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành hơn trong suy nghĩ của tôi.
Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn, nhưng nhờ tháng năm trưởng thành từ khó khăn mà tôi giờ có thể thích nghi được mọi cuộc sống, xe gì cũng có thể đi, nhà gì cũng ở được. Tôi không ngại người ta nhìn mình thế nào, quan trọng là mình sống đàng hoàng, đối tốt với mọi người thì không phải sợ gì cả.
Thành tựu âm nhạc lớn đầu tiên của tôi là khi ca khúc “Cơn mưa ngang qua” được đề cử và biểu diễn trong chương trình “Bài hát yêu thích”. Còn nhớ lúc đi tổng duyệt, tôi cùng chú đến điểm hẹn trong một chiều mưa. Tôi chọn góc tối nhất, kéo chú ra ngồi lặng lẽ ngồi nhìn những người nổi tiếng khác đang biểu diễn và cảm thấy mình nhỏ bé vô cùng. Đến khi được gọi lên sân khấu tổng duyệt, tôi mới dám tin là mình được hát trong chương trình. Mà lúc đó, nếu không được ai gọi tên lên tập, chắc tôi cũng âm thầm đi về thôi vì... ngại lắm không dám hỏi lại đâu.
Tối hôm biểu diễn xong, chú dì còn tổ chức tiệc liên hoan để ăn mừng thằng Tùng lần đầu được chạm tới một “đẳng cấp” cao hẳn. Bạn bè đi xem thì ngạc nhiên với hình ảnh Sơn Tùng trên sân khấu khác với lúc đi học ở trường nhiều quá. Tôi gọi về tâm sự với bố mẹ, cả hai vui lắm. Bởi họ hy vọng đây sẽ là một cơ hội lớn để con trai mình tiến gần hơn với ước mơ âm nhạc bấy lâu nay.
Thời điểm cái tên Sơn Tùng M-TP được nhiều người biết đến hơn nhờ ca khúc “Em của ngày hôm qua”, tôi được mời đi lưu diễn nhiều hơn. Tôi vẫn còn nhớ rõ sân khấu đầu tiên mà mình kiếm được những đồng tiền bằng chính sức lao động đó là show diễn ở Đà Lạt. Khoảnh khắc mọi người hòa theo giai điệu của bài hát khiến tôi nhớ mãi đến tận bây giờ. Cát-sê lần đó vào khoảng vào khoảng 10 – 15 triệu, nhưng vấn đề không phải là số tiền bao nhiêu mà chỉ là tôi vui vì khát khao được đi biểu diễn, khẳng định tên tuổi của mình cuối cùng đã thành hiện thực.
Sau lần ấy, tôi có thêm nhiều cơ hội biểu diễn trong các chương trình ở trường học. Được hát trước hàng nghìn sinh viên là cảm giác không giống bất kỳ một sân khấu nào, nó như một liều thuốc trấn an mỗi khi tôi bị mất cảm xúc trong âm nhạc hay mệt mỏi vì chạy show kiếm tiền. Mọi sầu lo, ưu phiền quên sạch, thậm chí có nhiều khi chỉ muốn “lột hết quần áo” ra để “cháy” hết mình cùng các bạn.
Đến giờ tôi vẫn hay nói với anh Huy, nếu có cơ hội hát cho sinh viên, có thể hạn chế cát-sê hoặc thậm chí không lấy cũng được. Bởi nhờ họ mà tôi như được nạp thêm năng lượng, tìm thêm nhiều nguồn cảm hứng mới trong âm nhạc.
Mảng màu hồng trong sự nghiệp là thế, nhưng cũng có lúc tôi phải đối mặt với quãng thời gian vô cùng mệt mỏi, thậm chí không dám ra đường. Đó là khi tôi bị vướng vào rắc rối với công ty của anh Huy Tuấn. Hàng loạt tin tức đưa về việc “Sơn Tùng ăn cháo đát bát” bủa vây, khiến tôi bị tổn thương vô cùng. Bản thân tôi lúc ấy đặt ra nhiều câu hỏi lớn: "Không hiểu những điều vô căn cứ này ở đâu ra? Tại sao lại là mình?".
Từ sau chuyện với anh Huy Tuấn, tôi không còn biết tin ai nữa. Thậm chí, khi đã quyết tâm làm việc với anh Quang Huy rồi, tôi cũng không dám tin tưởng trọn vẹn mà chỉ khoảng 60 – 70% thôi. Bởi sau cú sốc tinh thần đó, niềm tin đối với tôi mơ hồ lắm. Bản thân tôi còn chẳng tin mình hết 100%. Tôi rất sợ cảm giác lại bị phản bội một lần nữa.
Thời gian anh Huy cũng gọi điện thuyết phục bố mẹ để tôi làm việc cùng là cả một giai đoạn dài và mệt mỏi. Do trước đó, gia đình có đọc được một số thông tin tiêu cực về “ông bầu Nguyễn Quang Huy” trên mạng nên không ai muốn tôi bắt tay cùng anh. Tôi nói với bố mẹ: "Bây giờ nếu không có người đứng đằng sau, con không biết phải làm gì. Nếu cứ ở nhà để mặc báo chí đưa tin không đúng về con như thế, bố mẹ đọc được có cảm thấy đau lòng không?".
Sau thời gian thuyết phục, tạo áp lực, bố tôi đồng ý vào Sài Gòn gặp anh Huy để nói chuyện. Khi đó, ông có nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Em coi chừng đấy Huy ạ, anh cũng không phải đơn giản đâu. Con anh đã đậu vào đó rồi thì anh kể cả mất hết luôn cũng phải bảo vệ nó. Bây giờ không ai bảo vệ nó thì anh phải là người đứng ra bảo vệ nó”.
Người ngoài cuộc bình thường nghe có thể sẽ buồn cười nhưng tôi hiểu rằng, do người bố quá yêu thương con mình nên tự khắc sẽ “xù gai” lên để bảo vệ nó mà thôi. Bởi từ sau vụ rắc rối với công ty cũ, bố mẹ tôi rất sợ showbiz, mà bản thân tôi cũng thấy sợ lắm.
Điều tôi bị thuyết phục ở đạo diễn Quang Huy là trong mắt anh, có một khát khao và sự liều lĩnh muốn chinh phục ước mơ mà tôi đang có sẵn trong đầu. Khi ngồi cùng nhau, chúng tôi chỉ nói đến hoài bão, muốn chạm đến đến những thứ xa vời mà chưa ai dám làm. Thời gian đó khắng khít đến nỗi, chú dì, bố mẹ nghĩ hai thằng cứ như đang yêu nhau, còn căn dặn tôi cẩn thận coi chừng giới tính anh Huy có “vấn đề”.
Gần đây, sự việc khiến tôi bị sốc và buồn rất nhiều đó là khi nghe một ca khúc từ những người anh em trong cộng đồng underground dùng lời lẽ không hay nói về mình. Buồn là cảm giác đương nhiên, nhưng tôi không thể cứ lần nào có chuyện cũng đứng ra giải thích “Tôi không phải như thế”, mà chỉ mong rằng, nếu có cơ hội ngồi nói chuyện với nhau chắc chắn họ sẽ hiểu mình.
Trong những câu chuyện gây tranh cãi từ trước đến nay, tôi không bao giờ đánh giá người khác đúng - sai thế nào, bởi quan điểm mỗi người đều khác nhau. Có thể họ chỉ đang nhìn vào cái chất ngổ ngáo trên sân khấu của Sơn Tùng mà vội đánh giá tôi đáng ghét, tính tình ngoài đời cũng chẳng ra sao. Nhưng thử hỏi lên sân khấu, người nghệ sĩ không bộc lộ cái “điên” đặc biệt của mình thì ai xem? Thế nên, tôi luôn để trong đầu mình suy nghĩ: “Trên sân khấu, mày có thể là vua, là ông hoàng. Nhưng khi bước xuống sân khấu, mày chỉ là một thằng Nguyễn Thanh Tùng bình thường và mày phải sống đàng hoàng với tất cả mọi người mà không được phép kiêu căng”.
Trước khi bước chân vào nghề, tôi chỉ nhìn cuộc sống toàn là màu hồng thôi. Nhưng sau những tháng năm trải nghiệm đầy khó khăn trong showbiz, tôi luôn tự hỏi: “Sao mình sống thật lòng với con người mình mà mọi người lại không thật lòng với mình? Sao những người lớn, những đàn anh lại làm thế với tôi?”.
Những lúc khó khăn nhất, cô đơn nhất, tôi cũng chỉ biết gọi điện về tâm sự với bố mẹ rồi thôi, chứ đâu thể đi giải thích được hết với mọi người những mệt mỏi mà mình đối mặt.
Sống cuộc sống của người nổi tiếng được nhiều thứ nhưng phải chấp nhận đánh đổi không ít. Đôi lúc tôi cũng mong mình có thể tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân như bao người khác, tụ tập bạn bè đi ăn uống chơi bời chốn công cộng, thoải mái thể hiện tình yêu đến người mình thích…, mà không phải lo chuyện bị soi mói, suy xét. Những khi một mình đối mặt với hàng loạt khó khăn, bão tố ập đến, tôi tự hỏi rằng: “Có phải mình đang đánh mất quá nhiều thứ hay không?”.
Liveshow “M-TP Ambition - Chuyến bay đầu tiên” sắp tới của tôi lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật từ chính bản thân mình, từ chuyến bay đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ năm xưa. Cảm xúc chân thật đó, tôi muốn gói gém cẩn thận và gửi gắm đến từng khán giả của mình thay lời nhắn nhủ rằng: “Mục đích của chuyến bay năm ấy là vì Tùng muốn mình được hát, và ngày hôm nay tái hiện lại nó, Tùng vẫn giữ nguyên ý nghĩa này. Dù có 50, 60 tuổi, Tùng vẫn luôn mong có một người nào đó còn ngồi cạnh nghe mình hát”.
Những lúc đứng dưới ánh đèn sân khấu, nghe khán giả hò reo tên “Sơn Tùng” nhiều lần, tôi chỉ muốn nhắm mắt lại và giữ cho phút giây đó kéo dài mãi mãi. Rồi bất chợt, tôi tự hỏi: “Liệu khoảnh khắc này sẽ còn có thể kéo dài đến bao lâu?”. Chính vì suy nghĩ đó mà tôi luôn muốn nhìn thấy bản thân nỗ lực hơn gấp nhiều lần, trước khi ánh sáng của mình không còn rực rỡ nữa…
Nếu lúc này được quay lại gặp Sơn Tùng đang hỗn độn trong nhiều suy nghĩ, lo lắng của năm xưa, tôi sẽ nói với cậu ấy rằng: “Mày đã làm đúng rồi, Tùng ạ”.
Theo Trí Thức Trẻ