Thành công về tạo hình mỹ thuật, tượng “Mẹ Việt Nam anh hùng” còn được cộng điểm về hiệu ứng xã hội để giành Huy chương Vàng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015.

{keywords}

Tượng "Mẹ Việt Nam anh hùng"

Vượt qua hơn 4000 tác phẩm gửi tham dự, trong đó hơn 400 tác phẩm được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, tác phẩm tượng “Mẹ Việt Nam anh hùng” của tác giả Đinh Gia Thắng ở Quảng Nam đã được trao Huy chương Vàng. Đây cũng là lần đầu tiên một tác phẩm tượng đài giành được giải cao nhất trong một kỳ Triển lãm Mỹ thuật của VN – triển lãm diễn ra định kỳ 5 năm một lần nhằm tổng kết hoạt động mỹ thuật nổi bật nhất của nước nhà. Một giải Vàng khác được trao cho tác phẩm tranh khắc gỗ “A di đà Phật” của tác giả Nguyễn Khắc Hân.

Chia sẻ về thành công này, tác giả Đinh Gia Thắng cho biết: “Tôi rất bất ngờ và thực sự xúc động! Những nỗ lực lao động sáng tạo nghệ thuật và làm việc hết sức mình đối với một đề tài có ý nghĩa lớn lao trong gần 10 năm của tôi đã được ghi nhận”.

Một tác phẩm xứng đáng để được trao giải Vàng

Trưởng Ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MTNA&TL khẳng định tác phẩm “Mẹ Việt Nam anh hùng” xét về mặt nghệ thuật điêu khắc, thẩm mỹ và ngôn ngữ tạo hình là một tác phẩm xứng đáng để được trao giải Vàng: “Chúng ta không nên chỉ soi xét vấn đề hiệu quả của một công trình văn hóa nghệ thuật qua lăng kính kinh tế vì đây là công trình văn hóa, nghệ thuật xuất phát từ tấm lòng tri ân, là sự tôn vinh các mẹ. Đây là vấn đề tinh thần, các mẹ Việt Nam Anh hùng hiện đều đã rất lớn tuổi, vậy chúng ta còn chần chừ đến khi nào, ngoài chăm lo về vật chất các mẹ cũng mong muốn có một biểu tượng tinh thần để lại cho thế hệ sau”. Ông Vi Kiến Thành nêu quan điểm.

Tri ân sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, năm 2004, Đài Tiếng nói Việt Nam và tỉnh Quảng Nam phát động cuộc vận động xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có 11 người con và cháu là liệt sĩ.

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, Chủ tịch Hội đồng ngành Điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: “Với tôi đây là một tác phẩm ấn tượng. Thứ nhất tác giả đã giải quyết được bài toàn về vấn đề tỉ lệ. Nhiều tác giả điêu khắc khi làm tượng nhỏ thì ổn nhưng khi chuyển thành quy mô lớn thì lại hỏng. Với công trình tượng đài lớn vừa cần cái nhìn khái quát vừa cần cái nhìn tiểu tiết, phải có năng lực để chỉ đạo một đội ngũ nhân công lớn thực hiện đúng ý đồ của mình, ở đây tác giả đã làm rất tốt việc này”.

Từ ý tưởng: "Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", tác giả Đinh Gia Thắng đã thể hiện hình tượng Mẹ VNAH trong toàn khối tượng đài có chiều cao 18,6m, chiều rộng theo đường cong là 120m, bề dày khối tượng chỗ lớn nhất hơn 24m với chất liệu bằng đá hoa cương.  Ảnh: Thanh Hà, Hải Sơn

Sáng tạo bằng ngôn ngữ nghệ thuật của Việt Nam

Theo Hội đồng chuyên môn, một thành công nữa là tác phẩm sáng tạo bằng ngôn ngữ nghệ thuật của Việt Nam, đây là điều đáng chú ý vì rõ ràng hiện nay có nhiều tác phẩm có chất lượng tốt nhưng làm người xem cảm thấy xa lạ vì ngôn ngữ thể hiện là ngôn ngữ của những nền văn hóa khác, của nhịp sống khác không phải Việt Nam. Tác phẩm này từ chân dung mẹ Thứ khái quát thành hình tượng Mẹ Việt Nam, với ý tưởng “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” rất gần gũi và nhân văn.

Trong bối cảnh các công trình điêu khắc hoành tráng của Việt Nam trong thời gian qua đã nhận được nhiều lời chê hơn là được khen. Hầu hết các công trình tượng đài của Việt Nam hiện nay không đáp ứng được trọn vẹn với 5 tiêu chí đánh giá (nội dung, hình thức ngôn ngữ thể hiện, không gian điểm đặt, chất liệu, ánh sáng-PV) nên rất nhiều công trình được giới chuyên môn đánh giá chưa đẹp.

{keywords}

“Từ tác phẩm tượng đài được giải Vàng của triển lãm năm nay, tôi nghĩ cũng là nguồn động viên, đồng thời cảnh tỉnh cho các tác giả khi thực hiện các công trình điêu khắc hoành tráng cần phải lưu ý hơn về chất lượng nghệ thuật và phần nào xóa đi nếp nghĩ trước đây của dư luận và giới chuyên môn chỉ coi các công trình tượng đài là những dự án ‘làm ăn’”, Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, PGS. TS. Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM, Thành viên Hội đồng Nghệ thuật nêu ý kiến.

Điểm cộng về hiệu ứng xã hội

Khi đưa tác phẩm “Mẹ Việt Nam anh hùng” lên giải nhất, Hội đồng Nghệ thuật đã có những cuộc tranh luận và cân nhắc rất kĩ để có sức thuyết phục với công chúng. Theo nhà điêu khắc Phan Văn Tiến, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam, Hội đồng đã đặt ra rất nhiều tiêu chí cho tác phẩm này. Tiêu chí cứng là chất lượng nghệ thuật, về tạo hình có những sáng tạo độc đáo nhưng hiệu ứng xã hội của tác phẩm cũng được tính đến.

Nếu như trước kia, dư luận đặt nhiều dấu hỏi về hiệu ứng xã hội khi bỏ ra kinh phí lớn như thế, nhưng sau khi quần thể tượng hoàn thành xong, nơi đây đã trở thành một địa điểm thu hút đông đảo du khách đến thăm và tri ân.

“Một công trình nghệ thuật lớn như vậy rõ ràng ngoài việc có chất lượng nghệ thuật cao, tính sáng tạo ra thì người ta thấy hiệu ứng xã hội là điều đáng quan tâm vì nhiều tượng làm xong rồi nhưng thực chất là không ai biết đến, không ai ấn tượng gì. Với tác phẩm tượng đài này ta phải khẳng định là khách du lịch đến thăm rất nhiều, trở thành nơi tưởng nhớ, tri ân và là trung tâm du lịch, vui chơi. Đây chính là điểm cộng về hiệu ứng xã hội cho tác phẩm”, nhà điêu khắc Phan Văn Tiến cho biết./. 

Theo VOV