Ngay sau bài viết Ngọc Trinh kể về việc bị người cậu ruột hắt hủi ghẻ lạnh, cô tuyên bố thà giúp đỡ người ngoài chứ gia đình bên ngoại có chết cũng không giúp. Cậu ruột Ngọc Trinh đã lên tiếng về thực hư câu chuyện cô kể.
Tìm đến nhà chú Sen, cậu ruột của Ngọc Trinh và cũng chính là nhân vật khiến dư luận xôn xao vì đối xử tệ bạt với cháu gái ở thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh. Chú Sen vui vẻ mời chúng tôi vào nhà và trò chuyện về vấn đề trong bài viết nêu ra.
Chào chú Sen, vừa qua, có nhiều bài viết về người mẫu Ngọc Trinh kể về người cậu ruột là chú. Chú đã xem qua chưa?
Các con tôi có đọc cho tôi nghe. Từ hồi mẹ Trinh mất đến nay, tôi và Trinh không có liên lạc. Chính tôi cũng không hiểu nguyên nhân vì sao Trinh không nhìn tôi. Vì thế, tôi cũng không dám nhìn Trinh.
Các con tôi khuyên, đọc để biết vậy thôi chứ đôi co làm gì cho mất thời gian. Tôi sống và ăn ở ra sao, lối xóm đều biết và hiểu. Vậy là đủ rồi.
Theo Ngọc Trinh, lí do khiến chú ghét bỏ chị em Trinh vì lúc ba mẹ cô ấy kết hôn, gia đình bên ngoại đã không thích và phản đối vì không “môn đăng hộ đối”?
Không có đâu. Nhà bên tôi còn nghèo hơn bên gia đình ba Trinh nữa. Tôi còn phải đi làm mướn cho ghe ba của Trinh. Hồi mẹ Trinh mất, Trinh còn nhỏ lắm, mới 20 tháng, cầm cây nhang chạy qua chạy lại trong đám tang. Sau đó, lớn lên một chút, Trinh được dì út, tức là em gái út của tôi nuôi nấng rồi lên Sài Gòn luôn. Mối quan hệ giữa tôi và em gái tôi đến giờ vẫn khắng khít. Nhưng gia đình Trinh lại không thích bên tôi. Nếu muốn biết thêm cô có thể hỏi thêm em gái tôi, người trực tiếp nuôi Trinh hoặc bà con hàng xóm sẽ có cái nhìn khách quan hơn nữa.
Cậu ruột Ngọc Trinh không bất ngờ về nội dung những bài viết nói về sự bất mãn của cháu gái nhưng ông không hiểu lí do vì sao cô lại ghét ông và gia đình ông đến thế? |
Chuyện đó làm gì có. Trinh sống với dì được bảo bọc yêu thương. Sau này, ba Trinh lấy vợ kế, Trinh mới về chơi. Đâu có sống gần gũi ở đây lâu mà nói tôi ghét bỏ, đánh đập. Hai nhà mạnh ai nấy sống, cũng không có xích mích gì để ra tay đánh cháu tới mức để nó thù.
Lúc nghèo khó thì ai cũng nghèo. Nhà tôi cũng đi làm mướn, làm thuê để nuôi ba đứa con ăn học. Sau đó, vợ và tôi bán vải thêm ở chợ tích góp dần mới khá lên chứ không tự nhiên lại giàu. Nói về khá thì lúc xưa, mẹ Trinh còn sống, bán tiệm quần áo lớn nhất nhì ở đây, nhà có của ăn của để. Mẹ Trinh sinh Trinh xong, vết mổ chưa lành. Do thường xuyên phải với tay lấy đồ bán để trên cao nên bị đứt chỉ mổ. Mẹ Trinh qua đời ít lâu, ba Trinh lại là đàn ông thì làm sao buôn bán được nên phải sang tiệm cho người ta. Nhưng nhà không đến nỗi khó khăn gì. Ba Trinh chạy xe ôm, tôi cũng chạy xe ôm cùng. Nói chung, tôi thấy ba Trinh vẫn lo được cho ba đứa con chứ có bệnh tật gì đâu.
Nếu nhà không đến nỗi thiếu thốn, tại sao Ngọc Trinh kể lại bản thân phải đi nhặt lông vịt, nhổ lông nách, ẵm em mướn cho những người ở chợ để có tiền phụ giúp cha?
Trinh đâu có làm những việc đó bao giờ. Dù nhà không khá nhưng Trinh vẫn được đi học đàng hoàng. Chỉ có một dạo Trinh lên phụ bưng bún cho thím bên nội Trinh vài bữa nửa tháng. Nhưng không làm thường xuyên. Đến năm lên chín tuổi thì Trinh được em gái út của tôi đón lên Sài Gòn sống.
Sau này, Ngọc Trinh nổi tiếng và giàu có, nhà chú có qua mượn tiền chị ấy nhưng Ngọc Trinh nhất định không cho. Có phải từ việc này lại càng làm tăng hiềm khích của hai bên gia đình?
Tôi không giàu có nhưng không nghèo và thiếu tự trọng như thế. Các con tôi giờ có công ăn việc làm ổn định. Nhà tôi cũng không thiếu nợ của ai. Tôi mượn tiền Trinh để làm gì? Nếu có mượn thì mượn các em tôi, tụi nó cũng khá và thân thiết hơn chứ.
Nếu gia đình bên ngoại, cụ thể là dì ruột đã yêu thương nuôi nấng thì Ngọc Trinh phải kính trọng bên ngoại. Tại sao chị ấy lại kể về cậu ruột như thế?
Thật lòng tôi không biết. Hai nhà sát bên nhau, nghịch thì không nghịch, nhưng nói chuyện thì không bao giờ nói chuyện. Cả chục năm rồi chúng tôi và gia đình bên đó có thân thiết đâu. Lâu lâu, có đám tiệc như giỗ bà ngoại Trinh thì nhà Trinh có qua, xong rồi lại nhà ai nấy ở. Tôi và ba Trinh vẫn nói chuyện khi giáp mặt nhau.
Thi thoảng, Trinh về, thấy tôi, Trinh không biết kêu tôi là gì, lúc thì cậu lúc thì chú lẫn lộn lung tung. Nói ra, tôi nghĩ cũng không ai tin. Các cô nên hỏi hàng xóm. Họ là những người đứng phía ngoài và nhìn thấy hết mọi chuyện.
Chú Sen khẳng định chưa hề đánh cháu ruột hay coi thường gia đình ba đẻ của "Nữ hoàng nội y" |
Mối quan hệ đã lạnh nhạt từ lâu. Giờ tìm hiểu để làm gì. Từ lúc mẹ Trinh mất, hai gia đình đã không nói chuyện với nhau. Nhà Trinh giờ cũng giàu có, tôi không muốn bị hiểu lầm là nịnh bợ, ve vuốt họ hàng giàu. Mang tiếng lắm.
* Sau khi câu chuyện với chú Sen vừa kết thúc thì vợ chú là cô Cúc vừa đi lễ ở nhà thờ về. Cô là người buôn bán nên tính tình rốp rẻn, nhanh nhẹn và nói chuyện hơi lớn tiếng. Sau khi nghe chồng thuật lại câu chuyện, cô Cúc cười và nói: “Kệ đi, ai làm gì thì trời thấy, đất thấy. Nhều khi người ta nằm mơ thấy mình bị đối xử không tốt rồi sáng ra đinh ninh là thật không chừng. Nhà tôi theo đạo, có sao nói vậy. Ai sống tốt thì được hưởng phước. Nếu tôi có đốc xúi chồng tôi, hoặc chồng tôi có ở ác thì giờ có luật pháp, có chính quyền cứ kiện vợ chồng tôi, tôi chấp nhận đối mặt. Các cô thông cảm, vợ chồng tôi không phải không thích hay ghét bỏ các cô nhưng câu chuyện nói đi nói lại cũng thế. Người ta đã nói mình thế thì thanh minh hay không cũng vậy. Vợ chồng tôi xin phép được đi bán cho kịp chợ sáng”.
Mợ của Ngọc Trinh, cô Cúc cũng không muốn đôi co. Với cô, gia đình cô sống như thế nào có hàng xóm chứng kiến, bản thân cô không thẹn với lương tâm. |
Hàng xóm cậu ruột của Ngọc Trinh nói gì?
Rời nhà chú Sen, cậu ruột Ngọc Trinh, chúng tôi tiếp tục lân la dò hỏi ở những nhà hàng xóm đã sống ở đó mấy chục năm qua. Lúc đầu, họ có vẻ lảng tránh vì sợ mất lòng. Nhưng một lúc trò chuyện, họ bắt đầu cởi mở hơn.Cô Vân, hàng xóm sát bên nhà Ngọc Trinh cho biết: “Chuyện hàng xóm biếu nhau miếng ăn mỗi dịp lễ Tết hay đám tiệc là chuyện thường. Tôi biết vợ chồng anh Sen lâu lắm rồi, làm gì có chuyện không cho cháu mình ăn mà cho hàng xóm. Anh Sen tính hiền lành như cục đất. Chị Cúc là dân buôn bán nên nói chuyện hơi lớn tiếng nhưng không phải người hiểm độc, sao đốc xúi xử tệ với cháu mình. Lúc Trinh sống ở đây, Trinh còn rất nhỏ, mới mấy tuổi đầu làm sao cảm nhận được chuyện giàu nghèo hay phân biệt đối xử mà ghi hận. Hai gia đình từ lâu đã không nói chuyện chứ không hề thấy có cãi vã hay xích mích gì cả. Cô muốn biết nhiều hơn thì hỏi thêm hàng xóm ở xóm trên nữa. Tụi tui gần nhà cũng khó lòng”.
Ngồi nghỉ chân ở quán nước cô Sáu Hương, đối diện nhà Ngọc Trinh. Chúng tôi cũng dò hỏi thêm. Cùng thái độ với cô Vân, cô Sáu Hương cũng né tránh câu hỏi. Nhưng khi nghe kể về chuyện Ngọc Trinh phải đi nhổ lông vịt, lông nách, ẵm em thuê ở chợ để phụ gia đình, cô Sáu Hương ngạc nhiên nói: “Tôi sống ở đây mấy chục năm, hồi mẹ nó còn sống, tôi có bao giờ thấy nó đi làm mấy cái chuyện đó đâu. Có một dạo nó đi bưng bún cho thím nó thì có. Nhưng không được bao lâu thì lên Sài Gòn rồi.”
Khi được hỏi về chuyện cậu ruột đánh đập và đối xử tệ bạc với Ngọc Trinh, cô Sáu Hương quả quyết: “Con hàng xóm phá phách nhà ổng mà ổng còn cười cười cho qua. Nghĩ sao cháu ruột mà ổng đánh đập. Còn cha nó ở đó làm chi. Nhà ông Sen sau này mới khá lên thì dám khinh ai. Những chuyện này là không đúng. Tôi giả sử, nếu cậu mình có đối xử với mình không tốt thì chuyện cũng đã qua, vạch áo cho người xem lưng làm gì”.
Dì út đau lòng trước phát biểu của Ngọc Trinh
Rời thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần quay lại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tiếp tục đến nhà dì Kiêu, dì út của Ngọc Trinh trên đường Lũy Bán Bích. Đây là người dì từng cưu mang bảo bọc cho chị em Ngọc Trinh từ những ngày đầu chân ướt chân ráo lên Sài Gòn. Tiếp chúng tôi với thái độ ban đầu khá e dè nhưng sau khi nghe câu chuyện, dì út của Ngọc Trinh khá xúc động vì thái độ lạnh lùng và gay gắt đối với họ ngoại của cô cháu gái nổi tiếng:
“Lúc mẹ Trinh và ba Trinh muốn tiến tới hôn nhân thì bà ngoại Trinh không đồng ý. Nhưng thấy cả hai thương yêu nhau quá, bà cũng thương con nên ưng thuận. Sau đó, má tôi còn cho hai vợ chồng cái nhà mà hiện giờ ba và mẹ kế Trinh đang ở. Nói chuyện, bà ngoại và các cậu dì phản đối vì “môn đăng hộ đối” là không đúng.
Sau khi ba mẹ Trinh lấy nhau, mẹ tôi vẫn đối xử rất tốt với hai vợ chồng. Đến khi chị tôi lần lượt sinh bốn anh em Trinh, mẹ tôi còn cưng chìu hơn. Thậm chí, khi mẹ Trinh mất, mẹ tôi lâm bệnh nhưng vẫn làm chuối chiên, bánh xèo để mấy anh em bán cùng bà có thêm tiền quà bánh vì lúc đó mọi người trong gia đình bên ngoại cũng nghèo và đông con, có ai khá hơn ai đâu. Chúng tôi có thương cháu cũng nén trong lòng, giúp được gì thì giúp chứ ai lại ác tới nỗi thấy con cháu ruột thịt không có cái để ăn mà đem cho người dưng.
Dì Kiêu, dì Út của Ngọc Trinh kể rằng, từ ngày nổi tiếng cô cháu gái chưa từng đến thăm dì ruột và ghét bỏ cậu mình trong khi mẹ cô mất lúc cô còn nhỏ, chưa thể cảm nhận hay hiểu gì về thực hư chuyện đối xử tệ bạc mà cô bị ám ảnh |
Tôi nghĩ anh Sen sống kế nhà thì có chăng tụi con nít chơi với nhau rồi không thuận, có tiếng ra tiếng vào thôi. Trinh lúc đó còn nhỏ quá thì cảm nhận được gì. Quan trọng là ba Trinh phải nói cho Trinh hiểu. Còn im lặng để con hiểu lầm hiểu sai thì tôi không biết nói gì hơn. Lúc người ta giải tỏa khu mộ của bà ngoại và mẹ Trinh được chôn cất, thay vì Trinh hốt cốt mẹ mình thì bà ngoại nằm cách đó có một dãy mộ cũng nên hốt cốt cho bà và chôn ở phần mộ mới cho bà ngoại và mẹ nằm gần nhau. Nhưng Trinh chỉ lo cho mỗi phần mộ mẹ mình. Nếu không có bà ngoại thì làm sao có mẹ Trinh, không có mẹ Trinh là làm sao có Trinh?
Dì út Ngọc Trinh xúc động rươm rướm nước mắt vì lâu lâu ra đường lại nghe người ta bàn tán về chuyện Ngọc Trinh nói hận gia đình bên ngoại |
Khác với lời kể của cậu ruột và hàng xóm của Ngọc Trinh, mẹ kế của cô là bà Sáu Phương lại khẳng định:
“Thực ra mối quan hệ hai bên gia đình cũng không được tốt. Lúc tôi bước vào gia đình này là Trinh vừa được 5 tuổi. Thời gian đó, tôi cũng chỉ ra ra vào vào hai nhà chứ không ở luôn ngoài nhà chồng. Lúc tôi ra ở đây thì Trinh cũng đi Sài Gòn lập nghiệp. Từ đó đến nay, hai gia đình mạnh ai nấy sống và không liên quan gì đến nhau. Tôi là người đến sau nên khi người ta không nói chuyện với gia đình tôi thì cũng kệ chứ biết sao. Còn Trinh nói thà giúp người ngoài chứ gia đình bên ngoại có chết cũng không giúp, có lẽ do tự bản thân Trinh nhận thấy được nên nó buồn, bất mãn rồi nói vậy.
Thấy Trinh buồn, tôi cũng có đôi lần tâm sự và khuyên nó nên bỏ qua. Tuy nhiên, tôi chỉ nói chung chung thôi chứ không nói thẳng trực tiếp. Tính Trinh trước giờ chuyện gì cũng giấu trong lòng không muốn nói ra dù biết rất nhiều thứ. Bố của Trinh cũng không hề nói gì. Ông ấy muốn để Trinh tự biết, tự cảm nhận.
Trinh hồi nhỏ rất được lòng hàng xóm. Đi chơi với xóm giềng nó còn nhiệt tình giữ dùm con nhà người ta. Trung thu đến thì mở ra bán đèn cầy. Đi học về thì bưng bún cho thím. Tất cả những việc Trinh làm mọi người có thể kiểm chứng với hàng xóm quanh đây. Bây giờ cũng vậy, mỗi khi về quê, Trinh thường rủ rê bạn bè lê la hàng quán vỉa hè. Vẫn hay đi từ thiện giúp đỡ các em học sinh nghèo, giúp đỡ họ hàng nhưng không bao giờ nói ra.
Hiện tại, tôi cũng không còn nghe Trinh hay bố nó nhắc về chuyện này nữa. Mụt ghẻ đã lành thì không ai muốn khựi nó lên. Tôi không muốn xen vào chuyện đời tư người khác. Tất cả mọi việc tốt xấu gì thì hàng xóm xung quanh đây cũng đều biết.”
Theo Trí thức trẻ