- Lần đầu tiên danh hài Minh Vượng kể chuyện chị từng phải xuống đường buôn giày với rất nhiều tình tiết cười ra nước mắt.


Cuộc đời của tôi nó cũng lênh đênh lắm. Để có thể có một Minh Vượng ngày hôm nay, không bao giờ tôi quên được những ngày hàn vi. Tôi sinh ra ở khu lao động Lương Yên, cũng phải cảm ơn cái khu lao động Lương Yên ấy. Hàng đêm, họ chiếu phim ở bãi chiếu bóng Lương Yên ngày xưa hoặc là có một cái sân khấu, cái hội trường để diễn tuồng, chèo, cải lương.

Suốt từ hồi dưới 5 tuổi, tôi đã cùng anh và các em mình đi xem phim, xem kịch xong rồi tự diễn lại. Ngày xưa tôi từng đi tuyển kịch Tổng cục chính trị, tuyển múa rối, tuyển tuồng chèo Hà Nội. Chính vì cô em tôi học trường nghệ thuật Hà Nội mà tôi đến đó để tuyển và đỗ.

Trong quá trình đi học nghệ thuật tôi vẫn giúp bố mẹ bằng cách đi quay ép nhựa, đi làm phụ nề. Vào những cái năm mà năm 1990, lúc bấy giờ là chưa nhiều như bây giờ đâu, chỉ có một mình nghệ sĩ Xuân Hinh đi diễn hài thì bản thân tôi lúc bấy giờ cũng làm bầu của Minh Hòa hay tổ chức các show diễn.

Mọi người cũng không biết, tôi diễn hài cũng vì lỗi giờ của Thanh Thanh Hiền và Tấn Minh. Khi tôi làm bầu tổ chức thì phải sắp xếp giờ đấy người này hát, người kia diễn. Không hiểu sao hôm đấy vì lý do gì mà hết Thanh Thanh Hiền lại đến Tấn Minh đến muộn tới 25 phút.

Không biết làm cách nào tôi mới nghĩ ra là ngay từ hồi bé mình đã có khiếu hài hước và mình kể những câu chuyện cười. Tôi đứng kể hết chuyện nọ đến chuyện kia và mọi người cười rất khoái và sung sướng. Lúc đó tôi mới nghĩ tại sao bây giờ mình không phát huy khả năng của mình.

- Chị là một trong những nghệ sĩ rất đa tài, làm rất nhiều việc. Chị làm biên kịch, chị làm đạo diễn, chị còn làm MC, dẫn chương trình, có một khoảng thời gian chị còn làm bầu show với nghệ sĩ Minh Hòa, thậm chí chị còn đi buôn giày nữa. Chị có thể chia sẻ những câu chuyện về việc đi buôn giày và làm bầu show?

- Bên cạnh làm bầu show, làm biên kịch, làm đạo diễn, làm diễn viên, táo tác chạy miền xuôi miền ngược và hầu như tôi là cộng tác viên của tất cả các đoàn nghệ thuật trong Nam ngoài Bắc. Nhưng có một kỉ niệm cái thời long đong nhất là từ năm 1994 đến năm 1997 là tôi xuống đường đi bán giày.

Bán giày có rất nhiều kỷ niệm hay nhưng có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên đó là một buổi sáng khi vừa mở cửa hàng ra, có một ông khách bước vào. Ông ấy chọn lâu lắm, mà qua cách chọn giày của ông ấy tôi biết ông là người rất kỹ tính. Chọn giày xong ông cho vào một cái hộp và trả tiền. Sau đó dọn dẹp tôi mới phát hiện ra ông ấy lấy luôn hai cái chân phải.

Tôi cứ đợi chờ ông ấy ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác xem có quay lại đổi giày không nhưng không thấy. Tôi cứ tự vấn an là một là ông ấy mang đi tặng mà người tặng không dám nói lại. Hai là biết đâu nhà ông ấy có những người bạn, người vợ mà chỉ đi được chân phải thôi. Và sau 3 năm bán giày, tôi cũng đành chia tay.

- Trong suốt quá trình chị hoạt động nghệ thuật, chị đã có khi nào gặp sự cố trên sàn diễn chưa và nếu gặp thì chị xử lý nó như thế nào?

- Có chứ, ví dụ như có một lần tôi diễn ở rạp Công nhân, một vở phòng chống HIV/AIDS, đang diễn thì mất điện. Phục vụ cán bộ công nhân viên, 4 rưỡi họ phải tan để đi đón con nếu mình dừng lại thì khán giả sẽ về. Bản thân diễn viên như tôi sẽ nhàn hạ, khán giả cũng tặc lưỡi tiếc rẻ rồi về.

Nhưng tôi đang đưa tới câu chuyện về phòng chống HIV/AIDS - vết nóng trong xã hội, vậy mà hai bên đều dang dở, giữa nghệ sĩ và khán giả thì không nên. Tôi có một cái sáng kiến là thắp nến lên và diễn tiếp. Ngoài sự cố đó thì việc sân khấu xảy ra nhiều tai nạn, sập sân khấu... là chuyện bình thường.

Sơn Hà - Thu Quỳnh - Xuân Quý - Đức Yên

(Còn nữa)