Từ khóa quan trọng trong "Lễ hội của vô nghĩa" chính là chủ nghĩa hư vô, ẩn hiện trong 7 chương sách giống như một bản nhạc có phần kỳ dị nhưng không mất đi sự hài hước, dí dỏm.

Lễ hội của vô nghĩa là câu chuyện của 4 người bạn Ramon, Charles, Alain và Caliban đặt dưới bối cảnh của thành phố Paris nước Pháp. Trong hơn 100 trang sáng “mỏng”, Kundera không miêu tả về nhân dạng của từng người, khuôn mặt, vóc dáng... như thể họ là những người đã vô hình.

{keywords}

Nhà văn Milan Kundera giữa đám đông độc giả vào năm 2010. Ảnh: Getty Images

Thậm chí, tác giả cũng hoàn toàn xóa nhòa về tuổi tác của họ và dùng năm sinh của Staline làm mốc để đoán định tuổi tác. Khán giả càng bất ngờ hơn khi biết được rằng, họ có sự chênh lệch tuổi tác với nhau khá lớn nhưng vẫn có thể cùng ngồi lại trò chuyện, tán gẫu, uống rượu cùng nhau.

Cả 4 người đàn ông này đều sống gần như không mục đích, công việc tạm bợ, không rõ ràng và lao vào những trò chơi vô nghĩa. Cuộc sống của họ được vẽ lên không có mục tiêu nào có ý nghĩa hoặc giá trị nội tại.

Người đọc có thể thấy một anh chàng Alain chỉ biết suy tưởng về “cái rốn” hay sống trong ẩn ức ấu thơ với hình ảnh người mẹ cách biệt từ nhỏ. Ramon sống quá bình lặng và nhàm chán. Charles luôn nghĩ về mẹ chưa bao giờ đủ can đảm để thực hiện ước mơ. Trong khi đó, Caliban là một diễn viên đã bị gạt ra khỏi sân khấu từ rất lâu.

Không chỉ dừng lại ở việc "hư vô hóa" các nhân vật về mặt nhân dạng và tuổi tác, Kun còn đi sâu vào khắc họa sự vô nghĩa của các nhân vật bằng những trò chơi vô bổ của họ.

Đó là anh chàng D'Ardelo khỏe mạnh bình thường nhưng lại nói dối mắc bệnh ung thư sắp chết. Anh ta bật cười một cách vô nghĩa với hành động nói dối bởi "Cũng lạ, nghĩ đến sự vô nghĩa trong lời nói dối của mình, anh không nén được cười. Và cái cười ấy, cả nó nữa, cũng không thể hiểu được".

Không chỉ có D'Ardelo khoái chí với trò chơi vô nghĩa tự dối mình. Caliban, chàng trai nhỏ tuổi nhất trong "bộ tứ" của cuốn sách cũng có những hành vi vô bổ như vậy. Vốn là một diễn viên quèn, Caliban nhanh chóng bị đá ra khỏi những vở kịch để rồi phải làm người phục vụ tiệc. Và anh cũng khoái với việc tự nhận mình là một chàng trai có xuất xứ Paskistan và không hề biết một từ tiếng Pháp nào (dù anh là người Pháp).

Caliban gần như chối bỏ về gốc gác của mình và cái cách anh chàng sợ sệt nếu lỡ bị phát hiện khiến cho khán giả không thể hiểu anh đang ảo tưởng hay đó là sự thật. Và buồn cười hơn, trò chơi vô bổ của Caliban được anh bạn Charles hỗ trợ hết sức tài tình.

Cái hư vô lẩn quất trong gốc tính và những mẩu đối thoại của những nhân vật trong truyện. Ở đó, ai cũng muốn giấu đi căn tính của mình. Tuy nhiên, câu chuyện về ẩn ức người mẹ trong Alain hay hình ảnh người mẹ của Charles hiện lên trong truyện khá mờ nhạt (thậm chí là chóng vánh), chưa đủ để khiến người đọc có thể phát triển hướng tiếp cận khác. Điều này càng có cơ sở để độc giả liên tưởng đến cuộc sống của họ thực sự là lễ hội vô nghĩa.

{keywords}

Tiểu thuyết Lễ hội của vô nghĩa phát hành dịp cuối năm 2015 tại Việt Nam do Nguyên Ngọc dịch. 

Một hình ảnh cũng xuất hiện khá nhiều lần trong Lễ hội của vô nghĩa chính là “cái rốn”. Truyện bắt đầu từ những suy tưởng về cái rốn của nhân vật Alain. Kun ngầm ẩn mang tiếng cười trong hành vi "phơi rốn" của những cô gái trẻ Paris ngay từ màn dạo đầu. "Tất cả đều phơi rốn trần giữa cạp quần trễ xuống rất sâu và áo thun cắt rất ngắn". Nhưng sự mỉa mai nằm ở chính xúc cảm bối rối của Alain - một người "ngắm rốn".

Hình ảnh "cái rốn" không chỉ xuất hiện một lần mà được Kundera nhắc lại khá nhiều lần. Một bộ phận tưởng như chỉ là "vật tự thân" nhưng lại khai mở về ra nhiều suy tưởng. Trước hết đó là ẩn ức thời thơ ấu về việc mồ côi mẹ của Alain. Sau đó, anh giải trình về xu hướng tình dục hay hình ảnh của những thiên thần cũng chỉ với hình ảnh cái rốn. Thậm chí, “Con tưởng tượng mà xem, cái cây khổng lồ ấy bắt rễ từ âm hộ của chỉ một người đàn bà bé nhỏ, người đàn bà đầu tiên, nàng Eva không có rốn”.

Tác giả đã giãi bày về ước mơ được sống tươi vui của các nhân vật nhưng cách hành động của họ lại là những trò cười đầy vô nghĩa. Cả 4 nhân vật không khác nào những người phò tá trong câu chuyện của Staline, tự biến mình yếu hèn và trở thành trò cười cho chính mình và người khác trong cuộc đời của họ.

Lễ hội của vô nghĩa có nhiều chi tiết, mối ghép giữa thực và mơ, giữa hiện tại và quá khứ được xóa nhòa ranh giới khiến cho không khí truyện hết sức dị thường. Người đọc chỉ cần lơi ra một chút sẽ lập tức không cảm thấu được mạch truyện mà Kun tạo nên.

Và đến cuối cùng, khi gấp lại trang sách, khán giả có thể đang mắc kẹt trong câu chuyện với muốn vàn câu hỏi tự đặt ra cho chính mình, về cuộc đời và những lễ hội của vô nghĩa. Phải chăng đây là câu trả lời cho câu hỏi Đời nhẹ khôn kham mà Milan Kundera đặt ra cách đây hơn 3 thập kỷ?

Milan Kundera sinh ngày 1/4/1929 tại Brno, Tiệp Khắc (cũ). Ông sống lưu vong và nhập quốc tịch Pháp vào năm 1975. Nhiều tác phẩm của ông được độc giả yêu thích như Đời nhẹ khôn kham, Những mối tình nực cười, Vô tri...

Lễ hội của vô nghĩa của Milan Kundera ra mắt năm 2015  sau hơn 1 thập kỷ vắng bóng. Độc giả Pháp đặc biệt yêu thích tiểu thuyết này cũng như các cuốn sách trước đó của ông. Milan Kundera cũng từng được nhiều người đánh giá xứng đáng được nhận giải thưởng Nobel văn học.

Theo Zing