-Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Thanh Tùng đã cho ra đời nhiều sáng tác được không ít thế hệ khán giả yêu thích.
Một mình
Một mình là sáng tác tiêu biểu của nhạc sĩ Thanh Tùng trong giai đoạn sau này, khi mà những ca khúc của ông đã nhuốm nhiều màu buồn hơn. Đây cũng là một ca khúc có hoàn cảnh ra đời đặc biệt. Năm ông 40 tuổi, vợ qua đời, một mình nuôi 3 người con, 2 trai và 1 gái. Nhớ thương vợ và cũng là thương chính bản thân mình, ông đã sáng tác ca khúc này và được nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện như Cẩm Vân, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh.
Lời tỏ tình của mùa xuân
Đây là ca khúc được nhạc sĩ Thanh Tùng viết tặng riêng cho nữ ca sĩ Ngọc Bích, cùng với Ngôi sao cô đơn. Cũng chính ông sau đó đã dựng tiết mục này cho Ngọc Bích và đoàn nghệ thuật Hải Đăng.
Nói về ca khúc này, nhạc sĩ Thanh Tùng từng hóm hỉnh chia sẻ: "Trong bài có câu: 'Và tôi biết rằng, nói yêu em là điều khó khăn', chẳng phải là tôi tỏ tình gì với Ngọc Bích cả. Thời đó, viết một ca khúc có chữ “yêu”, đề tài “tình yêu” rất khó được giải, được biểu diễn trên Đài phát thanh. Và tôi viết, “nói yêu em là điều khó khăn” là nói với khâu kiểm duyệt đấy".
Hát với chú ve con
Đây là khúc được viết năm 1984 về một câu chuyện buồn. Lúc đó nhạc sĩ Thanh Tùng yêu một cô gái rất đẹp nhưng lại có một số phận rất đau đớn. Vì cuộc sống xô đẩy mà cô ấy trở thành tiếp viên và không còn tin vào tình yêu nữa, dù ông đã rất cố gắng chứng minh điều đó. Rồi sau đó, cô ấy ra nước ngoài đoàn tụ gia đình và mang theo ca khúc Hát với chú ve con do nhạc sĩ Thanh Tùng viết vội tặng lúc chia tay.
Lời bài hát: "Đừng mang cho lời ca những nỗi ưu phiền và đừng mang cho tình yêu những tiếng ca buồn" chính là những gì mà ông muốn gửi gắm tới cô gái.
Hoa tím ngoài sân
Là một bản tình ca quen thuộc với nhiều người nhưng nhạc sĩ Thanh Tùng đã biết Hoa tím ngoài sân này không phải để kể về một câu chuyện tình yêu của mình. Hoàn cảnh ra đời của nó khá đơn giản. Thuở ấy, hẻm Cây điệp nhà nhạc sĩ Thanh Tùng có cô Tôn Nữ Minh Tâm đoạt giải Á hậu Áo dài đầu tiên của TP HCM. Cô này rất đẹp và thường đi bộ qua cửa nhà nhạc sĩ. Không hiểu vô tình hay cố ý mà qua cửa nhà ông, cô thường đi rất chậm hoặc ngó nghiêng làm dáng. Chính vì thế mà ông đã viết: "Em đừng đi, xin em đừng đi/ Vì ai đó còn chưa nói với ai điều gì/ Ai vội đi, để ai còn đứng đó, để bàn chân ai trong tiếng lá rơi".
Trái tim không ngủ yên
Ca khúc này được viết nhanh và nổi cũng nhanh.
Theo nhạc sĩ Thanh Tùng thì Trái tim không ngủ yên được nhạc sĩ Thanh Tùng viết về một cô chân dài. Mới quen, và ngày 7/3 ông có việc phải đi ra Hà Nội gấp và không kịp mua quà tặng người đẹp. Thế nên, ông đã bỏ tiền vào bao thơ và ghi lại, “em mua giúp anh một món quà cho mình”.
Buổi tối, cô gái gọi điện và mắng nhạc sĩ một trận vì đã coi thường cô ấy. Lúc đó ông tự ái lắm, nằm xuống giường mà không ngủ được, đành lôi giấy ra viết. "Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu là thực ra anh đang dối lòng/ Còn anh nói đã trót yêu em rồi là thực ra anh đang dối anh".
Sau khi viết xong, nhạc sĩ Thanh Tùng đã gọi điện cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào lúc 2 giờ sáng, kể cho người anh thân thiết của mình nghe. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau khi nghe hết chuyện liền cười và bảo: "Đêm hôm đánh thức người khác, không ngủ được thì đặt luôn bài hát đó là Trái tim không ngủ yên đi".
Một lần, nhạc sĩ Thanh Tùng có hát Trái tim không ngủ yên tại Hà Nội và ca sĩ Mỹ Linh ngồi dưới đã xin luôn. Cũng chính Mỹ Linh cùng với Bằng Kiều đã trở thành những người đầu tiên thể hiện thành công ca khúc này.
Phong Vũ