"Đám tang của anh không phải là một sự kết thúc, những gì các bạn trẻ làm trong đám tang cho thấy một tín hiệu tốt về giới trẻ", ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Vừa qua, ông cũng tới viếng nghệ sĩ Trần Lập. Một đám tang của nghệ sĩ trẻ, không nhiều danh hiệu cao quý nhưng được rất nhiều người mến mộ, thương tiếc. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi chưa từng làm việc hay tiếp xúc với nhạc sĩ Trần Lập, chỉ biết tính cách của anh qua lời kể của bạn bè và nghe những bài hát do anh thể hiện. Tôi đến viếng đám tang Trần Lập ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng hôm 23/3 cũng với tư cách là cơ quan quản lý văn hóa đến viếng một ca sĩ-nhạc sĩ hoạt động trong lĩnh vực này. Thực sự tôi có nhiều cảm xúc và tâm trạng khác nhau.

Dòng người đổ về đám tang của Trần Lập nhiều vô cùng và tôi cứ băn khoăn mãi về hình ảnh những người trẻ đến viếng đám tang của nhạc sĩ-ca sĩ Trần Lập.

{keywords}
Ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cụ thể là băn khoăn điều gì thưa ông?

Đến đám tang của nhạc sĩ-ca sĩ Trần Lập, nhìn khung cảnh xung quanh ngay từ ngoài cửa rất nhiều người khóc, buồn, tôi xúc động vô cùng. Đặc biệt là vợ con Trần Lập, họ tựa vào nhau tiếp thêm sức mạnh cho nhau trong lúc đau buồn nhất. Những người đi qua linh cữu của Trần Lập, ánh mắt đầy tiếc nuối, tiếc nuối thực sự, yêu mến thực sự xuất phát từ trái tim chứ không kiểu đi phúng viếng lấy lệ, ngoài vừa cười cợt xong vào đến linh cữu lại tỏ vẻ mặt tang tóc.

Tôi đã từng đi viếng nhiều đám tang, tiễn đưa nhiều người từ già-trẻ, chức vụ cao-thấp về miền cực lạc, có đám tang thì lộn xộn, có đám trật tự trang nghiêm, có đám thì cũng bình thường, nhưng với đám tang của Trần Lập - của một người trẻ - không có chức quyền, không với danh hiệu gì cao sang, người đi viếng cũng rất nhiều người trẻ, lại xăm trổ đầy mình, khuyên tai đeo khắp mặt, ăn mặt rất hầm hố nhưng lại có một sự trật tự, nghiêm túc, trang trọng đến kỳ lạ.

Để huy động dàn mô tô xe máy đưa tiễn người quá cố vượt ngót trăm cây số đi trong yên lặng, trật tự, nghiêm túc như thế thì chỉ có xuất phát từ trái tim. Mà cái gì xuất phát từ trái tim mới đến được trái tim chứ nhiều khi mệnh lệnh hành chính chưa chắc đã thực hiện được.

Về nhà rồi, tôi vẫn cứ băn khoăn, đâu đó vẫn văng bên tai tôi câu nói rằng: “Của cải của bố mẹ để lại lớn nhất cho con là đức độ”. Phải chăng, khi Trần Lập mất đi, tuy là rất trẻ, ở cái tuổi 42 đang rất sung sức trong sự nghiệp sáng tác, cống hiến cho nghệ thuật, cho đời, dù là tiếc thương thật đó nhưng anh đã để lại di sản cho các con của mình, cho vợ và bạn bè một hình ảnh Trần Lập rất đẹp, một con người sáng tạo, đóng góp và xả thân.

{keywords}
Vợ và hai con Trần Lập trong đám tang

Có nghĩa là giới trẻ cũng không hẳn là vô cảm như chúng ta thường nghĩ?

Lâu nay, nhiều người nghĩ giới trẻ sống vô tâm, thiếu tình người và tình thương, thiếu cảm xúc hay nói đúng hơn là vô cảm. Nhưng qua đám tang của Trần Lập tôi nghĩ mọi người nên nghĩ lại. Phải chăng, những người đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý tầng lớp trẻ chưa thực sự thấu hiểu, chưa bắt được đúng kênh của giới trẻ. Và phải chăng, chính lối sống của người lớn lại ảnh hưởng tới giới trẻ của chúng ta.

Có câu, "Thượng không chính, hạ tắc loạn", người bố người mẹ không nghiêm túc, họ có thể che giấu được xã hội nhưng không thể che giấu được trong gia đình, có thể ra đường, tới công sở đeo mặt nạ chứ về nhà, làm sao mà che giấu được.

Người quản lý không bắt được đúng kênh của giới trẻ, vậy theo ông, chúng ta cần phải làm thế nào để thay đổi cung cách về quản lý văn hoá với giới trẻ?

Giáo dục của chúng ta có thể đang nặng về hình thức, nhiều mệnh lệnh hành chính đơn phương, xa rời thực tiễn, khiên cưỡng và giáo điều chăng? Trong nhà trường, thiên về dạy kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp để tiến thân, để lập nghiệp mà thiếu đi dạy dỗ về đạo lý, về nhân phẩm, tình thương yêu, lòng nhân ái... của con người. Nếu bản thân giáo viên dạy mà không yêu trẻ, không có tâm với trẻ thì làm sao có thể dạy trẻ sống có tâm được, có ứng xử nhân văn được. Quả thực, một người có tâm, không có tài thì cũng đỡ nguy hiểm cho xã hội hơn là người có tài mà không có tâm.

Tôi cảm thấy, trong giáo dục hiện nay dường như có sự đảo lộn. Nếu như các quốc gia có nền tảng giáo dục tiên tiến, họ đầu tư cho giáo dục ngay từ tiểu học, giáo viên tiểu học phải là người có kiến thức sâu rộng, có kinh nghiệm cuộc sống, phải là người có tấm lòng nhân ái thì chúng ta hình như đang làm ngược lại? Giáo viên tiểu học là những người không dạy được trung học và đại học?... Nền móng không vững chắc thì không thể xây được một ngôi nhà kiên cố trên đó được.

{keywords}
Rất nhiều bạn trẻ tới viếng Trần Lập vì lòng yêu mến, trân trọng

Ông nói chúng ta cần thay đổi, vậy ngành văn hoá có động thái gì để tôn vinh một nghệ sĩ cống hiến hết mình, cách sống và làm việc của anh được giới trẻ mến mộ như Trần Lập không thưa ông?

Qua một đám tang, nghĩ về cuộc sống. Phải chăng, cái chết là hết, theo tôi là chưa phải, cái chết của một người có thể bắt đầu cho một sự sống khác, một cuộc sống khác, phải chăng đây cũng đúng như quan điểm của triết học: "Phủ định của phủ định". Cái cũ diệt vong thay bằng cái mới, nhưng cái mới như thế nào thì nó còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường phát triển, nền tảng phát triền. Chính vì vậy, xã hội luôn kỳ vọng người đứng đầu phải là những người có chuẩn mực, để xã hội nhìn vào, mọi người nhìn vào, noi theo, đặt niềm tin, gửi trọn niềm tin vào đó.

Trăm năm bia đá thì mờ, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Cũng có thể rằng, ngôi mộ của Trần Lập không to, không được đặt ở vị trí phong thủy tốt, bia mộ của Trần Lập cũng chỉ nhỏ thôi nhưng tôi tin chắc, nơi đó, sẽ thường xuyên là điểm đến của những người yêu thương anh, đến bên Trần Lập để tưởng nhớ đến những điều tốt đẹp nhất, và khát khao làm cái gì đó tốt đẹp cho đời. Mộ to, hoành tráng mà ít người nhớ tới, hướng về thì cũng chẳng là gì.

Chính vì vậy, theo tôi, đám tang không phải là sự kết thúc vì Trần Lập đã để lại một hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ, dù cuộc sống có ngắn ngủi nhưng Trần Lập đã 'khắc tên anh trên đời', xây một con Đường đến đỉnh vinh quang*, để lại bao điều để giới trẻ có thể học hỏi, người lớn phải suy ngẫm... Và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ có hình thức truy tặng cho nhạc sĩ Trần Lập, tri ân một người trẻ, với cách sống, sự đóng góp được nhiều người ghi nhận, tin yêu và trân trọng.

Xin cảm ơn ông!

_____

* Tên bài nhạc rock nổi tiếng do Trần Lập sáng tác.

Anh Thư

Phút cuối bên Trần Lập

Trần Lập đã yên nghỉ tại công viên Nghĩa Trang Thiên Đức - Huyện Phù Ninh - Tỉnh Phú Thọ.

Tiếng mô tô quen thuộc tiễn Trần Lập về nơi chín suối

MC Anh Tuấn vừa khóc vừa dẫn đầu đoàn xe mô tô đưa tiễn Trần Lập về nơi chín suối. 

Di nguyện cuối cùng của Trần Lập

Tiễn bước anh đi chặng đường cuối cùng, nước mắt rơi nhưng lòng vẫn phải thật kiên cường. Bởi đó là di nguyện cuối đời của Trần Lập - người chiến binh thắp ngọn lửa hồng.

Nước mắt ngập tràn trong lễ tang Trần Lập

Người thân, bạn bè, người hâm mộ đã không cầm được nước mắt khi tới với thủ lĩnh ban nhạc Bức tường lần cuối.

Cho phép chúng tôi kể câu chuyện về anh, Trần Lập nhé!

Gian khó tuổi thơ đã tôi luyện trong Lập một bản năng sống bền bỉ, khả năng đương đầu để cống hiến và làm nên những kỳ tích sau này.

Dòng người đổ dồn về đám tang nghệ sĩ Trần Lập

Đúng 7h30, Lễ viếng nhạc sĩ Trần Lập tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng, người thân, bạn bè và cả những fan hâm mộ dòng nhạc rock đã có mặt đông đủ để nhìn mặt thủ lĩnh nhóm Bức Tường lần cuối

Dàn môtô tiễn đưa nhạc sĩ Trần Lập

MC Anh Tuấn và các thành viên trong ban nhạc Bức Tường dẫn đoàn môtô tiễn đưa nhạc sĩ Trần Lập về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Nghệ sĩ Trần Lập sẽ được an táng tại Phú Thọ

Nhạc sĩ Trần Lập sẽ yên nghỉ tại Công viên Nghĩa Trang Thiên Đức- Huyện Phù Ninh –Tỉnh Phú Thọ.