- Đọc bài viết “Đành đội mũ ni che tai thôi” của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát về thông tin vụ thất thoát hơn 40 tỉ đồng của Cục Điện ảnh đã “được” đình chỉ, hỏi các nghệ sĩ điện ảnh nghĩ gì ư?


Đạo diễn Phạm Lộc, người đã có hơn 30 năm công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam gửi đến Vietnamnet một bài viết liên quan đến thực trạng của ngành điện ảnh nói chung cũng như tình cảnh bi đát hiện nay của Hãng.

Tồn tại kiểu "dở khóc dở cười"!

Vâng, tất cả bởi sự vô cảm, dửng dưng của những người có trách nhiệm đã và đang lây lan sang những người làm điện ảnh ngày nay. Cũng đúng thôi, bởi những người nghệ sĩ nói chung đã đến “khúc”, họ cũng chẳng thiết tha gì nữa, mất chục tỷ chứ đến mấy trăm tỉ thất thoát thì cũng đâu có thấm thoát gì với một nền kinh tế đang phát triển.

Nhưng phải nói lại cho nói rõ: mất tiền chỉ là chuyện nhỏ, cái đáng để nói là mất đi niềm tin.

Hãng phim truyện Việt Nam - cái nôi của nền điện ảnh nước nhà với những bộ phim kinh điển: Chung Một Dòng Sông, Chim Vành Khuyên, Chị Tư Hậu, Vĩ Tuyết 17 Ngày Và Đêm, Bao giờ cho đến tháng mười.... và các nghệ sĩ tên tuổi như : Trần Vũ, Phạm Kì Nam, Hải Ninh, Nguyễn Văn Thông, Đặng Nhật Minh, Lâm Tới, Thế Anh, Trà Giang, Như Quỳnh...

Có thể nói, Hãng phim truyện Việt Nam là một địa chỉ văn hóa uy tín của cả nước. Tuy nhiên nó lại đang đứng trên bờ vực phá sản và nguy cơ giải thể là điều tất yếu. Luật doanh nghiệp của nhà nước đã quy định: “Doanh nghiệp sau hai năm làm ăn không có lãi, thâm hụt vốn phải tuyên bố phá sản; sau một năm doanh nghiệp không có khả năng trả lương cho cán bộ công nhân viên nên phải giải thể? Vậy mà hãng phim truyện Việt Nam tồn tại "dở khóc dở cười" hơn chục năm nay rồi, đang chờ giờ phút quyết định trên.

Hình ảnh, thực trạng Hãng phim truyện xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, từng gây sốc cho rất nhiều người yêu mến điện ảnh Việt Nam tạm chìm lắng cũng là lúc sản xuất phim và đời sống của anh em văn nghệ sĩ đi vào ngõ cụt. Hình ảnh hãng phim ngổn ngang, nhà xưởng, trường quay, hội trường cũ nát, hoen gỉ, sập xệ cũng chỉ là một phần trong cơn bĩ cực. Ít ai có thể hình dung nổi lương của cán bộ công nhân viên và nghệ sĩ hãng phim chỉ có 650.000 đồng/tháng nhân với hệ số và được giữ nguyên cả chục năm qua.

Trong điều kiện giá cả, lương thực thực phẩm, giá điện, nước, xăng dầu leo thang trong mặt như hiện nay; nhà nước quy định mức lương tối thiểu cho doanh nghiệp từ lâu đã là 1.050.000 đồng và rồi sắp tới sẽ tăng lên 2.500.000 đồng thì văn nghệ sĩ biết lĩnh lương ở đâu? Trong khi ngay cả mức lương tối thiểu cũng không chi trả đủ. Nhiều đạo diễn, diễn viên, quay phim đã từng làm việc, cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà ba, bốn mươi năm chỉ được lĩnh 540.000 đồng một tháng, thậm chí nhiều người còn bị cắt không lương với muôn vàn lí do khác nhau.

“Hãng phim truyện Việt Nam-phở gia truyền”

Hãng phim tọa lạc trên một mảnh đất vàng rộng 5000m2 bên Hồ Tây và 600m2 ở đường Thái Văn Lung, ngay sau Nhà hát thành phố ở quận 1 TP.HCM. Cho doanh nghiệp tư nhân thuê xây dựng nhà dịch vụ văn phòng cao cấp để kinh doanh (hãng có nguy cơ mất trắng cơ sở này nếu không được các cơ quan chức năng can thiệp). Vậy mà anh em văn nghệ sĩ của hãng vẫn không đủ sống là một điều lạ.

Nhiều cuộc hội thảo, mạn đàm của Bộ VHTTDL nhằm tháo gỡ khó khăn, cố gắng tìm ra mô hình phát triển thích hợp cho ngành điện ảnh nước nhà. Tựu chung, mọi người đều thấy cho dù là quy hoạch nào, mô hình gì thì yếu tố con người vẫn là yếu tố quyết định tất cả. Mô hình mới có thể hiệu quả, đường lối mới có thể đúng đắn nhưng với những người thực hiện ngô nghê về quản trị thì chẳng qua cũng chỉ là thay đổi về diện mạo, là “bình mới rượu cũ” mà thôi.

Cách đây năm năm, khi Hãng còn là một doanh nghiệp nhà nước có thu, ông giám đốc không trả nổi lương cho anh em nghệ sĩ, ông đã tự rút lui về Cục Điện Ảnh làm nhân viên. Anh em nghệ sĩ bức xức yêu cầu cả ban giám đốc từ chức. Bộ VHTTDL điều ông giám đốc từ TP.HCM ra hy vọng xoay chuyển tình hình. Nhưng than ôi vẫn chỉ là người mới mà cảnh cũ. Sau hai năm, vị giám đốc ấy về nghỉ hưu, mang theo bao nhiêu hứa hẹn trước đó. Nghệ sĩ lại tiếp tục hy vọng, trông chờ vào vị lãnh đạo mới.

Sau ba năm tại vị, mọi việc đâu vẫn hoàn đấy. Đội ngũ nghệ sĩ sáng tác của Hãng người về hưu trước niên hạn, người đã vào giảng dạy ở trường ĐH Sân Khấu Điện Ảnh, người bỏ ra ngoài làm hoặc nghỉ không lương. Điều này dẫn đến nguồn nhân lực chủ chốt trở nên teo tóp. Cơ ngơi của Hãng ngày càng dột nát, xung quanh các hàng quán mọc lên như nấm: bia, phở, cơm bình dân, quán bi-a, nhà hàng.... Đặc biệt hơn quán phở còn lấy tên “Hãng phim truyện Việt Nam-phở gia truyền”? Văn nghệ sĩ của Hãng không ai lên tiếng bởi lương bổng của họ đều trông cả vào mớ hàng quán ấy.

Các hãng phim tư nhân, đài truyền hình cũng không ai còn mặn mà gì với Hãng phim nữa. Do vậy đội ngũ có uy tín, có nghề của hãng cũng dửng dưng với những dự án chắp vá, dang dở. Có dự án làm phim nhựa, mời một ông đạo diễn từ truyền hình Đà Nẵng ra làm thay vì dùng đội ngũ đạo diễn của Hãng!? Phim truyền hình dài tập thì cho mượn mũ mượn áo. Hãng mất uy tín, mất thương hiệu chẳng ai chịu trách nhiệm. Thật đúng là “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”!

Thập niên 80,90 Hãng lúc nào cũng đông đủ các nghệ sĩ ra vào tấp nập, tụ họp, bàn bạc để cho ra đời những kịch bản mới và những bộ phim hay. Bây giờ, mỗi lần bước chân lên Hãng không khỏi chạnh lòng. Hãng phim vắng lặng như “Chùa Bà Đanh”, nhìn quanh chẳng thấy nghệ sĩ đâu cả. Hoang lạnh và trống rỗng. đấy là cảm giác của hầu hết anh em văn nghệ sĩ.

Đạo diễn Phạm Lộc

Bạn đọc quan tâm đến điện ảnh Việt Nam xin mời chia sẻ những ý kiến của mình về những vấn đề nhức nhối hiện nay. Bài viết xin gửi về địa chỉ: phanhoivanhoavnn@gmail.com/ BBT sẽ lựa chọn những bài viết hay để đăng tải trên chuyên mục Văn hóa.