Quảng Ninh mới có chỉ đạo lập hồ sơ khoa học cho di sản Yên Tử từ tháng 8/2012. Theo ý tưởng ban đầu, Quần thể di sản văn hoá - danh thắng thế giới Yên Tử sẽ chỉ gói gọn ở 2 khu di tích (KDT), đó là KDT nhà Trần tại Đông Triều và KDT Yên Tử tại Uông Bí.
|
Tuy nhiên, sau này, theo ý kiến của các cơ quan trung ương đều đề nghị: Nghiên cứu lập hồ sơ Quần thể di sản trong mối liên hệ chặt chẽ với các KDT, danh thắng thuộc cánh cung Đông Triều. Cụ thể là giữa Quần thể di sản văn hoá - danh thắng Yên Tử (gồm KDT Yên Tử và KDT lăng mộ nhà Trần tại Đông Triều) với khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và KDT lịch sử - văn hoá Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) để xây dựng hồ sơ di sản. Điều này nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, góp phần tăng thêm giá trị nổi bật toàn cầu của các tiêu chí đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới.
|
Nhưng Hải Dương đã tự rút lui bằng việc không có ý kiến chính thức bằng văn bản về chủ trương xây dựng hồ sơ gửi tới Bộ VH,TT&DL theo yêu cầu.
Đến nay, báo cáo tóm tắt quần thể di sản liên quan đến 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang (Hải Dương không tham gia) đã hoàn thành.Bộ VH,TT&DL cũng đã có văn bản kèm theo báo cáo tóm tắt gửi Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia xin ý kiến để có thể báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục hồ sơ di sản thế giới.
Riêng với KDT nhà Trần tại Đông Triều, ngày 10/9, Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia đã họp thông qua hồ sơ, hiện đang đề nghị Chính phủ xem xét công nhận KDT lịch sử này là di tích quốc gia đặc biệt.
Việc quản lý, đo đạc các di tích gốc nằm trong quần thể di sản; cách thức phối hợp, tháo gỡ các khó khăn giữa các đơn vị, địa phương; lập kế hoạch cụ thể về kinh phí, huy động các nguồn lực… đang được gấp rút tiến hành.
Trong cuộc họp của tỉnh bàn về tiến độ lập hồ sơ Di sản đầu tháng 11/2013, bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao việc cụ thể cho các đơn vị liên quan phối hợp bám sát các cơ quan trung ương để thúc đẩy tiến độ. Trong đó, bà đề nghị các địa phương liên quan như TP Uông Bí, huyện Đông Triều có sự hỗ trợ tích cực trong việc này. Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý các di tích trọng điểm dự thảo biên bản ký kết giữa Quảng Ninh và Bắc Giang để tăng cường phối hợp trong việc lập hồ sơ.
Lộ trình phấn đấu là từ giờ đến cuối năm nay sẽ có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép cho lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể di sản văn hoá - danh thắng Yên Tử là Di sản văn hoá thế giới. Khi đó, tỉnh sẽ vào cuộc trực tiếp để triển khai các phần việc còn lại.
D.Minh