Đoàn Thanh tra Bộ VHTTDL sau khi kiểm tra đã có kết luận bước đầu, việc xây dựng trên núi Huyền Vũ (Cái Hạ) là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.
Tại khu du lịch Tràng An cổ (xã Trường Yên) Ninh Bình, trên núi Cái Hạ nhiều tháng nay xuất hiện cột bê tông, bậc thang lên xuống đỉnh núi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Điều đáng nói là núi Cái Hạ nằm trong vùng lõi của di sản đã được UNESCO công nhận. Rất nhiều trụ cột bê tông được dựng lên với hơn 1.000 bậc trải dài từ ngọn núi này qua ngọn núi khác, có chiều dài chừng 1 km. Việc làm này đã xâm hại nghiêm trọng đến Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới duy nhất ở Việt Nam.
Công trình hoành tráng vi phạm tại Tràng An cổ. |
Được biết, Sở Du lịch Ninh Bình cũng đã nhiều lần nhắc nhở, phối hợp với chính quyền địa phương thanh kiểm tra công trình, nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển.
Cục Di sản và Thanh tra Bộ VHTTDL ngay sau khi có thông tin đã lập đoàn thanh kiểm tra xem xét. Ông Nguyễn Thế Hùng – Cục trưởng Cục Di sản cho hay: "Nếu đúng là công trình đường lên đỉnh núi Huyền Vũ (núi Cái Hạ) xây dựng trong phạm vi vùng lõi di sản Tràng An - di sản đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 2014 thì rõ ràng đã vi phạm Luật Di sản. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng như thế nào sẽ phụ thuộc kết luận của đoàn thanh tra của Bộ VHTTDL".
Ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho hay đoàn thanh tra của Bộ ngày 5/3 đã kiểm tra công trình trên núi Cái Hạ, bước đầu kiểm tra thực tế tại di tích và kiểm tra thủ tục, hồ sơ pháp lý về việc xây dựng công trình đường lên đỉnh núi Huyền Vũ (Cái Hạ). Theo ông Thái: “Công trình đường lên núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư hiện chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và vi phạm Nghị định số 109/2017/NĐ – CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở VN.
Tại buổi làm việc với Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, đoàn kiểm tra đề nghị Sở Du lịch phối hợp với Sở VHTT và các Sở, ban ngành, địa phương liên quan tiếp tục kiểm tra tổng thể việc quản lý, bảo vệ phát huy di sản và có biện pháp xử lý kịp thời những hành vi vi phạm tại Quần thể Danh thắng Tràng An.
Tràng An cổ hiện đã dừng đón khách |
Làm việc với các bên liên quan tại UBND huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ VHTTDL xác định rõ trách nhiệm quản lý xây dựng tại vùng lõi di sản thuộc thẩm quyền của UBND huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Thanh tra Bộ VHTTDL đã đề nghị UBND huyện Hoa Lư chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan xử lý vi phạm về xây dựng trái phép và kiên quyết tháo dỡ công trình xây dựng xâm hại cảnh quan, môi trường tại khu vực núi Cái Hạ, thôn Tràng An, xã Trường Yên, sớm trả lại mặt bằng cảnh quan thiên nhiên của di sản tại khu vực này”.
Ngày 23/6/2014, tại Doha với sự đồng thuận tuyệt đối của Ủy ban Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An hiện cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong quy hoạch phát triển du lịch tại Việt Nam, Tràng An cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.
Tràng An nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Về mặt hành chính, vùng lõi Tràng An nằm trên 12 xã: Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh Thắng (Hoa Lư); Ninh Nhất, Ninh Tiến (TP. Ninh Bình) Gia Sinh (Gia Viễn); Yên Sơn (Tam Điệp) và Sơn Hà, Sơn Lai, (Nho Quan). Vùng lõi Tràng An có diện tích hơn 6.172 ha, chủ yếu thuộc 2 xã Trường Yên và Ninh Hải (huyện Hoa Lư) là vùng bảo vệ đặc biệt của danh thắng. Vùng bảo vệ đặc biệt này nằm trọn trong quy hoạch khu du lịch Tràng An với diện tích 12.252 ha.
Tình Lê