Jupiter là vị thần tối cao trong thần thoại La Mã (Zeus trong thần thoại Hy Lạp), có rất nhiều mối tình với các nữ thần, tiên nhân phàm trần. Và chủ đề này đã trở thành ý tưởng sáng tạo cho các nghệ sĩ ở tất cả loại hình nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật châu Âu ở thời kỳ Phục Hưng.
Trong số tác phẩm hội họa về chủ đề này, nổi bật là bộ tranh “Các cuộc tình của thần Jupiter” do danh họa Antonio Allegri da Correggio (1489- 1534) thực hiện, và được nhắc đến nhiều nhất là bức “Jupiter và Io”. Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo (AIWS) nâng niu những giá trị tinh hoa truyền thống của nhân loại để mạnh mẽ tiến về phía trước.
Bức danh họa “Jupiter và Io” (1532-1533), sơn dầu trên vải bố (canvas), theo hình chữ nhật đứng, 163,5cm x 70,5cm, vẽ cảnh thần Jupiter biến thành đám mây đen che mắt người vợ là nữ thần Hera để ân ái với nàng Io. |
Bức tranh hiện đang được trưng bày trong Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, Áo, và luôn là tâm điểm nổi bật của du khách đến đây thưởng lãm. Nói qua về thân thế danh họa Antonio Allegri da Correggio. Ông sinh ngày 30/8/1489 tại Correggio, Italia. Ông được các họa sĩ thế hệ sau xem là nhà cải cách ̳cấp tiến nhất, táo bạo nhất của cả thời kỳ Phục Hưng, nhưng ông lại sống khá ẩn dật ở Parma, một thị trấn nhỏ hiu quạnh phía bắc Italia.
Năm 1506, ông theo học hoạ sĩ Mantegna ở miền Mantoue và học trò ông này là Lorenzo Costa. Năm 1510 ông vẽ bức “Đám cưới thần bí của Thánh Catherina” theo một phong cách riêng biệt và khá độc đáo, dù chịu ảnh hưởng của 3 “Người khổng lồ” đương thời là Leonardo da Vinci, Raphael và Michelangelo. Năm 1514 - 1515 ông nhận vẽ vòm trần nhà thờ Thánh Giăng ở Parma. Năm 1518- 1519, ông lên Rome làm việc.
Năm 1520- 1521, ông lại về vẽ tranh cho nhà thờ St. Paul ở Parma. Năm 1524 - 1530, ông nhận vẽ tranh cho Nhà thờ lớn ở Parma. Năm 1527- 1530, ông nhận vẽ một loạt tranh theo đề tài tôn giáo. Năm 1532- 1533, ông hoàn thành loạt tranh gợi tình theo thần thoại La Mã- Hy Lạp “Các cuộc tình của thần Jupiter”. Ngày 15/3/1534, ông qua đời tại Correggio, khi mới ở tuổi 45. “Jupiter và Io” là một trong loạt tranh “Các cuộc tình của thần Jupiter”, được cho là của Công tước Mantua là Federico Gonzaga đặt Antonio Allegri da Correggio vẽ.
Và ông đã dựa theo một đoạn thơ trong cuốn “Metamorphoses” (Biến hoá) của nhà thơ Ovid, một tác giả nổi tiếng nhất của thời La Mã cổ đại, được sánh ngang với Virgile (năm 70 trước CN- 19 trước CN), Horace (năm 65 trước CN- 8 trước CN), Augustus (năm 63 trước CN- 13), là Octavian, hoàng đế đầu tiên của đế quốc La Mã. Sách của nhà thơ này là nguồn cảm hứng vô tận cho các họa sĩ từ cổ đại đến đương đại với các nhân vật, tích truyện về các vị thần La Mã- Hy Lạp.
Ông viết “Metamorphoses” bằng tiếng Latin vào thời đại của hoàng đế La Mã Augustus. Tập thơ thiên anh hùng ca của Ovid chủ yếu kể lại các truyền thuyết Hy Lạp cổ, nhưng biến chúng thành những câu chuyện phù hợp với sự tinh tế của La Mã; Qua những trang thơ của ông, các vị thần trở nên gần với người hơn, cũng có nhiều tật, cũng hài hước và cuộc đời cũng đầy bi tráng hơn.
Ovid kể chuyện theo từng đoạn thơ, đa phần về những cuộc phiêu lưu tình ái của thần Jupiter, vị thần chuyên hành động theo ham muốn bản thân, luôn biến mình khi là thiên nga, đại bàng, khi là bò, đám mây, hay là đống vàng để cám dỗ các tiên nữ, thiếu nữ xinh đẹp và đánh lừa con mắt ghen tuông của người vợ nữ thần Hera... “Jupiter và Io” là bức tranh họa lại đoạn thơ miêu tả thần Jupiter biến thành đám mây đen đang ân ái với nàng Io.
Nàng Io cũng có nhiều tích khác nhau về nhân thân, có tích nói nàng là con gái thần sông Inachus và Oceanid Melia, nhưng thường được cho là con gái vua Inachus, vị vua đầu tiên của xứ Argolis, làm nữ tu trong điện thờ nữ thần Hera, vợ của thần Jupiter. Và chính vì thế mà thần Jupiter đã không bỏ qua vẻ đẹp của nàng Io khi một lần ghé qua đền thờ của vợ mình. Một tình yêu từ trái tim đến trái tim nảy sinh? Một đam mê nhất thời? Một sở thích chinh phục? Một ước muốn dùng quyền lực đề sở hữu? Hay thói trăng hoa cố hữu của vị thần quá nhiều sắc dục? Tình yêu giữa vị thần của các thần và người theo kiểu “trai anh hùng gái thuyền quyên” hay là một tình yêu “sét đánh” để hai người lao vào nhau, bất chấp quyền pháp vô biên và sự ghen tuông “sấm sét” dữ dội, ngoa ngoắt cay nghiệt của người vợ nữ thần tối cao?
Phải chăng vì thế mà “Jupiter và Io” trở thành bức danh họa tạo nên rất nhiều chiều để “đọc” câu chuyện, được miêu tả lại một cách sinh động qua bút pháp tài năng đầy thần thái, nhiều ám ảnh của Antonio Allegri da Correggio.
Theo như huyền tích, thì đám mây đen trong bức tranh có nhiều suy diễn. Là thần Jupiter biến thành đám mây để che mắt người vợ Hera, ân ái với nàng Io. Hay ở một lý giải khác, là nàng Io chạy trốn sự theo đuổi đeo bám của thần Jupiter, làm thần tức giận, biến thành đám mây đen cho nàng Io không thấy đường để chạy và “ngã” vào vòng tay thần Jupiter, khuất phục. Nhưng riêng tôi khi ngắm “Jupiter và Io”, trong một tâm thế không chỉ là chiêm ngưỡng một bức tranh cổ rất đẹp của 5 thế kỷ trước, mà còn thử làm nhà tâm lý học phân tích tình huống và trạng thái tâm lý nhân vật trong một scene “cảnh nóng”.
Đối tượng là nàng Io. Rõ ràng đây là một bức tranh rất gợi cảm, mô tả một cảnh ân ái tràn đầy đam mê, nồng nàn, nhưng không hề gây những cảm xúc thô thiển, trần tục. Đám mây đen được cho là ẩn thân của thần Jupiter, che trùm cả một góc trên bức tranh, và còn như hai bàn tay ôm riết hai bên hông, bấu chặt vào thân hình nõn nà của nàng Io...
Nhưng nhìn vào gương mặt tuyệt đẹp của nàng Io, thấy rõ cảm xúc thăng hoa của một sự trao nhận trong tình yêu, chứ không phải là một sự cưỡng bức mang màu sắc đen tối. Nàng khép hờ mắt như để buông thả mình tận hưởng những mê đắm trong hoan lạc đắm đuối. Cánh mũi nàng cảm giác phập phồng theo từng nhịp rung động của những con sóng dồn dập trong cuộc mây mưa cuồng si. Đôi môi nàng hé mở một cách quyến rũ đón nhận nụ hôn ngọt ngào bất tận. Hay cánh tay nàng như đang vòng ôm xiết vào đám mây - thần Jupiter một cách nhiệt tình đắm say. Ngay cả thân hình nàng, chỉ là phía sau lưng, nhưng từ màu da ửng hồng, những múi cơ nổi lên tròn trịa, hay vòng ba không tròn đầy…, đều chứng tỏ nàng Io đang thả mình trong một cuộc ân ái cuồng nhiệt, nóng bỏng, trong sự hưởng lạc và hiến dâng đến tận cùng…
Vầng mây sáng màu xanh da trời phía trên bức tranh như chứng tỏ cuộc tình của thần Jupiter và nàng Io có trời xanh chứng giám, không hề khuất tất, không hề đen tối, là biểu tượng của một tình yêu tự do khoáng đạt, bất chấp mọi rào cản, mọi ràng buộc, mọi ngăn cấm, mọi cách biệt xã hội thần- người… Họ yêu nhau và trao tặng nhau, dù chỉ là khoảnh khắc nhưng là mãi mãi có nhau. Tôi tin là họ yêu nhau, không phải chỉ là “tình một khắc”, hay là thói “Sở Khanh” bạc bẽo khi “con ong đã tỏ đường đi lối về”.
Bởi câu chuyện trong thần thoại La Mã tiếp theo cảnh thần Jupiter biến thành đám mây đen ân ái quên trời quên đất với nàng Io, là những màn đánh ghen, trả thù tình ác nghiệt của nữ thần Hera với nàng Io. Thần Jupiter vì lo sợ Hera giết nàng nên biến Io thành con bò. Khi không qua mặt được người vợ nữ thần, con bò - Io bị Hera bắt giữ và hành hạ đủ kiểu, thần Jupiter năm lần bảy lượt tìm nhiều cách để cứu nàng Io thoát khỏi sự kìm tỏa và trả hận tình của Hera. Sau nữa tìm cách gả nàng cho ông vua xứ Ai cập cổ đại và bảo trợ nàng cùng vương quốc này. Nếu Jupiter không yêu nàng Io sao có thể như thế.
Quay lại bức tranh “Jupiter và Io” của Antonio Allegri da Correggio, một bức họa có tính xuyên không tới tương lai, vượt thoát ra khỏi các khuôn khổ quy tắc về những quan niệm đẳng cấp xã hội, những quy chuẩn đạo đức về tình yêu và sắc dục. Bức tranh như một thông điệp tự do, khoáng đạt trong tình yêu và đam mê, tràn đầy màu sắc hoan lạc mà không gợi bất kỳ ý nghĩ phàm tục trần thế nào.
Và nếu như các bạn có dịp đến nước Áo, dừng chân tại Vienna, đừng quên ghé Bảo tàng Kunsthistorisches, để chiêm ngưỡng bức tranh “Jupiter và Io” của danh họa Antonio Allegri da Correggio, một bức họa được Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo (AIWS) vinh danh tác phẩm này là một trong những Thành tựu Mỹ thuật cho Muôn đời.
Hoài Hương