Xem xong hoà nhạc Điều còn mãi 2017, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã thốt lên rằng, chương trình là một bước tiến mới thể hiện sự nỗ lực không ngừng của những người làm chương trình.

Cứ vào 2h chiều ngày 2/9 tại Nhà hát lớn, Hà Nội, những giai điệu Tổ quốc lại vang lên trong hoà nhạc Điều còn mãi do báo VietNamNet tổ chức. Và năm nào cũng vậy, khi xem xong chương trình, nhiều nhạc sĩ, nhà sử học,...đều dành những nhận xét có ý nghĩa cho chương trình này.

{keywords}
Ca sĩ Đào Tố Loan thăng hoa cùng Điều còn mãi

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Bước tiến xa trong Điều còn mãi

Xem xong hoà nhạc Điều còn mãi năm nay, tôi thấy rằng, đây là một bước tiến mới, bước tiến xa của chương trình so với lúc khởi đầu VietNamNet đã đưa ra. Đúng là hoà nhạc xứng tầm Quốc gia.

Thứ nhất, với lực lượng nghệ sĩ xuất sắc của Dàn nhạc giao hưởng ngày càng nâng cao về tay nghề. Thêm vào đó, những giọng ca như Tố Loan, Hương Diệp, Mạnh Dũng,... có thể là những giọng ca còn mới, không xuất hiện nhiều trước công chúng nhưng đó thực sự là những giọng ca xuất sắc. Việc mời những nghệ sĩ như vậy tôi cho là rất đúng đắn.

Thứ 2, chúng ta đã chọn lọc được những tác phẩm của các thế hệ nhạc sĩ không chỉ có giá trị về nghệ thuật, giá trị về nội dung mà thực sự đó là những sáng tạo trong từng thời kỳ phát triển của âm nhạc Việt Nam. Hơn nữa, những tác phẩm được biên soạn, chuyển soạn đưa vào chương trình thể hiện sự lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ. 

Gần như 2/3 chương trình là những bài hát qua các thời kỳ của các nhạc sĩ Văn Cao, Đỗ Nhuận, Huy Du,... nhất là những bài khó như Aria Cô Sao, Người Hà Nội khi được chuyển soạn sang dàn nhạc giao hưởng là cả một khối công việc rất lớn. Và nếu như không có bản chuyển soạn có chất lượng thì nó sẽ làm hạ thấp giá trị tác phẩm, không chuyển được thông điệp của tác phẩm đó tới người nghe hôm nay.

Đây là một bước chuyển, một quyết tâm, một trăn trở chuyển mình của VietNamNet và những người làm chương trình này. Bước chuyển mình thành công – tôi cho là như thế.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Âm nhạc cũng là một sử liệu

Đối với chúng tôi, những người làm sử thì âm thanh cũng là một sử liệu. Sử liệu dạng âm nhạc nó có thể truyền cảm xúc từ thế hệ này qua thế hệ khác, qua ca từ và qua cả những người biểu diễn. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, Điều còn mãi lựa chọn ngôn ngữ bằng âm nhạc để gửi thông điệp về cuộc cách mạng cách đây 72 năm, cho ngày hôm nay và cho cả mai sau nữa chắc chắn để lại dấu ấn rất đậm nét. Đối với cá nhân tôi, và cả những người đã được nghe những giai điệu tuyệt vời này, trong ngày Quốc khánh của dân tộc 2/9 sẽ mãi mãi không quên.

Tôi mong rằng Điều còn mãi ngày càng đi vào lòng người bằng những giá trị trao truyền cho sự khởi đầu của ngày Độc lập.

{keywords}
Nhạc trưởng Lê Phi Phi 

Nhạc sĩ Văn Ký: Âm nhạc là tiếng nói của thời đại

Đây là một hoà nhạc đúng với tên Quốc gia, là một nhạc sĩ, tôi rất hoan nghênh sáng kiến này của VietNamNet. Chương trình Điều còn mãi mỗi năm một lần, vào thời khắc trọng đại nhất của lịch sử quả thật là một quyết định sáng suốt, thông minh, có tầm nhìn và có văn hoá. Bởi theo tôi, âm nhạc là tiếng nói của thời đại, tiếng nói này thông qua những bài ca lại ghi dấu một thời kỳ lịch sử có ý nghĩa rất sâu sắc, đi vào lòng người và phổ biến rộng rãi.

Những người đã trải qua lịch sử như tôi khi nghe Điều còn mãi như thấy tái hiện lại cả một thời kỳ lịch sử huy hoàng, làm rung động con tim chứ không phải là những tin tức bình thường.

Tôi hy vọng càng ngày hoà nhạc Điều còn mãi càng được công chúng ngưỡng mộ, hoan nghênh, được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.

Tình Lê (ghi)

{keywords}