Giữa mùa bom tấn nổ ầm ĩ, màn ảnh vẫn dành góc nhỏ cho phụ huynh và các em vào xem những bộ phim thích hợp, giàu ý nghĩa và đầy ắp tiếng cười.
Chỉ có hai bộ phim mà rạp Việt dành cho thiếu nhi nhân ngày 1/6. Không nhiều lắm so với nhu cầu, cũng như so với sự áp đảo của dòng phim người hùng chỉ toàn đánh đấm, cháy nổ ác liệt. Trong đó, “Epic” (Trận hùng chiến xứ sở lá cây) được chiếu rộng rãi, còn “The flying machine” (Chiếc đàn kỳ diệu) có mặt ở số rạp hạn chế.
“Epic” có phiên bản 3D, được làm với kinh phí 100 triệu USD.
“Epic”: Cổ tích mới mang thông điệp thời sự
Epic tái hiện thế giới của những cô cậu tí hon vô cùng đáng yêu, là linh hồn của thế giới cỏ cây hoa lá xinh đẹp. Thế giới đó mỗi ngày đều đâm chồi nảy lộc nhưng luôn phải đề phòng trước sự tấn công, phá hoại của bọn “thối rữa”. Vào một ngày, bọn chúng ồ ạt tấn công rồi hại chết nữ hoàng của thế giới màu xanh.
Rất may là trước khi qua đời, bà đã kịp truyền lại toàn bộ nguồn sống sang một chiếc nụ và giao cho những chiến binh của mình. Những chiến binh có nhiệm vụ phải bảo vệ chiếc nụ để nó có thể nở đúng vào đêm trăng tròn. Trận chiến chính thức nổ ra từ đây khi phe thối rữa cũng rắp tâm chiếm lấy chiếc nụ hòng phá hủy nó. Phần thắng đôi khi tưởng chừng nghiêng về phe thối rữa và đẩy toàn bộ xứ sở màu xanh chìm trong chết chóc. Và chỉ một người có thể làm thay đổi tình thế này...
Bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách thiếu nhi “The Leaf Men and the Brave Good Bugs” của William Joyce
Epic có thể khiến bất cứ khán giả nhỏ nào yêu thích. Một mặt, vì cuộc chiến thiện – ác đầy màu sắc cổ tích diễn ra hết sức gay cấn. Mặt khác, phim mang đến một không gian đẹp lung linh mà mỗi đứa trẻ, với trí tưởng tượng bay bổng của chúng, vẫn thường hình dung ra. Cùng với hiệu ứng 3D, khán giả như được sống trong thế giới nhiều màu sắc để cảm nhận rõ hơn sự tươi mát của cỏ cây
Và trên cả phần nội dung, hình ảnh, Epic hướng khán giả đến giá trị của màu xanh, của môi trường. Phim không cần bất cứ một câu nào hô hào, kêu gọi nào, nhưng sự tương phản giữa một bên là sự sống thiên nhiên tươi đẹp, một bên là sự chết chóc, tàn phá sẽ là lời nhắc nhở hữu ích đối với các em về ý thức bảo vệ môi trường để duy trì và phát triển nguồn sống cho muôn loài.
“Chiếc đàn kỳ diệu” là phim hợp tác giữa 5 quốc gia.
“Chiếc đàn” nhắc nhở quý phụ huynh bận rộn
The flying machine (Chiếc đàn kỳ diệu) là bộ phim hợp tác của 5 nước Anh, Ba Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Na uy là bộ phim kỷ niệm về cuộc đời nhà soạn nhạc nổi tiếng người Ba Lan Frédéric Francois Chopin (1810 – 1849). Tuy nhiên, đây không phải là một phim tiểu sử khô khan, mà đặc biệt thích hợp đối với các khán giả nhí, khi đưa các em phiêu lưu trong một thế giới kỳ diệu ngập tràn âm nhạc.
Chuyện phim xoay quanh bà mẹ trẻ Georgie, sống tại London cùng hai con nhỏ là Jane và Fred. Là một bà mẹ đơn thân, Georgie lúc nào cũng bận rộn với công việc, hiếm khi dành thời gian cho con. Một ngày nọ, cô quyết định đưa con đến rạp xem phim.
Phần âm nhạc trong phim sử dụng các tác phẩm của nhà soạn nhạc Chopin.
Nhưng đang bận tâm về cuộc hẹn dang dở với khách hàng, Georgie chỉ chăm chú vào màn hình điện thoại mà không hề để ý đến những gì đang diễn ra xung quanh mình. Cho tới lúc hết phim, bà mẹ trẻ mới nhận ra các con mình và tất cả mọi người xung quanh đều biến mất, chỉ còn mỗi chiếc đàn piano trên sân khấu. Quá hoảng sợ, Georgie đến bên chiếc đàn kỳ diệu và bất ngờ bị cuốn vào thế giới bên trong. Chiếc đàn đưa cô đến Ba Lan, quê hương của thiên tài âm nhạc Chopin.
Cuộc phiêu lưu trong không gian âm nhạc huyền ảo đã giúp Georgie nhận ra lây nay cô đã quá coi trọng công việc mà thiếu quan tâm đến con cái. Khi Georgie ý thức được rằng gia đình mới là quan trọng nhất thì cũng là lúc cô gặp lại Jane và Fred…
Với “Chiếc đàn kỳ diệu”, thông điệp về tình yêu, về sự gắn kết các thành viên trong gia đình sẽ là hồi chuông thức tỉnh những ông bố, bà mẹ vì quá bận rộn với công việc mà thiếu quan tâm đến con cái. Họ quên mất rằng điều những đứa trẻ cần hơn cả chính là sự quan tâm chăm sóc chứ không chỉ là một cuộc sống đầy đủ vật chất.
Minh Khôi