Tập piano từ năm 4 tuổi, học cello trong suốt 17 năm, nhưng, MC Anh Tuấn đã ngoặt sang một ngã rẽ khác trong nuối tiếc. Với vị trí Giám đốc dàn nhạc giao hưởng Mặt trời vừa đảm nhận, đã tới lúc, anh viết tiếp giấc mơ cuộc đời.

Góp sức nhỏ cho một tương lai dài hạn

- Tại họp báo ra mắt Hội đồng điều hành dàn nhạc giao hưởng Mặt trời Sun Symphony Orchestra (SSO), anh đã rất xúc động khi chia sẻ với người cha của mình về việc quay trở lại với nhạc cổ điển sau nhiều năm rời xa. Tại sao anh lại chọn thời điểm này để quay lại?

Từ nhiều năm nay, với tư cách là nhà sản xuất chương trình, tôi đã trăn trở xem mình có thể làm gì để giúp các nghệ sỹ cổ điển có được môi trường biểu diễn và cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên “lực bất tòng tâm” vì hầu hết các nhà tài trợ đều hướng đến các thể loại âm nhạc phổ thông.

{keywords}

Khi tôi được mời tham gia và nghe ý tưởng từ những nhà sáng lập Sun Symphony Orchestra về việc thành lập một dàn nhạc giao hưởng tư nhân chuyên nghiệp, tôi đã tìm thấy điều mà tôi và nhiều thế hệ nghệ sỹ cổ điển mong đợi, một mô hình mà các nghệ sỹ sẽ được sống bằng đúng nghề mà họ được học. Với cơ hội “ngàn năm có một” như vậy, tôi đã quyết định mình phải đồng hành cùng dàn nhạc để góp sức nhỏ cho một tương lai dài hạn của âm nhạc cổ điển nước nhà.

- Vốn liếng về âm nhạc cổ điển ngày xưa có giúp anh nhiều trong công việc không phải chuyên ngành của anh trong những năm qua không?

Tôi xuất thân trong một gia đình có bố là nghệ sỹ nhạc cổ điển nên học piano từ năm 4 tuổi, 7 tuổi bắt đầu thi và học cello trong 17 năm tại Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, tôi vào làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam và rất may mắn được thực hiện các chương trình âm nhạc nói chung hay một số chương trình nhạc cổ điển nói riêng nên cũng gần với những gì mình được học; cộng thêm kiến thức về báo chí, truyền hình cho mình tích luỹ kinh nghiệm để trở thành nhà sản xuất âm nhạc và chương trình.

Có thể nói dường như từ khi sinh ra, âm nhạc đã chọn tôi chứ không phải tôi chọn âm nhạc.

Dốc sức chiêu mộ nhân tài về SSO

- Anh và nhạc trưởng Olivier là hai người duy nhất trong Ban điều hành của Dàn nhạc nắm được chuyên môn. Vậy các thành viên còn lại của SSO có vai trò như thế nào với các quyết định tuyển chọn, trả lương cho các nghệ sỹ của dàn nhạc SSO sau này?

Những người sáng lập ra SSO đều là những doanh nhân am hiểu và yêu thích âm nhạc cổ điển. Chúng tôi làm việc như một ekip thống nhất, mặc dù mỗi người có một phần trách nhiệm riêng. Với mỗi bước đi, đặc biệt là trong giai đoạn khởi tạo này, Ban điều hành luôn làm việc chung để cùng đưa ra những ý kiến thống nhất, từ đó sẽ dễ dàng để quyết định hơn.

{keywords} 

Về chuyên môn đầu vào, để khách quan nhất, chúng tôi đang mời 5 nghệ sỹ tên tuổi của một số dàn nhạc trên thế giới đến Việt Nam để chiêu mộ nhân tài về với SSO. Hoạt động tuyển chọn này sẽ được diễn ra hoàn toàn chỉ dựa trên tiêu chí chuyên môn. Rất may mắn là đến giờ này, nhiều nghệ sỹ đã thành danh của Việt Nam và quốc tế vẫn vui vẻ nộp hồ sơ dự tuyển một cách công bằng nhất.

- Sau khi biết tin Sun Symphony Orchestra ra đời, nhiều nghệ sĩ vui mừng, nhưng cũng có không ít người chia sẻ rằng họ chưa có cơ sở nào để tin SSO sẽ cho họ được sống trọn với nghề, bởi kinh phí để duy trì hoạt động của một dàn nhạc giao hưởng vô cùng lớn. Vậy, anh lấy gì để đảm bảo rằng Sun Symphony Orchestra sẽ đem đến một tương lai ổn định cho các nghệ sỹ?

Mặc dù đã chia sẻ tại Lễ ra mắt Hội đồng điều hành SSO, xin thay mặt các nhà sáng lập ra SSO, tôi mong muốn được khẳng định lại lần nữa: Chúng tôi đã rất may mắn khi có một nhà đồng hành, bảo trợ là Tập đoàn Sun Group; và sự cam kết của Sun Group, của các nhà sáng lập với SSO là dài hạn, tối thiểu trong 10 năm tới.

Ngay lúc này, trên website sunsymphony.vn của chúng tôi đã đề cập rất rõ về quyền lợi tối thiểu cho các nhạc công nếu được lựa chọn cho dàn nhạc, đây là những quyền lợi mà ngày xưa chúng tôi thậm chí còn không dám mơ đến. Điều này là những minh chứng vững chắc cho sự cam kết về tương lai ổn định để các nghệ sỹ có thể yên tâm tập luyện, đầu tư cho nghề một cách tốt nhất.

Kỳ vọng vào sự ‘nở hoa’ của nhạc cổ điển

- Với Sun Symphony Orchestra, anh có kỳ vọng gì vào sự “nở hoa” của âm nhạc cổ điển trong tương lai?

Cùng với những dàn nhạc tên tuổi đang hoạt động tại Việt Nam, Sun Symphony Orchestra hy vọng sẽ đem lại sự đa dạng về các chương trình biểu diễn cho người nghe nhạc cổ điển nói riêng và khán giả yêu nhạc nói chung.

Khi các nghệ sỹ cổ điển có nhiều đất diễn hơn, có cơ hội được tập trung chuyên môn hơn thì chất lượng âm nhạc sẽ tốt hơn, từ đó tạo ra sự tương quan tỷ lệ thuận để các nghệ sỹ cổ điển thế hệ trẻ sẽ đắm đuối với nghề và chắc chắn sẽ tạo ra những ngôi sao cho nền âm nhạc cổ điển Việt Nam.

- Liệu có khi nào khán giả sẽ được nhìn thấy Anh Tuấn là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời không?

Không ai cấm chúng ta được mơ ước. Việc được tham gia trong Hội đồng điều hành SSO đã là một cơ hội quan trọng để ước mơ xưa của tôi thành hiện thực. Sau những khó khăn đang ở phía trước trong giai đoạn hình thành của SSO, tôi sẽ lại cho mình quyền được mơ những giấc mơ tiếp của cuộc đời.

- Xin cảm ơn anh!

Doãn Phong