- Xung quanh những quan điểm trái chiều về bolero thời gian gần đây của ca sỹ Tùng Dương, nhiều nghệ sĩ đã chính thức lên tiếng.

Ca sỹ Tùng Dương trong một bài phỏng vấn đã nêu rõ quan điểm của mình về bolero. Theo đó, anh bày tỏ cái nhìn không mấy lạc quan khi cho rằng Bolero chỉ có giá trị về mặt hoài niệm và nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc. 

Nhận xét này của anh ngay sau đó đã nhanh chóng vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng.

{keywords}
Ca sỹ Tùng Dương, nhạc sỹ Quốc Trung và Lê Minh Sơn.

Thực tế Tùng Dương không phải là nghệ sĩ đầu tiên thẳng thắn phê bình về hiện tượng bolero. Trước đó, nhạc sĩ Quốc Trung hay Lê Minh Sơn cũng gây ra không ít tranh cãi khi đưa ra nhận định thanh niên đắm đuối với những ca khúc ủy mị, sướt mướt là không được bình thường.  

{keywords}
Nhạc sỹ Tuấn Khanh.

Trao đổi với báo VietNamNet về phát biểu gây nhiều tranh cãi này, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết đây chỉ là quan điểm cá nhân của mỗi người nên không thể đánh giá đúng hay sai. Tuy nhiên, Tuấn Khanh đặc biệt nhấn mạnh: "Âm nhạc không có tội, nó hoàn toàn không đáng để đem ra mổ xẻ như độc dược. Ngày nào công chúng còn công nhận thì nó vẫn còn tồn tại. Nếu hơn 60% những người nghe nhạc trên đất nước này vẫn đang chấp nhận bolero, thì ý kiến trái chiều của Tùng Dương, Quốc Trung hay Lê Minh Sơn chỉ là một góc của sự khác biệt mà thôi".  

{keywords}
Nữ Danh ca Phương Dung.

Danh ca Phương Dung - người thành danh với dòng nhạc Bolero suốt mấy chục năm qua cũng bày tỏ quan điểm: "Thẳng thắn mà nói, tôi không đồng ý trước ý kiến này và cũng không hiểu sao họ lại có suy nghĩ như vậy. Định nghĩa như vậy là thiển cận và cho thấy họ chưa hiểu nhiều về Bolero. Không có dòng nhạc nào thua hay kém, lỗi thời hay lạc hậu, hơn hay kém nhau ở chỗ người sáng tác và trình diễn có biết chạm được đến trái tim khán giả không mà thôi". 

{keywords}
Nhạc sĩ Giao Tiên.

Bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1965, Giao Tiên là một trong những nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng của miền nam Việt Nam. Với gia tài âm nhạc gần 800 bài hát, ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng đã ghi đậm dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ công chúng như: Cô thắm về làng, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Nhớ người yêu, Tình đẹp mùa chôm chôm…

Nhạc sĩ gạo cội tỏ ra bức xúc: "Các vị cứ hô hào hát nhạc sang mới là đẳng cấp, còn chúng tôi là dòng nhạc ướt át, quê mùa. Nhưng thử nhìn vào thực tế khán giả xem họ phản ứng thế nào? Chúng tôi khi sáng tác cũng như các vị, đều mong muốn đứa con của mình được đón nhận. Mỗi nghệ sĩ khi làm nghề đều có hướng đi riêng, xin đừng phán xét khi mình chưa nắm rõ dòng nhạc này". 

{keywords}
Danh ca Giao Linh.

Danh ca Giao Linh khi được hỏi cũng đã thẳng thắn nêu quan điểm. Theo bà, không có khái niệm nhạc sến hay nhạc sang, miễn nó đi sâu vào lòng khán giả thì với bản thân người sáng tác và thể hiện đã là một việc ý nghĩa.

Trước những phát ngôn của gây tranh cãi về bolero thời gian qua, 'Nữ hoàng sầu muộn' xin phép không bình luận vì quan điểm của mỗi người chắc chắn sẽ không giống nhau do có sự khác biệt về văn hóa, vùng miền...

"Nhiều người hay nói tôi hay các ca sĩ khác hát bolero là tụt hậu, lỗi thời nhưng miễn sao cái tụt hậu của mình làm người ta yêu thích thì tôi vẫn vui vẻ chấp nhận", Giao Linh nói.

Trước nhiều quan điểm khác nhau từ những người trong cuộc, nhiều khán giả yêu mến dòng nhạc này cũng bày tỏ suy nghĩ của mình. Trong đó phần đông ý kiến đều đồng tình ủng hộ trong việc phát triển Bolero cũng như đưa dòng nhạc này trở lại thời kì hoàng kim của nó thông qua các gameshow, chương trình ca nhạc.

Độc giả Huy Do bình luận: "Một dòng nhạc trẻ hay già, sáng tạo hay không sáng tạo không phải là do một hay một vài ông /bà nhạc sĩ, ca sỹ hay người nổi tiếng phán. Cái trẻ hay già, sáng tạo hay không sáng tạo, bình dân hay đẳng cấp đó phải được công chúng đánh giá. Không nên phân biệt, kỳ thị và có quan niệm dòng nhạc đẳng cấp hay không". 

Bên cạnh đó, vẫn có số ít người tỏ ra đồng tình với quan điểm của ca sỹ Tùng Dương. Họ cũng cho rằng sự lên ngôi của bolero hiện nay tại thị trường âm nhạc chỉ là trào lưu và bản thân những người trẻ đi theo dòng nhạc này phần nhiều là bởi mục đích kiếm tiền chứ chưa hẳn vì đam mê hay yêu thích thật sự.

"Thật khó có thể tin rằng một ca sĩ hát nhạc trẻ, khởi nghiệp bằng niềm đam mê nhạc trẻ lại có thể nhanh chóng thay đổi phong cách âm nhạc của mình. Nếu không vì chạy theo trào lưu để kiếm tiền thì tôi không nghĩ được lý do nào nữa", chia sẻ của thành viên Văn Đức.

Tuấn Chiêu