Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng hiện nay có không ít sản phẩm âm nhạc dị thường về hình thức, lẫn lộn về khái niệm bản sắc dân tộc nhưng vẫn có hiệu ứng.


Ngày 31/10, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay”.

Chương trình có sự tham gia của ông Vương Duy Biên - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn, lãnh đạo Hội nhạc sĩ Việt Nam cùng nhiều chuyên gia âm nhạc, nghệ sĩ biểu diễn.

'Có những sáng tác không có chất lượng nghệ thuật'

Hội thảo đã bàn đến nhiều vấn đề âm nhạc được dư luận quan tâm như việc cấp phép các ca khúc trước năm 1975, sự bùng nổ nhạc bolero và đặc biệt là việc xuất hiện ngày càng nhiều ca khúc có ca từ nhảm nhí.

Trong bài phát biểu để dẫn hội thảo, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết thị trường âm nhạc hiện nay bên cạnh tác phẩm tốt thì cũng có những tác phẩm được sáng tác, phổ biến ra công chúng nhưng không chất lượng nghệ thuật, nội dung ca từ nhảm nhí.

Ví dụ được ông Lê Minh Tuấn kể tên là clip bài hát có tên gọi Phiếu bé ngoan, Tan ka ka, Give it to me, Em không hối tiếc hay gần nhất là ca khúc Như cái lò - một sáng tác của Khắc Hưng.

"Sản phẩm như vậy không phù hợp với giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội, phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá dân tộc", Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhấn mạnh.

{keywords}
Nhà quản lý văn hóa nêu thực trạng ngày càng có nhiều ca khúc có ca từ nhảm nhí.

Ngoài vấn đề về sự gia tăng những ca khúc nhảm nhí, hội thảo còn nêu thực trang về việc có không ít sản phẩm dị thường về hình thức, vay mượn về ý tưởng, nhàn nhạt về tính cách âm nhạc, lẫn lộn về khái niệm bản sắc dân tộc nhưng vẫn có hiệu ứng mạnh trên mạng xã hội.

'Lạc trôi' là gì khi nhìn từ khía cạnh nghệ thuật?

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam lấy ví dụ dẫn chứng là ca khúc Lạc trôi của Sơn Tùng, người được Làn sóng xanh trao giải “ca sĩ được yêu thích nhất trong năm 2017”.

"Ca khúc này có tới trên 131 triệu lượt nghe trên ZingMP3. Còn trên YouTube MV Lạc trôi có hơn 100 triệu view sau 2 tháng xuất hiện, tính đến nay sau 10 tháng đạt gần 160 triệu view với số like gấp 5 lần dislike. Không một tác phẩm chính thống nào, không một nghệ sĩ chuyên nghiệp nào dám mơ tới con số đó.

Lạc trôi có tên trong danh sách MV được xem nhiều nhất châu Á. Từ 'lạc trôi' có mặt trên wikipedia Việt Nam, thậm chí còn trở thành cụm từ hot được cộng đồng mạng rất ưa xài. Lạc trôi trôi lạc cả vào chương trình văn nghệ học đường, các học sinh tuổi teen cũng 'bâng khuâng ta lạc trôi giữa đời, ta lạc trôi giữa trời'. Thực chất, Lạc trôi là gì nhìn từ khía cạnh nghệ thuật?", nhà phê bình đặt câu hỏi.

{keywords}
'Lạc trôi' của Sơn Tùng bị giới chuyên môn đánh giá là 'câu khách'

Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu, với chất lượng cao về kỹ thuật hình ảnh và âm thanh, Lạc trôi câu khách bằng việc dàn dựng theo kiểu phim kiếm hiệp Trung Hoa. Dù tác giả khẳng định đây là sản phẩm “đậm chất Việt”, nhưng vẫn có gì đó na ná MV ngoại quốc.

"Tác giả muốn gây ấn tượng về sự kết hợp cổ kim bằng hình thức bề ngoài pha trộn cổ trang với thời trang: ca sĩ để mái tóc dài màu khói dị thường, mang trang phục công tử thời xa xưa nhưng lại cố tình lấp ló áo len cổ lọ và giày sneaker thời thượng. Âm nhạc đương nhiên thuần túy tính giải trí", nhà phê bình nhấn mạnh.

Phân tích ca khúc Lạc trôi, phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam cho rằng phần đệm sử dụng âm sắc nhạc cụ dân tộc kết hợp âm thanh điện tử future bass - một phong cách hòa âm được coi là thời thượng của 2017.

"Giai điệu pha chút ngũ cung nhưng gần âm điệu Trung Quốc hơn Việt Nam, kết hợp thêm vài câu vocal và mấy câu rap. Lời ca gợi lại không gian 'hồn bướm mơ tiên' của Tự lực văn đoàn với những mộng mị, phôi phai, sầu bi, biệt ly, trống vắng, sầu tương tư…

Nhưng phần nhạc không gây cảm giác não nề sướt mướt mà nhẹ bỗng, lành lạnh, bàng bạc, không rõ tính cách, đúng như dáng vẻ trung tính và giọng hát mai mái của ca sĩ", bà Nguyễn Thị Minh Châu bóc tách ca khúc của Sơn Tùng.

Không đánh giá cao những ca khúc "dị thường về hình thức, vay mượn về ý tưởng" nhưng theo bà Nguyễn Thị Minh Châu thì không cần bài bác cực đoan.

Theo nhà phê bình, âm nhạc kể cả chính thống cũng như giải trí mà không có giá trị đích thực thì trước sau gì cũng bị đào thải.

"Thay vì chỉ trích dòng nhạc này, chê bôi ca khúc nọ, tốt hơn hết là tìm mọi cách làm ra những món ăn tinh thần ngon lành hấp dẫn cho người hưởng thụ.

Cách loại trừ hữu hiệu những sản phẩm và xu hướng 'có vấn đề' vẫn là đầu tư thích đáng, khích lệ kịp thời những người sáng tạo để những tác phẩm giá trị và những chương trình thực sự hay có điều kiện đi vào đời sống xã hội", Phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Zing