- Thông tin ca khúc bất hủ về người lính, được nhiều thế hệ khán giả yêu thích “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến có tên trong danh sách 345 bài hát không được phép lưu hành và phổ biến khiến vợ nhạc sĩ Thuận Yến và ca sĩ Thanh Lam không khỏi bất ngờ.

Diễn biến mới quanh vụ cấm bài hát 'Màu hoa đỏ'

Thanh Lam viết trên trang cá nhân: ''Ba ơi. Con không nghĩ đến một ngày mọi người lại phải mất thời gian tranh cãi về việc ba có được giải thưởng của Bác Hồ hay không. Ba đã yên nghỉ rồi tên tuổi ba lại bị nâng lên, đặt xuống, con đau lòng lắm nhưng cũng chỉ dám lặng lẽ chờ mong phản ứng của những người biết nghĩ.....

Mẹ, con và em cũng không muốn vì chuyện gia đình mình mà làm nặng lòng xã hội, cộng đồng nên tin vào lẽ phải trước sau gì cũng được công nhận và tôn vinh!

Con bao dự án âm nhạc và cuộc sống bộn bề nhưng vẫn tranh thủ đi thu một album tặng ba và các bậc tiền bối, đang háo hức hoàn thiện thì gặp lại "Màu hoa đỏ" của ba...''.

Cũng trong chia sẻ của mình, diva Thanh Lam bày tỏ tiếc nuối khi sự việc lần này lại liên quan đến dừng, cấm, liên quan đến văn hoá. "Con biết như lúc còn sống, ba sẽ cười điềm nhiên rồi nói "sai nhiều, đúng được bao nhiêu" để bỏ qua cho mọi sự vô minh.... Con cũng đồng ý với ba!'', Thanh Lam viết. 

Thanh Lam bảo mỗi bài ca cách mạng ở hoàn cảnh này như một nén nhang, thắp lên rồi sao lại dựt xuống? Những giá trị đã trở thành di sản sao nỡ tàn bạo đập đi?..

''Cả cộng đồng lên tiếng ba ạ, mỗi người một góc nhìn, chỉ trích, hoang mang.. Con biết thời gian rồi sẽ xoá nhoà tất cả, mọi lỗi lầm rồi sẽ qua đi, chuyện hôm nay sẽ là truyện kể của ngày mai, nhưng là phụ nữ con thấy đau ba ạ. Phải chăng mọi giá trị đều thật mong manh?'' - những chia sẻ rút ruột của Thanh Lam.

Trước đó trao đổi với VOV, nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương, vợ của cố nhạc sĩ Thuận Yến cho biết, bà rất bất ngờ và khó hiểu khi ca khúc “Màu hoa đỏ” bị cấm ở Tiền Giang. 

Theo nghệ sĩ Thanh Hương, bà chưa từng biết đến phiên bản “Màu hoa đỏ” của Karaoke nên không biết hình ảnh minh họa trong bài hát đó như thế nào?...

{keywords}
Nhạc sĩ Thuận Yến và vợ.

“Tôi chỉ biết rằng bài hát “Màu hoa đỏ” đã được nhiều thế hệ khán giả Việt Nam yêu mến. Ca khúc thường được biểu diễn trong dịp 27/7 hàng năm. Ca khúc được ra đời trong khoảng thời gian chiến tranh Biên giới phía Bắc cùng dịp với các bài như “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Con gái mẹ đã thành chiến sĩ”. Tuy nhiên, từ những năm 1963 – 1964, ông ấy đã ấp ủ và tha thiết viết được một bài hát nói về chiến tranh và người mẹ một cách sâu sắc mà chưa tìm được tứ. Cho đến lúc nhạc sĩ Thuận Yến bắt gặp bài thơ của tác giả Nguyễn Đức Mậu. Hình ảnh màu hoa đỏ đã gợi nguồn cảm hứng cho ông viết nên ca khúc này”.

“Sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Thuận Yến muốn hồi tưởng lại những năm tháng với nhiều kỷ niệm về một thời bom đạn ngoài trận mạc, để trả món nợ tinh thần với những người đồng đội đã hy sinh và chính tay ông chôn cất nhưng sau này vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Sau khi hoàn thành ca khúc này, nhạc sĩ Thuận Yến đã bàn với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lấy tên là “Màu hoa đỏ” vì những năm tháng chiến tranh, suốt dọc đường hành quân là màu rực đỏ của hoa chuối rừng, gợi không khí hào hùng chiến thắng”, Nghệ sĩ Thanh Hương chia sẻ.

Vợ của cố nhạc sĩ Thuận Yến cho biết thêm, bà mong muốn nhận được những thông tin sớm nhất lý giải vì sao ca khúc “Màu hoa đỏ” lại bị cấm.

Bài hát "Màu hoa đỏ" đã từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện như: Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương… Tuy nhiên, ca sĩ Thanh Lam, con gái nhạc sĩ Thuận Yến vẫn được cho là người thể hiện thành công nhất.

Ánh Ngọc