- Trong giờ phút tiễn đưa ông, một nhạc sỹ lớn, một nhà văn hóa của đất nước, tôi trân trọng tưởng nhớ những gì ông đã gắn bó, đã truyền cảm hứng cho VietNamNet và cá nhân tôi.
Thế là nhạc sĩ Hoàng Vân, một nhạc sĩ lớn, một nhà văn hoá của đất nước đã chia tay cõi đời. Đã có rất nhiều bài viết ca ngơi sự nghiệp và cống hiến của ông. Trong giờ phút tiễn đưa ông, tôi tưởng nhớ những gì ông đã gắn bó, đã truyền cảm hứng cho VietNamNet và cá nhân tôi.
Anh Nguyễn Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh với gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân và BTC chương trình Hòa nhạc Điều còn mãi. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Một ngày trong năm 2001 được ông nhận lời, tôi đến thăm ông tại 14, Hàng Thùng, Hà Nội. Kể từ đó, tôi đã gắn bó với ông suốt 17 năm cho đến tận bây giờ. Trong hơn 13 năm làm Tổng biên tập VietNamNet, được gặp và bàn luận về âm nhạc, về văn hoá và xã hội với nhạc sĩ Hoàng Vân là một niềm vui của tôi.
Ông yêu đời và đóng góp cho đời theo cách của mình. Tình yêu ấy trong ông được dồn nén và chắt lọc biến thành những bài hát với những giai điệu đẹp đẽ, ca từ đầy chất thơ, ca ngợi con người, ca ngợi đất nước, thấm đẫm tình yêu cuộc sống. Ông có những bản nhạc, bài hát về nhiều sự kiện lịch sử lớn của đất nước. Với chiến thắng Điện Biên ông có Hò kéo pháo và Giao hưởng và hợp xướng Điện biên.
Với Mậu Thân 1968 ông có Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng. Bài ca thường xuyên phát trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam khi đó. Sau năm 1975, ông dành nhiều tâm huyết sáng tác những bài hát dựng xây đất nước như Bài ca xây dựng, Hát về cây lúa hôm nay, Tình ca Tây nguyên, Buổi sáng trên cao nguyên, Tình yêu Hà Nội...
Ngay cả với những đề tài tưởng như rất "khô" như giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp... ông cũng có những bài hát hay, nghiễm nhiên được xem như ca khúc của ngành. Đó là Bài ca giao thông vận tải, Bài ca xây dựng, Thành phố chúng ta, nhà máy chúng ta, Hát về cây lúa hôm nay, Tình yêu của đất và nước, Tôi là người thợ lò...
Nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Âm nhạc của Hoàng Vân có sức cuốn hút và lay động mạnh mẽ lòng người, luôn đậm đà âm hưởng dân ca sâu lắng, thân thương với tâm hồn người Việt. Không dễ gọi tên một làn điệu dân ca cụ thể nào được tái tạo trong những ca khúc của ông, nhưng hơi hướng dân ca luôn là âm hưởng chủ đạo. Ông đã chưng cất một cách tinh tế những sắc thái đẹp đẽ nhất của dân ca, để tạo ra nét riêng- phong cách âm nhạc Hoàng Vân.
Với ông, tác phẩm âm nhạc là tâm hồn, là biên niên sử của dân tộc ghi lại bằng âm thanh. Những ca khúc ông sáng tác trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai, ý chí xả thân, tự tin đối mặt với những thế lực cường bạo nhất thế giới lúc ấy để chiến đấu và chiến thắng. Động viên tinh thần con người đứng lên chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhưng không hề kích động chiến tranh. Vì vậy, thế hệ trẻ ngày nay, vẫn xúc động sâu sắc khi hát lên những giai điệu đó, để thêm lạc quan, vững tin vào dân tộc và bản thân mình, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, thách thức. Như thế hệ cha anh đi trước.
Viết về những sự kiện lịch sử trong chiến tranh, ông ý thức sâu sắc rằng, đây không phải là chỗ đề cập đến thắng thua, mà phải rút ra những bài học, phải tìm thấy những động lực lớn lao ngày hôm qua đã đoàn kết hàng triệu người, động viên được ý chí của họ. Để phát huy được động lực đó, hướng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không kém phần khó khăn hôm nay.
Những kỷ niệm thân thương với Hoàng Vân và ca khúc của ông vẫn luôn luôn sống động trong ký ức của tôi. Một lần được cùng ông nghe Vũ Dậu và Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam hát bài Hai chị em, Thanh Huyền hát bài Hà Nội Huế Sài Gòn, tôi thấy ông lặng đi, như đắm chìm vào một cõi nào đó. Hồi lâu, ông nhẹ nhàng nói: "Xúc động lắm Tuấn ạ, khi nghe những bài hát này, hát về sức mạnh của dân tộc ta trong những ngày gian nan ấy, hai miền Nam Bắc, gắn bó vì nhau, tình sâu nghĩa nặng, không phân biệt vùng miền, địa phương. Càng thấy hôm nay phải nêu cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết Bắc Trung Nam, đoàn kết trong nước và ngoài nước.
Chia sẻ xúc cảm với ông, chính trong lúc đó, trong tôi nẩy sinh ý tưởng tổ chức Giải thưởng Vinh Danh Nước Việt. Sau này, nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai ông, người cũng rất gắn bó với VietNamNet qua Hoà nhạc quốc gia Điều Còn Mãi, đã được nhận giải thưởng Vinh Danh Nước Việt. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã đến Văn Miếu Quốc Tử Giám nhận thay con trai vắng mặt do công tác ở nước ngoài.
Cũng vì coi âm nhạc là những biên niên sử bằng âm thanh mà đúng vào ngày 17/2/2009, tròn 30 năm quân Trung Quốc xâm lược tấn công sáu tỉnh biên giới phía bắc năm 1979, tôi chỉ đạo VietNamNet đưa bài giới thiệu những bài hát về cuộc Chiến tranh anh hùng bảo vệ biên giới phía Bắc của đồng bào và chiến sĩ ta. Ngày 10/6/2005, VietNamNet đã tổ chức buổi Hoà nhạc Hoàng Vân tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lần đầu giới thiệu Giao hưởng và hợp xướng Điện Biên của Hoàng Vân, do chính Lê Phi Phi chỉ huy dàn nhạc. Hoàng Vân nói rằng đêm hoà nhạc làm ông vô cùng xúc động.
Ngày Xuân năm 2002, ông và tôi đi Bắc Ninh nghe hát quan họ ở làng Y Na, ông bảo: "Thật vui quá mà cũng là duyên, Tuấn ơi! Yna cũng là bút danh một thời của tôi đấy! Dịp đó cũng là ngày dịp kỷ niệm thành lập Đảng, VietNamNet giới thiệu bài hát ca ngợi Đảng của ông, bài Người chiến sĩ ấy. Tôi hỏi ông: Bác thích bản thu nào nhất của bài hát này? Ông đáp ngay: "Tôi thích nhất bản thu của Đài tiếng nói Việt Nam do Trần Khánh hát. Khánh có giọng cao, khỏe chất thép. Hơn nữa, Khánh hát đúng lời bản gốc, trong đó có câu “có Đảng ta Đảng Lao Động Việt Nam, có Bác Hồ, cùng muôn triệu người con suốt đời tận trung với nước với dân". Bài hát ra đời vào những năm tháng Đảng mang tên Đảng Lao động Việt Nam.
Nghe ca khúc "Người chiến sĩ ấy" do ca sĩ Trần Khánh thể hiện.
Cũng trong lần đi nghe quan họ đó, ông khuyên tôi học đàn. Ông thuyết phục tôi về ích lợi của việc học đàn, rồi sau đó ông đích thân tìm và giới thiệu nhạc sĩ Vĩnh Thưởng dạy piano cho tôi. Từ đó tôi có điều kiện tìm hiểu kỹ, có hệ thống hơn về âm nhạc cổ điển. Tôi tìm thấy ở nhạc sĩ Vĩnh Thưởng cùng với nhạc sĩ Hoàng Vân, những người thày âm nhạc rất gần gũi, đồng điệu. Với tình yêu âm nhạc cổ điển tôi có điều kiện tiếp cận với giới nghệ sĩ tinh hoa ở Boston.
Học tập và tiếp thu tư tưởng hòa giải Võ Văn Kiệt, đồng cảm với cũng những suy nghĩ Hoàng Vân về âm nhạc nhân ái, bao dung, tôi nẩy sinh ý tưởng tổ chức hoà nhạc Hoà giải và Yêu thương ở Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 22/4/2010, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất đất nước, do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn với sự chỉ huy của nhạc trưởng Charles Ansbacher.
Hoàng Vân đã góp nhiều ý kiến quý báu cho Hoà nhạc Điều còn mãi vào ngày quốc khánh hàng năm, từ tư tưởng chủ đạo đến việc lựa chọn, sắp xếp chương trình. Ông dành nhiều tình cảm và tâm sức cho Hoà nhạc Điều còn mãi, từ lần đầu tiên năm 2009 cho đến hôm nay, nhất là từ năm 2010, khi Lê Phi Phi đảm nhận trọng trách chỉ huy dàn nhạc.
Những năm 2015, 2016 nhạc sĩ Hoàng Vân đã yếu nhiều, đến thăm ông lúc ở bệnh viện hay tại nhà riêng, chúng tôi vẫn được ông nhắn nhủ: Trong thời đại dựng xây đất nước Hoà nhạc Điều còn mãi nên có nhiều tác phẩm về đề tài xây dựng đất nước, thắp lên khát vọng chấn hưng, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, các nước văn minh, gìn giữ tình yêu tổ quốc trong lòng mỗi người Việt Nam.
Năm 2010, khi kỷ niệm 1000 năm Thăng long Hà Nội, là người Hà Nội gốc,với phong cách và nhân cách thanh lịch của người Tràng An, ông cho rằng nếu khôi phục được văn hoá, phong cách thanh lịch của người Hà Nội gốc từ xưa thì đó là cách kỷ niệm sâu sắc nhất thay vì các lễ hội tốn kèm và hình thức. Từ đó, VietNamNet có bài viết kêu gọi khôi phục lại phong cách văn minh, thanh lịch của người Hà Nội gốc để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Nghĩ về Hà Nội , tôi nghĩ đến những người Hà Nội tiêu biểu như nhà văn hoá Việt Phương, nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Vĩnh Thưởng, cũng từ quý mến phong cách thanh lịch của người Hà Nội xưa đó mà khi đội U23 Việt Nam giành thắng lợi lịch sử ở giải vô địch U23 châu Á, chúng ta nêu ý tưởng về một cuộc vận động xây dựng Việt Nam trở thành nước văn minh, người Việt Nam là những người văn minh tiên tiến.
Bác Hoàng Vân quý mến, lần gặp bác hè 2016, là lần cuối hai bác cháu hàn huyên, cháu kể với bác về những bài hát của bác vẫn đi cùng cháu trong những ngày ở Boston, trên những con đường, những sự kiện ở Harvard, như Hát về cây lúa hôm nay, Hò kéo pháo, Việt Nam muôn năm, Bài ca giao thông vận tải. Những khi hưng phấn, bên tai cháu lại vang lên câu hát “đường lớn đã mở đi tới tương lai, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.
Bác đã đi xa, sau một chặng đường dài cống hiến to lớn cho âm nhạc, cho tâm hồn người Việt. Bác đã có một cuộc đời hạnh phúc của sáng tạo của dâng hiến, mang niềm vui tinh thần đến đồng bào mình, được mọi người yêu mến, quý trọng. Tolstoy, một nhà văn lớn, nhà tư tưởng lớn chỉ với một nấm mộ nhỏ mà cả nhân loại nhớ và kính trọng mãi. Bác ra đi thanh thản, bác không quan tâm ngôi mộ lớn hay nhỏ, bác an lạc ở cõi vĩnh hằng, bác nhé!
Nguyễn Anh Tuấn
Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo (Mỹ)
Nguyên Tổng Biên Tập VietNamNet