Để rộng đường dư luận cho diễn đàn về sự trở lại của trào lưu Bolero, VietNamNet và nhạc sĩ Quốc Bảo đã có buổi trao đổi thú vị về vấn đề này.
Bài 1: Chê Bolero là sến sẩm, lạc hậu mà sao vẫn nghe?
Khi Bolero bùng nổ trong giới giải trí, nhiều nhạc sĩ bày tỏ thái độ trái chiều đối với dòng nhạc này. Vậy một nhạc sĩ giàu bản sắc và có vị trí như Quốc Bảo hẳn cũng có nhiều tâm tư trước "trào lưu Bolero"?
- Tôi được “nuôi” bằng nhạc Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến và The Beatles nhưng “vào đời” bằng bolero. Chuyện như sau, quãng năm 1991 là lúc tôi về phụ việc phòng thu cho cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, một vị khách hàng đến gặp anh Cầu làm một băng cassette “nhạc sến” (nguyên văn lời của vị khách hàng – PV), và anh Cầu từ chối nên đẩy sang tôi. Vì đó là đơn hàng đầu tiên mình nhận, nên tôi nôn nao lắm.
Trước mắt không dùng studio anh Cầu được rồi, phải thuê studio khác, tôi chọn Kim Lợi bấy giờ mới mở còn chưa hoạt động chính thức. Rồi biên tập bài, chọn ca sĩ, gọi ban nhạc. Rồi đóng cửa nằm nhà nghiên cứu viết bài phối. Băng nhạc có tên Hoa Kỷ Niệm đó sau được Vafaco phát hành, bán rất chạy, lối hòa âm của tôi tuy còn thô sơ nhưng lại tương đối lạ so với cách phối bolero phổ biến, nên gây phản ứng trái chiều: cả ca sĩ lẫn người nghe đều chia ra hai phe, phe khen và phe chê.
Tôi tiếp xúc với giới chuyên hát bolero như chị Trang Mỹ Dung, chị Bảo Yến, anh Giang Tử trong thời gian ấy. Khi bolero bỗng dưng sốt vài năm trở lại đây, tôi thấy bình thường. Việc một dòng nhạc, một thị hiếu lên hay xuống là tự nhiên, đâu có gì lạ.
Theo anh vì sao Bolero lại bùng nổ mạnh mẽ trong 3 - 4 năm trở lại đây như vậy, nhất là năm 2017?
- Dòng chảy nhạc Việt tuy có những đặc thù, vẫn cùng một luồng với dòng chảy nhạc thế giới. Trên thế giới, trào lưu gameshow gây sốt thì Việt Nam cũng sốt. Thế giới lúng túng, bí bách thì Việt Nam cũng bí bách. Thay vì tìm một con đường độc đáo để giải tỏa ức chế, ví dụ chơi nhạc fusion (pha trộn nhiều dòng trên cơ sở nhạc jazz) hay rock điên loạn (chúng ta không đủ sức khỏe), thì bolero là một cách giải tỏa hữu hiệu. Vừa có sức lan tỏa lớn, vừa được tiếng thơm “giữ gìn bản sắc”. Thêm vào đó, rõ ràng là bolero hấp dẫn không chỉ công chúng miền Nam, cái nôi xưa của bolero Việt, mà khán thính giả miền Bắc cũng mê. Vậy thì bolero lên ngôi quá đúng rồi.
Tôi biết có hẳn một lớp khán giả "chê sến tìm sang" trong Boléro. Họ chê những ca sĩ hải ngoại hát Boléro sến và thường tìm nghe một số giọng hát đương đại hát Boléro vì nghe "sang" hơn. Anh có đồng tình? Theo anh có hay không tính "sến/sang" của một dòng nhạc?
- Ở câu 1, tôi có đề cập đến cụm từ “nhạc sến”. Những người sản xuất bolero không mặc cảm khi tự gọi mình là dân sến. Ý kiến riêng của tôi là tất nhiên vẫn phân biệt được thế nào là sến (không sến chưa chắc đã “sang”, và tôi còn ghét chữ “sang” làm dáng kia hơn): sến tức là đánh vào cảm xúc bản năng, rơi lệ sướt mướt, kể tuồng kể tích dài dòng văn tự, triết lý vụn.
Ơ nhưng nếu theo định nghĩa của tôi thì bolero đâu có sến. Chỉ có cách hát bolero theo kiểu các bạn hay hát karaoke cố tình uốn éo vặn vẹo, ngân luyến ư ử và phát âm ngọng nghịu thì mới sến. Giờ đừng nói chuyện sến/sang, tôi đưa ra ngay hai giọng hát bolero mà tôi yêu mến: cố ca sĩ Duy Quang và Lệ Quyên. Và đây là lựa chọn của riêng tôi.
Nhạc sĩ Quốc Bảo |
Sự bùng nổ của Bolero mang đến tác động tích cực gì và mặt trái như thế nào?
- À tôi có nghe nhiều người hỏi câu này, liệu có đáng quan ngại không.... rồi mai đây nhạc Việt sẽ ra sao. Gì mà nghiêm trọng vậy? Sốt bolero cùng lắm cũng như sốt trà sữa, ít di chứng hơn là cúm gà hay sốt siêu vi chứ. Chẳng có gì tích cực và cũng không tiêu cực. Một hiện tượng thị hiếu bình thường.
Nghịch lý là càng nhiều người hát Bolero thì dòng nhạc này ngày càng nhàm chán, nhạt nhẽo và vô hồn. Theo anh là vì sao? Nếu học trò anh xin thầy hát Bolero để dễ kiếm show, anh sẽ trả lời như thế nào?
- Câu này thì bạn nói đúng. Vì sao nhàm, vì sao nhạt? Vì những người hát, người chơi bolero không hề được học về bản chất bolero, các yếu tính nghệ thuật và cấu trúc nhạc thể bolero trong âm nhạc Tây Ban Nha và Cuba, cũng hoàn toàn không biết đến tiến trình Việt hóa bolero hồi thập niên 50 của thế kỷ trước. Quá nhiều sự không biết thì sao mà làm hay được. Còn nếu học trò tôi xin hát bolero, tôi sẽ buộc họ phải học. Mà học lâu đấy.
Theo anh, các đài truyền hình có nên mở quá nhiều chương trình về Bolero? Nếu được mời chấm thi bolero, anh có gật đầu?
- Tôi không thích hợp với game show nên dù bolero hay gì thì cũng ít khi tôi gật đầu.
Liệu có nên cổ suý cho việc đẩy Bolero lên thành trào lưu? Nếu ai ai cũng đắm chìm trong nhạc Bolero, liệu có kéo lùi thẩm mỹ của khán giả và nhạc Việt? Người trẻ mê man những bài ca não tình, ủ ê, rền rĩ, rên siết liệu có bất thường?
- Tôi nghĩ thành trào lưu cũng tốt, nhưng để phát triển nó thành một-cái-gì, thì cần công sức đổ vào, không thể cứ ngậm miệng ăn tiền được đâu. Nếu bolero không có nền tảng kỹ thuật, nó chỉ là thứ nhạc nghiệp dư, trà dư tửu hậu ôm cây guitar lạc dây ra bùm chát bùm chát ư ử cho nhau nghe chứ không thể thành một dòng nhạc được.
Đàm VĨnh Hưng chuyển hướng ra album và thực hiện liveshow về Bolero rất thành công. |
Nếu được đề xuất, anh sẽ đề xuất gì để thụ hưởng (cả góc độ nghe và hát) Bolero đúng đắn?
- Đề xuất cho ai? Ai duyệt đề xuất của tôi? Thay vì nói, cho phép tôi dành thì giờ để làm. Tôi sẽ làm bolero cho các bạn nghe.
XIn cảm ơn anh!
Bài sau: Phát ngấy vì từ già đến trẻ đều cuồng bolero
Gia Bảo