NSND Anh Tú cho rằng, sân khấu có èo uột cũng không thể trông đợi vào khán giả hải ngoại, mọi giải pháp để vực dậy sân khấu đều phải hướng đến 90 triệu người dân trong nước.
Gặp NSND Anh Tú vào những ngày giáp Tết không phải dễ vì anh bận rộn với công việc tổng kết năm tại Nhà hát Kịch Việt Nam - nơi nghệ sĩ đang giữ cương vị Phó giám đốc. Nhưng khi biết câu chuyện mà phóng viên muốn trao đổi xoay quanh đề tài sân khấu, nam nghệ sĩ vui vẻ nhận lời ngay. Anh giải thích đó là "sở trường" lớn nhất của mình. NSND Anh Tú bắt đầu cuộc trò chuyện bằng ấm trà nóng và bày ra một đĩa kẹo vừa mua trong chuyến công tác ngắn ngày.
NSND Anh Tú hiện là Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam |
Một vở diễn hay không làm nên diện mạo sân khấu
- Kịch Tết miền Bắc thì hẩm hiu, ảm đạm, miền Nam tuy có sôi động, đa dạng hơn nhưng cũng trong tình trạng lay lắt. Anh lý giải sao về thực trạng này?
- Thực trạng đó xuất phát từ yếu tố chủ quan của sân khấu. Tôi phải nói thật rằng, nghệ thuật sân khấu nói chung đang không theo kịp đời sống của khán giả. Mặc dù vẫn có nhiều vở diễn hay, chất lượng nhưng một đạo diễn tốt, một tác phẩm xuất sắc không thể làm nên diện mạo và cũng không thể đại diện cho một nền sân khấu được.
Các chương trình game show, truyền hình thực tế được nhiều người yêu thích vì chúng bắt kịp nhu cầu của khán giả. Ngoài ra, sự èo uột của sân khấu còn xuất phát từ nguyên nhân các nhà hát và sân khấu kịch không có điều kiện đầu tư, xây dựng về cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ vì tài chính eo hẹp.
- Sân khấu miền Bắc có nhiều đoàn lưu diễn nước ngoài dịp cận Tết. Đây có phải là một hướng đi trong bối cảnh sân khấu èo uột?
- Tôi nghĩ là không. Sân khấu có khủng hoảng, èo uột, hẩm hiu thì cũng không thể trông đợi vào khán giả hải ngoại được. Những đoàn lưu diễn nước ngoài dịp cận Tết xuất phát từ nhu cầu của thị trường nước ngoài. Ở những nước có đông Việt kiều thì dịp lễ Tết, các tổ chức, cá nhân thường mới các đoàn nghệ sĩ, cả diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ múa đến để biểu diễn. Biểu diễn xong lại về nước.
Tôi quan niệm, đối tượng khán giả quyết định đến sự sống còn của sân khấu là người Việt Nam sống ở Việt Nam. Không thể "ăn xổi" bằng lưu diễn nước ngoài được. Mọi hướng đi của sân khấu đều phải hướng đến 90 triệu người dân Việt, còn việc xuất ngoại, dù nhiều dù ít cũng không thể thay đổi bộ mặt của sân khấu, cũng không thể làm cho sân khấu trở nên hung thịnh được.
- Trở về từ “cuộc Nam tiến” với “Hamlet”, anh nhận ra điều gì từ thực trạng sân khấu hai miền?
- Tôi nhận ra nhiều thứ sau khi mang Hamlet vào miền Nam. Không hẳn đó là sự học hỏi nhưng mình cũng cần phải định vị rõ ưu điểm, nhược điểm của mình để có thể phục vụ tốt nhất nhu cầu của khán giả. Trước khi mang kịch kinh điển vào Nam, tôi xác định rõ đâu là thế mạnh của sân khấu miền Bắc và khán giả trong đó cần gì ở một nhà hát ngoài này.
Không thể mang hài kịch vào trong Nam được vì trong đấy thể loại này quá mạnh, đó là còn chưa kể đến thói quen tiếp nhận của khán giả. Quan điểm của tôi là phải mang những tác phẩm có màu sắc khác hẳn, Hamlet làm được điều đó, đó là kiệt tác, vở kịch có tầm vòng. Hamlet không trùng lập với các tác phẩm sân khấu của miền Nam và do đó dễ dàng được khán giả đón nhận.
- Sân khấu miền Bắc cũng có hài kịch nhưng vẫn không thể kéo khán giả đến rạp. Anh lý giải sao về điều này?
- Hài kịch ở miền Bắc nhào đi lặn lại về mặt nội dung, khan hiếm kịch bản hay. Tôi không nói là nhạt nhưng phải nói thật là khán giả họ chán lắm rồi vì không thay đổi.
Suốt bao nhiêu năm vẫn cứ lấy tiếng cười của khán giả bằng những chất liệu như răng vẩu, nam giả nữ, bệnh trĩ,… Như vậy thì làm sao mà khán giả họ bỏ tiền mua vé cho được. Giờ hài kịch, cả miền Bắc lẫn miền Nam đều cần phải có những người tâm huyết và tài năng thực sự.
Dùng mạng xã hội để quảng bá cho kịch
- Hướng đi nào anh đang nghĩ đến cho sân khấu miền Bắc?
- Đó là xã hội hóa sân khấu. Nếu không làm được điều này thì không thể vực dậy thực trạng sân khấu được. Các sân khấu kịch miền Nam làm được điều này từ lâu lắm rồi nhưng miền Bắc vẫn chưa thực sự làm được nên sắp tới tôi đặt kế hoạch đẩy mạnh xã hội hóa ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Việc hợp tác với các doanh nghiệp để phát triển nghệ thuật sân khấu là một hướng đi khả quan và rất rộng mở.
- Nhưng hoạt động truyền thông, quảng bá phải rất tốt mới có thể xã hội hóa sân khấu. Anh có nghĩ như vậy?
- Đúng là hoạt động truyền thông của sân khấu miền Bắc quá kém nếu so với miền Nam hoặc với điện ảnh, âm nhạc. Điều này xuất phát từ cách nghĩ chưa đúng, nếu cứ nghĩ “hữu xạ tự nhiên hương” thì nghệ thuật sân khấu không thể phát triển được. Giờ bất cứ vở diễn nào cũng đều cần phải có truyền thông, quảng bá vì nếu không ai biết đến thì sẽ không ai đến rạp và vỡ diễn sẽ thất bại.
Phải thay đổi tư duy! Nhà hát Kịch Việt Nam hiện nay bắt đầu chú trọng vào hoạt động truyền thông, giao lưu với báo chí cũng rất tốt, tôi nghĩ sắp tới việc quảng bá sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn.
Hoạt động truyền thông, quảng bá phải làm từng ngày từng giờ, xây dựng dần dần thì mới có kết quả được. Ngay như việc chia sẻ các vỡ diễn, hình ảnh trên facebook cũng là một cách để quảng bá cho kịch. Nhiều nghệ sĩ có lượng người theo dõi, tương tác rất lớn trên mạng xã hội thì chắc chắn đây sẽ là một kênh rất hữu hiệu trong hoạt động truyền thông cho kịch.
- Điều anh trăn trở nhất đối với nghệ thuật sân khấu hiện nay là gì?
- Đó là làm sao để kéo khán giả đến rạp xem kịch mà phải là thật đông khán giả. Thực hiện điều nay không hề đơn giản, cần phải sự chung tay của rất nhiều người, từ đạo diễn, nghệ sĩ, cơ quan quản lý nghệ thuật đến giới báo chí – truyền thông.
- Kế hoạch của Nhà hát Kịch Việt Nam trong năm 2016 là gì?
- Chúng tôi sẽ dựng một tác phẩm về Kiều trên nền nhạc kịch. Khi Truyện Kiều được đưa lên sân khấu kịch chắc chắn sẽ mang lại nhiều cảm giác thú vị cho khán giả. Dựng một vở từ tác phẩm văn học kinh điển đòi hỏi đạo diễn và diễn viên phải cố gắng rất nhiều. Tham gia vở diễn này, diễn viên không những phải biết diễn xuất mà còn phải biết múa, biết hát. Tác phẩm sẽ ra mắt vào khoảng tháng 3 năm nay.
Theo Zing