"Nếu như không có chiến tranh, chắc chúng tôi như Trần Hạnh, Thanh Tú lên NSND, NSƯT lâu rồi", diễn viên Kim Xuyến.

Mặc dù trời phú cho khuôn mặt xinh đẹp, cân đối nhưng sự sắc sảo của đôi mắt khiến nghệ sĩ Kim Xuyến không thành công ở chính diện mà hợp với những vai phản diện ở vai trò diễn viên phụ, thứ. Được khán giả tới qua những vai diễn trong phim như: "Đông - Ki ra phố", "Nửa vầng trăng còn lại", "Con sẽ làm cô chủ", "Năm ngày làm thượng đế"… nhưng có lẽ Kim Xuyến để lại ấn tượng nhất với vai diễn bà Tâm bán phở trong bộ phim “Canh bạc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Ở tuổi ngoài 70 nhưng nghệ sĩ Kim Xuyến vẫn đi diễn hài đều đặn. Có mặt trong buổi ra mắt phim hài "Tết này con ở đâu" của đạo diễn trẻ Phạm Đức Dũng, nghệ sĩ Kim Xuyến đã có những phút chia sẻ về nghề rất chân thành.

- Năm nào cũng vậy, cô có mặt trong hầu hết các đĩa hát Tết, các tiểu phẩm ngắn nhưng lại toàn vào những vai phụ, cô có thấy chạnh lòng không?

Sau khi nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch Hà Nội tôi quả thật là hay đi đóng hài và các sitcom. Chỉ vì nghe NSND Doãn Hoàng Giang nói thế này mà tôi diễn hài đấy. Anh Giang nói là trong Chèo có hề mồi, hề gậy để làm giảm kịch tính của vở diễn, bớt căng thẳng cho người xem nên khuyên tôi nên đi theo kiểu đó, hợp với tuổi già của tôi. Thế là tôi diễn hài nhưng toàn những vai phụ như thế để trổ thêm vào vở diễn những nét hài hước. 

{keywords}
Nghệ sĩ Kim Xuyến (trái) trong một lần tham gia chương trình Bữa trưa vui vẻ.

Tôi là vai phụ nhưng không khác gì nhạc trưởng. Vì tôi già nên cũng có kinh nghiệm, lại thích chia sẻ kinh nghiệm của mình cho diễn viên trẻ nên trong đoàn phim, tôi hay lo lắng trang phục, chạy đi chạy lại hướng dẫn các bạn diễn. Nếu như bát phở bò thì bò và phở là chính thì tôi nhận mình như là hành, mùi, tiêu... Trong mâm cỗ thịnh soạn với cao lương mỹ vị thì tôi như món đậu phụ ấy, ai cũng muốn gắp một tí... Kiểu kiểu vậy nên tôi chẳng có gì buồn cả. 

- Diễn hài nhiều, cô có nhận xét gì về các đĩa hài và cách diễn hài của các nghệ sĩ hiện nay?

Hài mà, đã là hài là để giải trí, có thêm chút thông điệp cuộc sống thì vẫn tốt nhưng cũng không nên đòi hỏi quá nhiều. Người ta xem là để thư giãn chứ truyền nhiều thông điệp quá thì cũng mệt. Chẳng hạn năm nay tôi đóng khá nhiều như Đại gia chân đất, Làng ế vợ, Tết này con ở đâu,...dù là hài nhưng cũng có thông điệp rõ ràng, không nhảm nhí. Như Tết này con ở đâu của đạo diễn trẻ Phạm Đức Dũng khiến tôi khá xúc động, Dũng đã rất thời sự khi mang câu chuyện của một cô gái Việt bị lừa bán sang Hàn Quốc làm vợ người ta. Các cảnh quay ở Hàn Quốc cũng rất đẹp. Dù câu chuyện bi nhưng với cách dàn dựng hài hước, người xem vẫn cười được mà vẫn ngẫm được. 

Tôi được đóng nhiều với các diễn viên trẻ, tôi thấy các em bây giờ rất nhanh nhạy, hiểu ý đồ của đạo diễn và diễn cảm xúc hơn. Trước bọn tôi diễn phải có quy tắc bất di bất dịch đó là diễn viên chính thì phải bước lên 3 bước mới được nói và diễn viên phụ phải bước xuống 3 bước mới được thoại. Tôi ngày xưa bị ấn định như thế nên khi đi diễn toàn bị chê là kỹ thuật kém, chỉ được cái có cảm xúc. Mà chính diễn cảm xúc nên bây giờ dù tuổi hưu tôi vẫn diễn đều đều. Có lẽ trời không cho tôi ngoại hình đẹp nhưng lại cho tôi đôi mắt to, dễ thấy cảm xúc (cười).

- Diễn nhiều như vậy, khán giả nhớ và yêu quý cô như thế những cô vẫn chưa được phong danh hiệu nào, cô có thấy buồn?

Nếu như không có chiến tranh, chắc chúng tôi như Trần Hạnh, Thanh Tú lên NSND, NSƯT lâu rồi. Tôi diễn nhiều chứ, nhưng khổ nỗi ngày xưa thời chiến toàn đi phục vụ bộ đội với quần chúng, làm gì có hội diễn như bây giờ nên làm gì có huy chương. Mà xét duyệt bây giờ cũng nhường nhau ghê lắm. Nhiều nghệ sĩ xét duyệt danh hiệu xong cũng chả thấy diễn. Số tôi cũng không may, đóng khá nhiều phim nhưng không hiểu lý do gì mà phim đóng xong cũng không diễn mấy, kiểu cúng cụ ấy. Thế nhưng tôi cũng chẳng buồn mình có được NSND hay NSƯT hay không.

{keywords}
Nghệ sĩ Kim Xuyên không buồn vì chuyên vai phụ.

Thời tôi còn chưa nghỉ hưu, để được xét NSND, NSƯT thì nghệ sĩ phải đạt danh hiệu nghệ sĩ xuất sắc. Bây giờ cứ đủ huy chương là lên nhân dân, ưu tú. Thế mới có chuyện gần đến hội diễn nghệ sĩ nhường nhau để tham gia cho có đủ huy chương xét duyệt. Nhiều NSND, NSƯT được danh hiệu rồi thì chằng thấy diễn nữa, phải chọn vai mới diễn, may mà tôi chả nghệ sĩ gì cả nên diễn được hết (cười lớn).

- Đi diễn như vậy, cát sê của cô có cao không và cô làm thế nào để vừa tham gia đóng phim vừa chăm chồng bệnh tật?

Ối, cát sê của những vai phụ như tôi thì không đáng kể. Mỗi tháng chỉ thêm 1, 2 tháng lương nữa thôi nhưng được cái vui. Đi diễn hài nhiều thành ra đầu óc lại nhanh nhạy hơn trước. Với lại tôi biết đi xe máy nên khá tiện cho việc di chuyển. Chồng tôi bị bệnh nhiều năm nay, bây giờ cũng đỡ. Khi đi diễn hay đi sự kiện gì, tôi đều cơm nước sẵn rồi đậy lồng bàn vào. Đến giờ ông ấy tự ăn. Có vấn đề gì cần kíp tôi phi xe về luôn. Ngày có khi tôi quay mấy cái tiểu phẩm ngắn 5, 10 phút mà không thấy mệt.

- Cảm ơn cô về chia sẻ!

T.Lê