- Trước luồng dư luận khen chê về bộ phim "Sống chung với mẹ chồng", NSND Lan Hương đã có những trải lòng với VietNamNet. Theo đó, nữ nghệ sĩ tiết lộ những câu chuyện đặc biệt nhận được từ bộ phim này.


Những ngày qua khi bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” công chiếu, cô nhận phản hồi như thế nào từ phía đồng nghiệp, bạn bè, gia đình và hàng xóm?

Trong thời gian này, tôi cũng ít có thời gian gặp đồng nghiệp nhưng nói chung, các bạn ai cũng thích bởi tôi đã thay đổi khác so với những hình ảnh trước đây.

{keywords}
NSND Lan Hương trong phim "Sống chung với mẹ chồng".

Về phía gia đình, tất cả các thành viên đều xem bộ phim này và ai cũng thấy vui và buồn cười. Con dâu tôi thích thú và háo hức đón xem bộ phim này. Thực sự vì cuộc sống của tôi và bà mẹ chồng trong phim khác nhau nên các con tôi rất đón nhận bộ phim.

Tôi kể với bạn chuyện vui này. Hôm rồi có bác hàng xóm gặp mắng: “Tiên sư mày. Mày còn đứa con trai thứ 2 mà đóng vai bà mẹ chồng đáo để trên phim như vậy con mày lấy vợ làm sao?’’. Kể ra với bộ phim lần này, tôi nhận được nhiều phản hồi.

Cô có nhận được phản hồi nào từ phía đoàn phim?

- Hôm qua có người đoàn phim bảo tôi rằng có nghệ sĩ ở Huế hỏi: “NSND Lan Hương có phải người Huế không? Mà sao đóng giống các mẹ Huế như vậy. Bởi họ nói ở Huế, cũng có nhiều mẹ giống như vai bà mẹ chồng Phương trong phim Sống chung với mẹ chồng rất khắt khe và kỷ luật trong đời sống.

Mọi người trong đoàn phim cũng bày tỏ sự hài lòng với tôi. Nhưng tôi tương đối khắt khe với bản thân. Tôi chưa bao giờ hài lòng trong bất cứ một vai diễn, công việc nào. Bởi tôi không thích sự thỏa hiệp. Nếu bằng lòng với bản thân, sẽ không tiến bộ được. Tôi vẫn đòi hỏi sự khắt khe, khác với mọi người. Đó là bản tính của tôi.

Khi bộ phim phát sóng có nhiều luồng ý kiến, người ủng hộ người phản đối cho rằng thời nay không còn những bà mẹ chồng quá quắt như bà Phương. Việc hư cấu nhân vật hơi quá phần nào khiến khán giả mất chút cảm tình với nhân vật cô đóng. Cô nói gì về điều này?

- Có quá hay không là sự đánh giá của mỗi người?  Ai cũng có quyền nêu ra chính kiến riêng của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn thích cách bộc lộ có văn hóa hơn là những lời lẽ không hay. Trong khi làm phim, đây không phải nhân vật có một bà mẹ chồng như điển hình ngoài đời thực. Mà chúng tôi chỉ mưu cầu mỗi người thấy mình một chút trong đó thôi.


Clip: Cảnh gay cấn trong bộ phim "Sống chung với mẹ chồng".


Những người thân thiết, bạn bè tôi, có rất nhiều người nói rằng bà Phương trong phim giống mẹ chồng họ. Hoặc có cô bạn kể, con gái xem xong, lên phòng gọi anh trai, bảo: “Anh ơi giống mẹ mình thế nhỉ?”. Cô bạn tôi nghe thấy thế và gặp cười kể rất vui vẻ. Tôi chỉ cần vậy thôi. Thực sự, làm nghề này làm dâu trăm họ. Tôi rất bình tĩnh nghe, chắt lọc những ý kiến phản hồi từ khán giả.

Liên quan đến bộ phim có ý kiến nói diễn viên nam đóng vai người con trai quá nhu nhược và đó là một trong những chi tiết khiến họ cảm thấy khiên cưỡng và khó chịu khi xem phim, cô thấy sao về ý kiến này?

- Phim mới phát sóng được mấy tập, mọi người hãy bình tĩnh. Khi xem, hãy rút ra điều tác giả, đạo diễn và những ekip làm phim định mang đến cho khán giả là gì? Một chút thôi mà đã vội kết luận thì có vội vã, hồ đồ quá không? Tôi không bao giờ ép, hay có ý kiến tranh luận. Tất cả xuất phát từ những mong muốn của mình, mong muốn những điều tốt đẹp.

Cô có đọc phản hồi của khán giả về bộ phim này chứ?

- Tôi có đọc một số ở trang Facebook của mình. Một số bạn bè, đồng nghiệp, những người đã kết bạn với mình phản hồi, đôi khi tôi có trả lời.

Cô có chờ đợi những gợi ý, thậm chí các câu chuyện từ đời thật của khán giả gửi để mình thêm tư liệu, chắt chiu cho vai diễn?

- Thực sự, những tư liệu tôi nạp trong cuộc sống hoặc trong mấy chục năm làm nghề. Bây giờ nạp tôi nghĩ có thêm được tí nào thôi chứ cái đó, đội ngũ biên kịch và tác giả quan tâm nhiều hơn để sau này, họ có thể xây dựng những nhân vật gần gũi với đời sống hơn.  Thực tế, câu chuyện về mẹ chồng - nàng dâu rất dài. Nếu đưa tất cả lên, hơn 30 tập phim "Sống chung với mẹ chồng" vẫn là quá ngắn để nói hết những xung đột trong mối quan hệ gia đình. Bởi mỗi người có hoàn cảnh, cá tính riêng nên sự xung đột luôn tồn tại. Cái quan trọng là ta giải quyết những xung đột đó như thế nào?...

Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà