Vài vai diễn liên tiếp của Lưu Diệc Phi gần đây đều tẻ nhạt đến mức khẳng định không ai xứng danh “thuốc độc phòng vé” hơn cô.  

Trailer phim Tam sinh tam thế thập lý đào hoa bản điện ảnh:

Nhiều ngày nay, dư luận Trung Quốc đổ dồn những lời lẽ ‘búa rìu’ lên diễn xuất của hai vai chính Lưu Diệc Phi và Dương Dương. Rất có thể điều này đã tác động không ít đến tâm lý của khán giả khi phim này về Việt Nam.

Dạo quanh một vòng diễn đàn, không khó nhận thấy phần lớn ý kiến chê bai đều có màu sắc tương tự. Trước hết, cần trả lời câu hỏi: bộ phim được sản xuất cho ai xem? Dù tiểu thuyết Tam sinh tam thế thập lý đào hoa khá nổi tiếng ở Trung Quốc nhưng nếu nhà sản xuất chỉ nhắm đến đối tượng đã đọc qua nguyên tác thì đồng nghĩa bộ phim thất thu. Tức, dù là phim chuyển thể, thì đối tượng được nhắm đến vẫn phải là bất cứ ai dù đã đọc tiểu thuyết hay chưa vẫn có thể thoải mái nắm được câu chuyện. Điều này tạo nên tính thoát ly nhất định của phim dù vẫn dựa trên nền tảng nguyên tác.

{keywords}
Cách phát triển nhân vật Dạ Hoa của Dương Dương được ví như biến thiếu sót thành lợi thế.

Từ tiểu thuyết chương hồi dài 23 chương đến tóm gọn trong 90 phút chiếu, đạo diễn đã cắt đi không ít tuyến nhân vật phụ và phần ngọn của cốt truyện. Nếu tinh ý sẽ thấy ông mượn thoại của nhân vật kỹ xảo là Mễ Cốc để sơ lược nội dung. Tuy nhiên khán giả không bận tâm đến phần “lải nhải” của nhân vật này nên cách dẫn đề đã không đạt được mục đích. Nhiều lần mạch phim chuyển động rất không khéo léo hoặc sống sượng khiến tình tiết bị trôi tuột. Khán giả hụt hẫng và đuối cảm xúc vì liên tục căng mắt theo dõi đoạn tiếp theo khi chưa kịp cảm nhận đoạn trước. 

{keywords}
Cảnh Dạ Hoa nấu nướng sẽ lung linh hơn nhiều nếu không có ý đồ "lạ" của đạo diễn.

Đáng nói hơn, trong phim có rất nhiều chi tiết ngô nghê đến buồn cười. Đơn cử như cảnh Dạ Hoa nấu ăn cho Bạch Thiển, vốn thể hiện sự tài hoa để ghi điểm trước nữ chính thì không rõ đạo diễn có ý đồ gì khi cố ý chiếu cảnh vẩy cá bắn dính đầy mặt A Ly còn Bạch Thiển thì lãnh đủ phần bột mì thừa. Đành rằng, hôn lễ của thái tử Thiên tộc cần sự long trọng khác thường. Song khán giả không thể nhịn cười khi thấy áo mão rườm rà diêm dúa như hát Bội của Bạch Thiển cộng với biểu cảm cứng đờ của Lưu Diệc Phi. Nhân vật Mặc Uyên trong tảng băng còn bị phát hiện do nhiều diễn viên đóng thay vì mỗi Dương Dương. 

{keywords}
Biểu cảm như tượng sáp của Lưu Diệc Phi trong "thập lý lễ phục" bị chế giễu.

{keywords}
Phép so sánh tạo hình thượng thần Chiết Nhan giữa bản truyền hình và điện ảnh. Chưa kể, khi hoá thân, trông Chiết Nhan của La Tấn giống... gà trống hơn là khổng tước.

Nếu nói là bị cắt nham nhở nhất, hẳn sẽ là kết phim. Phim dừng lại ở cảnh Bạch Thiển nhìn Dạ Hoa chìm dần sau lớp tiên chướng dày đặc trước tua ngược nhanh lại hành trình của cả hai. Trong thoáng chốc, người thấy đúng một cảnh Dương Dương mở mắt khi lớp băng vỡ ra, không rõ đây là thái tử Dạ Hoa hay thượng thần Mặc Uyên. Rồi Dạ Hoa mặc áo đen, đứng chờ Bạch Thiển dưới rừng đào, mơ mơ ảo ảo không rõ là hiện thực hay hồi tưởng. Nếu không đọc qua nguyên tác, dĩ nhiên khán giả không thể biết cả Mặc Uyên lẫn Dạ Hoa đều sống lại. Sau trận chiến cuối cùng long trời lở đất vô cùng mãn nhãn là cái kết đúng nghĩa “lên cao vút, xuống mất hút”.

Tuy nhiên, gánh nặng lớn nhất của phim không phải là sai sót của đạo diễn mà là diễn xuất của cặp nam nữ chính. Dương Dương có thể thuyết phục bằng vẻ si tình đáng yêu khi theo đuổi Lưu Diệc Phi nhưng những cảnh khóc của anh quá giả tạo. Đến nỗi, nếu không có nước chảy ra từ khoé mắt, khán giả sẽ không rõ anh đang biểu cảm gì.

May mắn, hầu như anh không phải thể hiện quá nhiều. Vì phần lớn cảnh đắt nhất trong phim thuộc về Lưu Diệc Phi mặc dù cô không diễn đạt nổi một cảnh. Khán giả bị “chết” cảm xúc ngay trong những khoảnh khắc cần được vỡ oà, xúc động. Đó là tại sao vai Bạch Thiển trở thành giọt nước tràn ly khiến dư luận chỉ trích nữ diễn viên này gay gắt đến vậy.

{keywords}
Lưu Diệc Phi mất 15 năm để trở lại xuất phát điểm diễn xuất.

Ở tuổi 25, có thể nghiêm khắc xem đây là một điểm trừ trong sự nghiệp của Dương Dương. Song khác với bạn diễn, Lưu Diệc Phi đã bước sang tuổi 30, đồng nghĩa với cánh cửa hào quang sự nghiệp không còn toang mở. Ở thị trường phim châu Á, rất ít nữ diễn viên trong độ tuổi 30 – 40 tuổi vẫn đắt vai chính nên không nói quá khi cơ hội để toả sáng của Lưu Diệc Phi đang tắt lịm từng ngày. Hiện tại, dù cô vẫn trẻ đẹp nhưng không ai dám đảm bảo nhan sắc vẫn còn có thể cứu cô trong một vài năm tới. Nhất là khi dấu thời gian bắt đầu thoáng hiện trên gương mặt “thần tiên tỷ tỷ”.

Tuy nhiên ở khía cạnh ngược lại, khán giả nên hiểu không thể trông đợi ở Lưu Diệc Phi hay Dương Dương sẽ xuất hiện bùng nổ như một ảnh hậu, ảnh đế. Vài vai diễn liên tiếp của Lưu Diệc Phi gần đây đều tẻ nhạt đến mức khẳng định không ai xứng danh “thuốc độc phòng vé” hơn cô.  

{keywords}
Tạo hình đẹp khó rời mắt của cặp nam nữ chính.

Tuy diễn xuất của diễn viên bị chê nhưng đổi lại, hình ảnh rất nịnh mắt khán giả. Chê phim lạm dụng kỹ xảo chứng tỏ nhiều khán giả chưa hiểu rõ về thể loại huyền huyễn tiên hiệp. Đối với bản chiếu 3D, khán giả không khác gì lạc vào tiên cảnh. Sắc vóc của cặp nam nữ chính đặt vào khung cảnh tuyệt mỹ càng cho thấy sự phù hợp. Đặc biệt, trận chiến cuối cùng được đánh giá là vô cùng ấn tượng, vượt khỏi tầm của một phim ngôn tình. Nếu như những đoạn lâm ly không đủ để xúc động thì cảnh đẹp, cảnh giao chiến hoành tráng có thể bù đắp lại phần nào.

{keywords}

{keywords}
Thế giới huyền ảo trong tiểu thuyết hiện ra trước mắt khán giả.

Nếu tên tiếng Anh của Tam sinh tam thế bản truyền hình là Enternal love (Tình thiên thu) thì bản điện ảnh là Once upon a time (Ngày xửa ngày xưa). Tức, chẳng có ý đồ gì sâu xa phức tạp ở đây ngoài việc đạo diễn muốn xây dựng phim theo mô tuýp hoàng tử - công chúa quen thuộc. Khán giả, phần vì ‘bóng ma’ tâm lý, phần vì trông đợi lớn nên thất vọng nhiều, đâm ra trút hết ấm ức vào bộ phim lẫn diễn viên. Thay vào đó, nếu chỉ ra rạp với tâm thế xem một phim ngôn tình đẹp, lãng mạn để giải trí thì Tam sinh tam thế thập lý đào hoa không hẳn mang lại cảm xúc quá nặng nề.

Gia Bảo