Chiều ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với Đại diện Tổng Công ty Vận tải thủy xung quanh những ồn ào của nghệ sĩ trong thời gian vừa qua.  Bộ VHTTDL cho rằng, để xảy ra tình trạng như hiện nay là do cách quản lý yếu kém, chưa tìm được tiếng nói chung giữa nghệ sĩ với Tổng Công ty Vận tải thủy. 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã đưa ra một số chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh, trả lương cho anh em nghệ sĩ tháng 7,8,9-2017 như thời điểm trước cổ phần hóa. Việc trả lương sẽ phải hoàn tất ngay trong tuần này.

Liên quan đến sửa chữa, sắp xếp nhân sự phải công khai thông báo để mọi người cũng hiểu rõ chủ trương. Làm lại cổng số 4 Thụy Khuê, không để tình trạng xuống cấp nhếch nhác. Tuyệt đối không cho thuê mặt bằng. Cố gắng sớm đi vào ổn định, tổ chức sản xuất phim đồng thời đề nghị đại diện vốn nhà nước phát huy vai trò của mình. Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm, đừng đánh đồng văn nghệ sĩ với người lao động đơn thuần. Chính vì thế, trước mỗi quyết sách phải minh bạch, công khai, thấu tình đạt lý. 

{keywords}
Cuộc họp tại trụ sở Bộ VHTTDL chiều 20/9  

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tại cuộc chia sẻ với báo chí cũng đã giải thích vì sao đất đai không được tính vào giá trị doanh nghiệp trong quá trình định giá Hãng phim truyện Việt Nam. 

Thứ trưởng cho biết: “Hiện đất của hãng phim đều là đất thuê của Hà Nội. Theo nghị định của Chính phủ thì đất đi thuê không được tính vào giá trị của doanh nghiệp. Với Hãng phim truyện Việt Nam, chỉ có nhà cửa trên đất đai được tính vào giá trị của doanh nghiệp. Thứ trưởng cũng cho biết thời gian qua dư luận cũng có đôi chút hiểu nhầm, nói Bộ VHTTDL “bán nguyên đất” cho doanh nghiệp là sai.

Vì trước khi duyệt kế hoạch cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam phải có phương án sử dụng từng miếng đất, và phương án đó phải phù hợp với phương án cổ phần hóa. Sau đó phương án sẽ được trình lên Bộ VHTTDL, Bộ thẩm định, rồi chuyển qua UBND TP Hà Nội để họ xem xét cho thuê đất phù hợp với quy hoạch của địa phương. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ đề nghị Ban lãnh đạo Hãng phim chú ý thực hiện tốt chính sách cán bộ, cách điều hành, quản trị cần khoa học hơn, đồng thời xây dựng các kế hoạch (làm phim) ngắn hạn, dài hạn, ai làm, lực lượng nào là nòng cốt… Đặc biệt nhất là việc công khai minh bạch các kế hoạch để anh em văn nghệ sĩ, cũng như cán bộ tại Hãng thấu hiểu.

{keywords}

Lối vào Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Zing 

Ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vận tải thuỷ (chủ sở hữu mới của Hãng phim truyện Việt Nam) tiếp tục khẳng định việc sửa sang lại nhà xưởng tại số 4 Thụy Khuê là để phục vụ sản xuất phim, hoàn toàn không có chuyện cho thuê mặt bằng. Tại cuộc họp, ông Thuỷ Nguyên cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng ồn ào, mất đoàn kết, bức xúc trong cán bộ, văn nghệ sĩ của hãng thời gian qua là do những khiếm khuyết trong công tác điều hành. Ông Nguyễn Thủy Nguyên phân trần: "Chúng tôi rất muốn có sự đoàn kết trong nội bộ, muốn hãng phim phát triển chứ không phải chúng tôi dùng mưu để đưa anh em nghệ sĩ đi xúc cát như nhiều người hiểu nhầm".

T.Lê