- 8 đơn vị sản xuất và phát hành phim trong nước đã có đơn khiếu nại về việc bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé.

8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA vừa có đơn khiếu nại đến Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh và các cơ quan chức năng khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.

Đơn khiếu nại này cho biết: Thị phần rạp chiếu phim rạp chiếu phim do các đơn vị trong nước nắm giữ khá khiêm tốn, theo ước tính chỉ chiếm chưa đến 40%. Trong khi đó các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (chủ yếu CGV và Lotteria) chiếm hơn 60% thị phần còn lại. Riêng hệ thống rạp của CGV đang chiếm khoảng 40% thị phần và hình thành “vị trí thống lĩnh thị trường”.

{keywords}
CGV bị 8 nhà sản xuất và phát hành phim Việt  khiếu nại vì tỷ lệ ăn chia doanh thu bất hợp lý.

Điểm gây bức xúc với 8 đơn vị đứng đơn khiếu nại là CGV đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình: Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác tỉ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%), còn với các phim Việt Nam do các doanh nghiệp Việt Nam phát hành tại hệ thống CGV là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành đó chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần).

Với “vị trí thống lĩnh thị trường” của CGV, các nhà phát hành trong nước không còn cách nào khác đã phải chịu sự áp đặt của đơn vị này do số lượng rạp của CGV quá lớn, nếu không đồng ý tỷ lệ này thì phim sẽ không được chiếu tại hệ thống rạp CGV, đồng nghĩa với việc phim không được chiếu trên 40% tổng số rạp, có nghĩa là sẽ mất 40% doanh thu.

Theo các nhà phát hành trong nước tỷ lệ chia nhà sản xuất - phát hành phim Việt Nam ở mức 45-55 là rất bất hợp lý, một tỷ lệ chưa từng xảy ra trên thế giới khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được tỷ lệ lớn hơn nhà sản xuất - phát hành. Bởi chính nhà sản xuất - phát hành mới là người phải bỏ ra chi phí rất lớn không chỉ là cho sản xuất phim mà còn bỏ cả chi phí về marketing, phát hành cho phim.

Tám đơn vị sản xuất phim Việt cũng cho rằng: Các rạp chiếu phim của CGV thường có xu hướng chiếu các phim nước ngoài, đặc biệt là các phim do chính nước họ sản xuất, với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ “vàng” lâu hơn. Cùng với những hoạt động mang tính chất nhằm chiếm lĩnh thị trường, chúng tôi lo ngại trong giai đoạn sắp tới, CGV sẽ dần dần củng cố vai trò, tiến tới điều tiết và làm chủ thị trường điện ảnh Việt Nam. Đây có thể xem là nguy cơ cho nền công nghiệp và thị trường điện ảnh nước nhà nằm trong tay tập đoàn này.

{keywords}
Phim Việt đang cần sự hỗ trợ của các đơn vị sở hữu rạp chiếu lớn như CGV.

Đại diện cho 8 đơn vị làm đơn khiếu nại, bà Vũ Thị Bích Liên, Tổng giám đốc công ty Sóng Vàng, cho biết: “Việc CGV lấy tỷ lệ ăn chia tuần đầu lớn hơn cả nhà sản xuất là vô lý. Là nhà sản xuất, chúng tôi mong CGV có thể ngồi lại với các đơn vị để cùng nhau vạch ra một con số làm sao cho nhà sản xuất nhận được phần nhỉnh hơn chút so với CGV.

Có làm như vậy thì mới khuyến khích được chúng tôi sản xuất phim Việt. Các cụm rạp nhỏ không nói, CGV đang chiếm hơn 40% các cụm rạp chiếu trong cả nước. Nếu CGV không hỗ trợ các nhà sản xuất phim Việt thì ai sẽ là người hỗ trợ chúng tôi?”.

Cũng theo bà Vũ Bích Liên: “Việc hỗ trợ của các đơn vị rạp chiếu với các nhà sản xuất phim Việt sẽ giúp chúng tôi có thêm tiền bạc để tái tạo đầu tư vào sản xuất ra các bộ phim hay. Có như thế phim Việt mới phát triển, mới có ngày phim Việt đi ra được thị trường thế giới. Lúc đó không chỉ chúng tôi mà các đơn vị sở hữu cụm rạp như CGV cũng có lợi”.

Về ý kiến phim Việt khi ra rạp thường bị CGV xếp thời gian chiếu ngắn, ít có suất chiếu vào các khung giờ “vàng” hơn các phim bom tấn Hollywood, bà Vũ Bích Liên khẳng định: “Chất lượng phim không phụ thuộc vào đánh giá của đơn vị sở hữu rạp chiếu như CGV hay các đơn vị phát hành. Chỉ có khán giả mới là người đánh giá đúng chất lượng phim ra sao. Chuyện xếp lịch chiếu giờ tốt hay không hoàn toàn phụ thuộc vào độ thu hút khán giả của phim ra rạp. Phim hay, nếu tuần đầu xếp lịch chiếu 2 buổi 1 ngày, cháy vé, thì tự đơn vị sở hữu cụm rạp như CGV sẽ phải điều chỉnh tăng suất chiếu lên hàng ngày và chọn khung giờ đẹp”.

Làn một trong những cơ quan nhận được đơn khiếu nại, trả lời VietNamNet, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, NSND Đặng Xuân Hải cho biết: “Hội Điện ảnh không can thiệp được vào chuyện này vì nó thuộc chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, Cục Điện ảnh và Bộ VHTTDL. Những điều họ kiến nghị, trong Luật nói cũng không rõ mà chỉ giải thích chung chung, cũng không cấm nên Hội chỉ kiến nghị các công ty Hàn Quốc sang Việt Nam kinh doanh được tạo điều kiện thuận lợi thì cũng nên tìm hiểu về các đối tác bạn hoạt động cùng lĩnh vực, ứng xử như thế nào cho văn hóa và phù hợp và cũng nên tìm hiểu chính sách ưu tiên phim Việt của Việt Nam”.

Chúng tôi đang liên hệ với phía CGV để xác mình thông tin và sẽ sớm có câu trả lời cụ thể nhất tới độc giả!

Bài sau: CGV nói gì khi bị kiện?

Việt Anh