“Câu chuyện đời tôi” - tự truyện của người mù, điếc đầu tiên trên thế giới tốt nghiệp đại học.
Sơn Tùng: 'Quang Huy rất cố gắng giữ, nhưng tôi quyết đi'
“Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng trong bình lặng. Chỉ qua thử thách và gian khổ, tâm hồn ta mới trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành, công danh thành tựu”. Đó là chia sẻ của Helen Keller, nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ. Bà là người khiếm thị và khiếm thính đầu tiên của nước Mỹ đạt được học vị Cử nhân Nghệ thuât.
Helen Keller (1880-1968), bị mất thính giác và thị giác do bạo bệnh khi 19 tháng tuổi. Suốt gần 6 năm sau đó là quãng thời gian thinh lặng tuyệt đối và đầy bóng tối đối với bà. Nhưng bắt đầu từ năm 7 tuổi, dưới sự hướng dẫn và tình yêu của cô Anne Sullivan, Helen Keller đã học để có thể đọc, viết và nói được. Sự kiên quyết nỗ lực với tinh thần bền bỉ của bà trong việc truy cầu kiến thức đã giúp Hellen bước vào giảng đường đại học và sau đó đóng góp nhiều cho xã hội cũng như cộng đồng người khuyết tật. Nghị lực phi thường của Helen Keller được tái hiện một cách chân thực và đầy cảm xúc trong cuốn tự truyện “Câu chuyện đời tôi”.
Theo chia sẻ của dịch giả Nguyễn Thành Nhân, trong quá trình đi tìm những tác phẩm hay, có giá trị nhưng chưa được dịch ở Việt Nam, ông tình cờ bắt gặp một tác phẩm tưởng đã chìm vào lớp bụi lãng quên, đó chính là Câu chuyện đời tôi - The Story of My Life của Helen Keller. “Đọc qua vài chương, tôi mới giật mình nhận ra mình còn quá nhiều điều chưa biết. Helen Keller là một con người vĩ đại, càng vĩ đại hơn nữa khi bà là một người phụ nữ, bị mù và điếc khi mới 19 tháng tuổi, nhưng đã làm được những điều vô cùng kỳ diệu và vĩ đại. Vậy mà mãi đến lúc đó tôi mới biết về bà!”, dịch giả Nguyễn Thành Nhân bày tỏ niềm ngưỡng mộ với nữ văn sĩ Helen Keller.
Có lẽ, không riêng gì dịch giả Nguyễn Thành Nhân mà bất cứ ai đọc tự truyện “Câu chuyện đời tôi” cũng có chung niềm ngưỡng mộ đó.
T.Lê