Thông tin NXB Hội nhà văn tạm dừng hoạt động đang gây xôn xao trong giới xuất bản.

Ngày 1/10/2016, ông Phạm Trung Đỉnh (nhà văn Trung Trung Đỉnh) - Giám đốc NXB Hội nhà văn về hưu, nhưng trước đó Hội Nhà văn Việt Nam đã ủy quyền cho ông Trần Quang Quý, Phó Giám đốc phụ trách NXB từ ngày 1/9/2016. Qua mấy lần xin ra hạn, ông Trần Quang Quý tạm thời giữ vai trò Phó Giám đốc phụ trách đến hết ngày 31/3/2017.

Tuy nhiên, thời hạn ngày 31/3 đã qua và Hội nhà văn có văn bản gửi Cục Xuất bản, In và Phát hành ra hạn tiếp cho ông Trần Quang Quý 3 tháng điều hành nữa. Tuy nhiên, Cục Xuất bản không đồng ý vì nếu Cục phê duyệt là vi phạm pháp luật bởi NXB Hội nhà văn là của Hội nhà văn. 

"Cục đồng ý để ông Trần Quang Quý đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc phụ trách NXB Hội nhà văn là để Hội nhà văn có thời gian hoàn thiện nhân sự chứ thực ra, ông Quý đã hết tuổi để bổ nhiệm. Ông Quý không đủ điều kiện để bổ nhiệm Giám đốc, theo luật là thế. Bây giờ, nếu chúng tôi đồng ý với đề xuất của Hội nhà văn cho ông Quý 3 tháng tiếp theo, chúng tôi sẽ vi phạm luật", ông Chu Văn Hoà, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết.

"Không có người đứng đầu chịu trách nhiệm, hay nói khác đi là chữ ký của ông Trần Quang Quý hết hiệu lực thì NXB Hội nhà văn tạm thời chưa thể hoạt động đúng chức năng xuất bản của mình", ông Chu Văn Hoà cho hay.

Theo ông Chu Văn Hoà, việc chưa kiện toàn được bộ máy lãnh đạo của NXB Hội nhà văn hiện nay gây ra nhiều hệ luỵ. Hệ luy và đây cũng là căn bệnh trầm kha của NXB này trong 3 năm trở lại đây khiến Cục 'đau đầu'. Bởi, đây là NXB có số lần mắc sai phạm nhiều nhất trong tất cả các NXB trong cả nước. Nói như người đứng đầu Cục Xuất bản thì sai phạm của NXB Hội nhà văn đứng hàng 'hoa hậu'.

"Các cháu đi học cấp 1, viết sai chính tả cô giáo còn cho điểm xấu. NXB Hội nhà văn, Hội đại diện cho tầng lớp tinh tuý của những người sáng tạo, là tầng lớp tiêu biểu cho sáng tạo văn hoá tinh thần. Chúng ta vẫn coi nhà văn là người nhiều chữ nhất, câu từ chính xác nhất. Nhà văn không chỉ chính xác về câu chữ, đúng ngữ pháp mà phải là cho ra đời những câu chữ tinh tế nhất. 

Nhà văn đáng được tin yêu, NXB Hội nhà văn đáng được tin yêu thế mà để lại những sai sót không đáng có về câu chữ. Việc này là phản bội lại danh dự của anh em hội viên Hội nhà văn. Hội nhà văn đã không làm tròn nhiệm vụ đối với anh em của hội, với sự tin yêu của thành viên trong hội. Tôi không đồng tình một chút nào cả. Sách là thứ để lại muôn đời, không được phép sai, nếu có sai cũng ít thôi, chấp nhận được, đằng này NXB Hội nhà văn mắc lỗi suốt", ông Hoà nói tiếp. 

{keywords}

Trong suốt gần 1 năm qua, NXB Hội nhà văn chưa tìm được Giám đốc, một NXB không có khả năng xuất bản bởi thời điểm này chưa có ai 'đứng mũi chịu sào', điều này ảnh hưởng tới rất nhiều nhân sự của NXB, vậy lỗi này do ai? VietNamNet đã nhiều lần liên hệ với ông Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nhưng máy luôn trong tình trạng không liên lạc được. 

Trước câu hỏi này, ông Chu Văn Hoà trả lời như sau: "Không nên đổ trách nhiệm cho cơ quan quản lí nhà nước. NXB Hội Nhà văn nên thực hiện theo luật. Việc không có Giám đốc thì kể cả đơn vị cấp cao hơn Cục cũng không thể làm trái luật mà cho phép hoạt động được. Chúng tôi đã nới thời gian để NXB Hội Nhà văn kiện toàn bộ máy nhưng đến nay vẫn không kiện toàn. Anh không thể ném việc anh không chịu làm sang cơ quan quản lý nhà nước được. Anh không chịu bổ nhiệm Giám đốc chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước không cho anh hoạt động.

Về nguyên tắc, Cục không có quyền, chỉ có cơ quan chủ quản mới có quyền đề bạt giám đốc. Nhưng cơ quan chủ quản đề bạt Giám đốc phải có sự thỏa thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự thỏa thuận của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong trường hợp anh Trần Quang Quý là không đủ tuổi bổ nhiệm thì chắc chắn không đạt được thỏa thuận".

Theo tổng kết của Cục Xuất bản, In và Phát hành thì trong 2 năm 2015 – 2016, NXB Hội Nhà Văn đã để xảy ra sai phạm đối với 70 tác phẩm. Cụ thể, năm 2015 là 30 xuất bản phẩm; năm 2016 là 40 xuất bản phẩm. Trong đó có 24 xuất bản phẩm vi phạm nội dung về tư tưởng; 13 xuất bản phẩm chưa chính xác về sự kiện lịch sử, nhầm lẫn ngày tháng; 24 xuất bản phẩm sai chính tả, câu chữ; 9 xuất bản phẩm thực hiện không đúng các quy định tại Điều 27 Luật Xuất bản về thông tin ghi trên xuất bản phẩm. Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đã có những biện pháp xử lý đối với toàn bộ 70 xuất bản phẩm trên với các hình thức cụ thể như yêu cầu tái bản phải sửa chữa; sửa chữa, đính chính lỗi sai; đình chỉ phát đành để sửa chữa. Đặc biệt, Cục cũng đã yêu cầu đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung với 7 xuất bản phẩm. 

T.Lê