Với Một mình một ngựa , Ma Văn Kháng lại một lần nữa kể về câu chuyện dung dị của cuộc đời mình tại thành phố Lào Cai vẹn nguyên nét đẹp hùng vĩ, bạt ngàn của rừng núi Tây Bắc.

Từ Đồng bạc trắng hoa xòe đến Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Ma Văn Kháng đã có một bước tiến dài về tư duy tiểu thuyết tái hiện về đời sống vùng cao, bút lực ngày càng uyển chuyển, tung hoành. Một mình một ngựa tiếp nối mạch tự thuật khơi dòng từ các tiểu thuyết trước đó, đồng thời, sử dụng yếu tố tự truyện là đòn bẩy vững chắc làm bật lên ý thức phản tỉnh và khuynh hướng nhận thức lại thực tại của dòng văn học tự vấn.

{keywords}

Một mình một ngựa chọn cho mình cách kể truyền thống theo trục thời gian tuyến tính. Nghĩa là mạch thời gian sẽ dẫn dắt các sự kiện diễn ra qua giọng kể khách quan từ nhân vật Toàn, mở ra nhiều lớp không gian bí ẩn bộc lộ chân tướng hệ thống nhân vật, những cá tính nổi bật mà Ma Văn Kháng đã từng gặp qua.  

Ma Văn Kháng còn vẽ nên bức chân dung người chiến sĩ cách mạng – ông Quyết Định thật hiên ngang, lẫm liệt đối diện với bao thế lực thù địch, chống phá thời khởi đầu cách mạng. Những khó khăn trong công việc thường nhật, những thử thách nghiệt ngã trong hành trình bảo vệ chân lý cùng nỗi cô độc không tên trong đời sống vợ chồng cứ thế quật ngã ông.

Dù vậy, ông Quyết Định vẫn kiên cường một mình một ngựa oai vũ lạ thường vào tận hang ổ của thổ ty, vẫn bản lĩnh khôn khéo ở Hội nghi Mường Thông trong hiện tại. Thế nhưng, nét đơn côi vẫn phảng phất, hiện hữu lên thật kỳ lạ. Ánh hào quang của quá khứ “le lói” hắt chiếu vào thực tại, hắt vào ông Bí thư Tỉnh ủy oai phong, quyền uy năm nào nhưng chất chứa trong đó chỉ toàn là nỗi bất lực từ chính bản thân mình. Toàn chợt nhận ra, ông Quyết Định, người đã điều chuyển Toàn về đây công tác vừa kiêu hùng, dùng mãnh nhưng cũng thật lẻ loi, cô độc, nhỏ bé giữa dòng đời, giữa đám đông, giữa chính tập thể Cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy.

Phải chăng, hình ảnh giàu tính thẩm mỹ ấy gợi nhắc đến những kẻ có ý thức về giá trị bản thân mình chăng? Di chuyển điểm nhìn vào nội tâm từng nhân vật, sự trần thuật trong Một mình một ngựa trở nên phức hợp, đa tuyến, đi sâu vào thế giới bên trong của con người, mở rộng nhận thức hiện thực hơn. Đồng thời, Một mình một ngựa tạo nên chiều sâu riêng biệt, sự đa nghĩa, nhiều tầng lớp ý nghĩa chồng lên nhau một cách khăng khít, hấp dẫn người đọc kiên nhẫn mở từng nút thắt để thưởng thức trọn vẹn giá trị đích thực của tác phẩm.

Tiểu thuyết này phần lớn xoay quanh những sự kiện, tình huống dễ hiểu nhầm, gây nên những mâu thuẫn, hiềm khích không đáng có nhưng Ma Văn Kháng lại hiếm khi kể về những cuộc xung đột, mưu mô nảy lửa giữa các phe phái, tránh sự ngột ngạt, bí bách.

Đặc biệt, Một mình một ngựa hấp dẫn người đọc ở cách kể chuyện hóm hỉnh, tạo nên điểm nhấn ấn tượng. Tự thân những câu chuyện đã mang sắc thái riêng biệt, tạo nét chấm phá mới lạ về mặt không gian, ngôn ngữ đời sống linh hoạt tạo nên sức hấp dẫn không thể chối từ. Nổi bật hơn cả, là sự lồng ghép tinh tế những trang nhật ký, xen những đoạn trữ tình ngoại đề cùng kha khá ghi chép về thi ca, hò vè in đậm dấu ấn, cái tôi thời đại của tác giả. Nhờ đó, ta có thể hiểu hơn về con người dành hai mươi năm cho mảnh đất Lào Cai yêu thương này.

Tựu trung lại, những trang văn của Ma Văn Kháng tựa hồ cuộc đời phồn tạp với lòng nhiệt thành, năng nổ của một thế hệ, một lớp người hình thành từ cách mạng đã hóa thành những trang văn giàu hình tượng, đẹp ý thơ, góp thêm tiếng nói lòng cho dòng văn học hướng nội hôm nay.

Nhà văn Ma Văn Kháng sẽ góp mặt giao lưu với độc giả tại sự kiện “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” nhân dịp ra mắt sách Một mình một ngựa ngày 9/11 tại Hà Nội để kể những câu chuyện “bếp núc” của nghề văn và cùng nhìn lại về quá khứ, hiện tại và cả tương lai của văn học Việt.

Tú Văn