"Mưa suốt tháng Giêng" - tập truyện ngắn của nhiều tác giả được sáng tác trong khoảng 2 năm gần đây cho chúng ta cái nhìn khá đa chiều về cuộc sống đương đại với những suy tư, trăn trở của người viết về thời cuộc.

{keywords}

"Mưa suốt tháng giêng" là tập truyện ngắn của hơn 20 tác giả, tuyển chọn các truyện ngắn đã được in trên báo Tiền Phong Chủ nhật do nhà văn Lê Anh Hoài tuyển chọn.

Các tác giả xuất hiện ở đây đa số là những nhà văn trẻ có tên tuổi, đã hình thành phong cách. Nhiều nhà văn đoạt giải trong các cuộc thi văn chương gần đây, như: Nguyễn Hồng Nhung, Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Đinh Công Thủy, Nhật Phi, Hoa Xuân, Phong Linh, Trần Băng Khuê, Nguyễn Thị Việt Hà, Tạ Xuân Hải… Ngoài ra có tên của những tác giả đã thành danh: Nguyễn Hiệp, Phùng Tấn Đông, Đỗ Phấn, Nguyễn Trí, Phạm Thanh Thúy…

Các tác phẩm phản ánh cuộc sống đương đại, suy tư của người trẻ về tình yêu, thời cuộc. Phong cách viết hiện đại. Mỗi tác phẩm đều được nhà văn Lê Anh Hoài giới thiệu ngắn gọn kèm theo đó là các minh họa cho truyện. Và cũng chính vì "mỗi người một giọng", họ đều có đối tượng độc giả riêng của mình.

Ví như truyện ngắn "Đợi ơ hờ" của nhà văn Đỗ Phấn, ông đã nhẩn nha hồi ức trên nền một cuộc gặp gỡ với những người bạn cũ - những chứng nhân của một thời. Đỗ Phấn đã lẳng lặng kể những va đập đã xảy ra, ngồn ngộn những xưa những nay, những xung đột, những thói quen thế hệ, những dịch chuyển tinh tế,... Để rồi, bỗng chớp loé lên một  "nước da dậy thì trắng loá". Và rồi "trắng loá" ấy di dịch để thành một hiện trạng đương thời. 

Hay như truyện ngắn "Mưa suốt tháng giêng" của tác giả Phùng Tấn Đông lại là 4 mảnh truyện nhỏ với các góc tiếp cận khác nhau, nhân vật cũng như thay đổi danh xưng khác nhau nhưng tất cả hợp lại, tương tác, ánh xạ với nhau thành một truyện ngắn hàm chứa nhiều hơn một câu chuyện. Những đứa trẻ với ánh nhìn trong trẻo, đủ sức khiến không chỉ các nhân vật người lớn trong truyện mà thậm chí cả người đọc cũng thấy tội lỗi.

Nhà văn Lê Anh Hoài chia sẻ: "Tâm thức xã hội bằng một cách nào đó ảnh hưởng trực tiếp đến nhà văn. Ngay cả với những người viết định tìm cách trốn tránh nó. Dĩ nhiên, tâm thức xã hội không đồng nhất với hiện trạng xã hội. Nhà văn, dù có tài hư cấu đến đâu cũng phải dựa vào thứ nguyên liệu là thực trạng mà mình quan sát được. Nhưng văn tài phải xới tung người đọc lên, khiến họ một phen xáo trộn với những hỉ nộ ái ố, thất tình lục dục mà họ vốn có, đang tìm cách thoát ra...".

Và đọc "Mưa suốt tháng giêng" bạn đọc sẽ trải qua đủ 4 cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố như thế.

T.Lê