Nhà báo Trần Tố Nga, một người Pháp gốc Việt, kể lại cuộc đời 75 năm đầy biến động của bà (từ 1942 đến nay) qua cuốn sách “Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt”.

Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt (NXB Trẻ ấn hành tháng 82017) là tự truyện được bà Trần Tố Nga viết trên giường bệnh ung thư, căn bệnh do di chứng của chất độc da cam.

Buổi ra mắt cuốn sách diễn ra sáng 30/8 tại trụ sở NXB Trẻ, TP.HCM, với sự góp mặt của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, một người bạn thân tình của tác giả.

Cựu nhà báo Trần Tố Nga năm nay 75 tuổi, quốc tịch Pháp. Bà nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Sau 1975, bà lần lượt làm Hiệu trưởng trường Lê Thị Hồng Gấm, trường Marie Curie và trường Sư phạm kỹ thuật TP. HCM. Bà cũng được nước Pháp tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh.

{keywords}

Tác giả, nhà báo kiêm nhà giáo Trần Tố Nga thời trẻ chụp ảnh với con.

Đạo diễn Việt Linh, một người em thân thiết kém tác giả 10 tuổi, nói về bà Tố Nga: “Hồi đó tôi cũng là một cô gái có nhan sắc, tôi đã nghe người ta nói nhiều về chị, khi gặp thì thấy chị còn nhan sắc hơn tôi nhiều lắm”.

Tác giả Tố Nga thời trẻ là một cô gái gốc Sóc Trăng. Bà sống 5 năm đầu đời ở Sóc Trăng, Cần Thơ, Sa Đéc (ba tỉnh tách ra từ tỉnh An Giang cũ). Năm 1954, bà tập kết ra Bắc và tốt nghiệp khoa Hóa trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1965.

Sau đó, bà về miền Nam làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng rồi được cử về Sài Gòn. Tháng 8/1974, bà bị bắt và ở tù cho đến ngày 30/4/1975. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1993, bà sang định cư ở Pháp và trở thành công dân Pháp.

{keywords}

Tác giả (giữa) trong vòng tay độc giả ngày ra mắt cuốn Đường Trần.

Trong cuộc đời vào Nam ra Bắc rồi đi xa Tổ quốc như vậy, bà trải qua vô số biến động. Có những chuyện mắt thấy tai nghe mà bà tâm niệm phải kể lại cho người đời. Trong thời gian tham gia chiến tranh, bà cũng bị nhiễm chất độc da cam, điều mà chỉ phát hiện vào 40 năm sau chiến tranh.

“Bi kịch của nạn nhân da cam là mình gặp bi kịch mà người ta không biết, không thấy” - bà Nga nói. Bề ngoài trông khỏe mạnh bình thường như mọi phụ nữ khác, nhưng bà đã trải qua nỗi đau mất đi con gái đầu lòng khi bé mới 17 tháng tuổi, rồi con thứ hai và cháu ruột mắc bệnh hiếm gặp.

Năm 2016, bà Tố Nga từng ra mắt cuốn sách tiếng Pháp Ma terre empoisonnée (Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi) do NXB Stock ấn hành. Cuốn sách kể về vụ kiện của bà Nga chống lại 26 tập đoàn hóa chất Mỹ tại Tòa án thành phố Evry, Cộng hòa Pháp để tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Khi bản tiếng Pháp vừa ra mắt, ngay trong năm 2016, tác giả bắt tay vào viết tiếp tự truyện của mình nhưng bằng tiếng Việt. Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt là một tác phẩm mới với thêm nhiều chi tiết về cuộc đời bà và vụ kiện mà cuốn sách tiếng Pháp đã không thể truyền tải hết.

{keywords}

Bìa cuốn sách Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt.

“Đường trần trong bình còn gian nan hơn đường trần trong thời chiến” - tác giả chia sẻ trong buổi ra mắt sách. Một trong những di chứng bà phải chịu là căn bệnh ung thư mà phụ nữ lớn tuổi thường gặp. Nhưng việc từng đối mặt với cái chết đã cho bà động lực to lớn để viết xong những trang cuối của cuốn Đường Trần trong 5 tuần xạ trị trên đất Pháp.

Trong trang sách không chỉ là cuộc đời của một con người, mà còn là những lát cắt cuộc đời của nhiều con người trong giai đoạn đầy biến động của đất nước. Nhiều nhân vật trong cuốn sách là người thân trong gia đình tác giả hoặc đồng chí, đồng đội. Sau này, họ trở thành những người có vị trí quan trọng của đất nước.

Bà Trần Tố Nga và hành trình 8 năm vụ kiện da cam

Tháng 5/2009, bà Tố Nga làm nhân chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế ở Paris xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Từ đó, bà đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ đã làm hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm chất dioxin. Bà coi đây là cống hiến cuối cùng của đời mình.

Năm 2013, bà Tố Nga đã tiếp tục khởi kiện đòi bồi thường cho 4 triệu nạn nhân Việt Nam.

Năm 2014, tòa đại hình Evry của Pháp chấp nhận đơn kiện và chuyển đơn đến 26 tập đoàn hóa chất Mỹ.

Tháng 9/2017 này, bà Tố Nga sẽ trở lại Pháp dự phiên tranh tụng thứ chín. Hiện bà cũng đang trong quá trinh điều trị ung thư.

Theo Zing