Sau thành công của tập truyện thiếu nhi “Ba nàng lính ngự lâm” và tập truyện ngắn dành cho tuổi mới lớn “Thế gian màu gì?”, nhà văn Nguyễn Đình Tú tiếp tục cho ra mắt truyện dài “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” dành cho tuổi thiếu niên.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ về nguồn cảm hứng để anh viết tác phẩm: “Những đứa trẻ lên mười có khả năng hấp dẫn bạn đọc ghê gớm. Những đứa trẻ lên mười cũng có khả năng trình ra trước bạn đọc cả một thế giới nội tâm đa dạng và phức tạp của mình. Những đứa trẻ lên mười cũng đã có thể có những hành động làm thay đổi cuộc đời mình hoặc những người xung quanh. Những đứa trẻ lên mười vốn bí ẩn, thú vị và luôn mang lại bất ngờ cho cuộc sống quanh chúng. Những đứa trẻ lên mười cũng là một phần của chính tôi. Và thế là tôi nghĩ đến một câu chuyện… Câu chuyện về những đứa trẻ lên mười. Đó chính là Chú bé đeo ba lô màu đỏ.”

{keywords}

Nhân vật chính trong cuốn sách là cậu bé Hưng, một cậu bé tuổi lên mười ở một thị trấn nhỏ nằm khuất nẻo vùng trung du phía Bắc những năm 90 của thế kỉ trước. Từ nhỏ, Hưng sống với bố và chưa bao giờ được biết mặt mẹ. Nỗi tò mò về mẹ cứ lớn dần trong Hưng khi bị bạn bè tra hỏi riết ráo, thôi thúc Hưng bước vào hành trình tìm kiếm mẹ qua manh mối duy nhất mà cha cậu hé lộ. 

Mang theo hành trang là chiếc ba lô màu đỏ trên lưng, với biệt danh “chú bé đeo ba lô màu đỏ” do người bạn gái thân thiết cùng lớp thường gọi, Hưng lên đường hằng mong tìm được người mẹ yêu dấu, tìm về gốc gác nguồn cội của mình mà không thể tưởng tượng được rằng, hành trình mà cậu sắp trải qua sẽ gặp bao sóng gió. Trong hành trình ấy, Hưng đã đi qua nhiều vùng miền, gặp nhiều người khác nhau trong xã hội, cả người tốt lẫn kẻ xấu. Những biến cố, những sự kiện không may xảy ra liên tiếp giúp Hưng trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, “không được sợ” – như lời cô Đào – một ân nhân đã cưu mang và yêu thương Hưng luôn nhắn nhủ với cậu.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú khéo léo dẫn dắt độc giả bằng lối kể chuyện đầy cuốn hút. Tác giả không kể theo trình tự thời gian tuyến tính mà quá khứ hiện tại xen kẽ lồng ghép với nhau, khiến người đọc luôn phải đặt câu hỏi, phỏng đoán về gốc gác của sự việc, chăm chú dõi theo và bị cuốn vào câu chuyện một cách tự nhiên.

Tiến sĩ Ngữ văn Hà Thanh Vân đánh giá “Thành công nhất về mặt nghệ thuật của Nguyễn Đình Tú trong tác phẩm này là anh đã chọn được cho mình một giọng kể phù hợp, điều phối khi nhanh, khi chậm, khi gay cấn, lúc êm đềm và có nhiều lúc đầy kịch tính, lên đến cao trào”.

T.Lê