Sau khoảng thời gian vắng bóng, diva Thanh Lam bất ngờ trở lại với hai vai trò dễ gây bất ngờ với công chúng, đó là đầu tư và… đầu bếp, đem tới loạt thực đơn gắn với tên mình.
Từ mê nấu ăn đến ẩm thực Thanh Lam
- Vốn được biết đến là nghệ sĩ luôn tràn đầy năng lượng, hẳn rằng thời gian qua chị dành để thai nghén, ấp ủ những kế hoạch riêng?
Thanh Lam đang cùng các anh em tâm huyết thành lập một doanh nghiệp có tên công ty Đầu tư và Phát triển nghệ thuật Việt Nam. Nghệ thuật ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ có âm nhạc mà còn hội hoạ, thậm chí là nghệ thuật ẩm thực.
Ca sĩ Thanh Lam trong không gian của Cigar House. |
- Rất thú vị khi được biết chị là một người mẹ nghệ sĩ mê nấu ăn cho con cái và người thân. Vậy đây có phải là một đam mê thứ hai của chị ngoài âm nhạc?
Tôi xem việc nấu ăn là phương thức tuyệt vời để chia sẻ tình cảm, sự quan tâm, thậm chí là gửi đi năng lượng tinh thần tích cực từ đó. Tôi luôn muốn được tự tay nấu nướng cho những đứa con thân yêu của mình và những người bạn hữu. Tuy vậy, trong nhịp sống bận rộn, đôi lúc chúng ta cũng phải mang những bữa cơm nhà ra phố. Vì lẽ đó, công ty chúng tôi có sự đồng thuận trong việc phát triển nhà hàng TPP vốn đã thân thuộc với nhiều người trở thành Cigar House. Đây trở thành ngôi nhà thứ hai để tôi có thể tự mình vào bếp và mời người thân, bạn bè, quan khách thưởng thức một thứ đặc sắc được gọi là… ẩm thực Thanh Lam, hay Lam cuisine (cười).
Thanh Lam lấn sân nghệ thuật… ẩm thực |
Muốn ẩm thực Việt đạt tới giá trị xứng tầm
- Từ nấu cho con cái và bạn bè ăn đến kinh doanh ẩm thực là hai câu chuyện, như chị nói là chuyện nhà và chuyện hàng, chị có bí quyết gì để có đủ tự tin bước vào lĩnh vực xa xỉ và tốn kém này?
Là công ty đầu tư, chúng tôi muốn đồng lòng xây dựng một nền tảng doanh nghiệp cũng như sản phẩm đi kèm dựa trên văn hoá và bản sắc Việt. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, điều chúng tôi muốn hướng tới là những gì chứa đựng giá trị Việt mạnh mẽ, sâu sắc và trong quá trình kinh doanh, chúng tôi ngộ ra đó là giá trị gia đình. Từ đây chúng tôi bắt đầu tạo nên những điều đơn giản như mâm cơm “Lam Cuisine” cho gia đình, thực đơn “Lam Menu” cho bữa trưa công sở, cho đến “Lam Fine Dining” cho những bữa tiệc tối cầu kỳ…
- Nhưng rõ ràng “người đàn bà không tuổi” phải có bí quyết riêng để có thể tự tin dấn thân vào lĩnh vực mà không ít đại gia đốt tiền mà vẫn không mua nổi danh, để rồi xem nó là một sự “cống hiến” theo kiểu “cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi”?
Tôi nghĩ ẩm thực và văn hoá thì thường song hành. Nói đến Trung Quốc ta nghĩ đến con vịt quay, nói đến văn hoá Pháp ta nhớ đến chai rượu vang, vậy thì nói đến Việt Nam ta cũng phải có sự tự tin về ẩm thực.
Bạn bè quốc tế thường hỏi tôi sao người Việt Nam không bị béo phì, sao thon thả thế; hay có khi hỏi sao Thanh Lam trẻ lâu thế? Có lẽ câu trả lời nằm ở đạo trung dung nằm sâu trong nếp ăn, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt.
Tôi phát hiện ra rằng bữa ăn Việt khác biệt so với thế giới và đặc sắc nằm ở triết lý âm dương, có rau kèm thịt, có đạm có xơ, có giá có ruốc, rất chi là hài hoà.
Tôi cũng áp dụng triết lý này vào mỗi bữa cơm của mình để tạo nên cái mà mọi người gọi là bí quyết gìn giữ nhan sắc hay sự tươi tắn, trẻ trung.
- Câu hỏi cuối cùng, chị có thông điệp gì gửi gắm khi tham gia đầu tư vào một lĩnh vực vừa có tính văn hoá vừa mang màu sắc thương mại này?
Cũng giản dị thôi, nói thông điệp có vẻ hơi to tát nhưng có một thực tế là tôi có cơ hội đi nhiều nơi, lang thang nhiều quán từ trong nước đến thế giới, tôi thấy người Việt đôi khi tự hạ thấp mình quá. Là nước đi lên từ nông nghiệp, vậy mà chúng ta quên rằng để thành công thì những nước có nền công nghiệp ẩm thực đều nhờ đến nông nghiệp. Từ sản phẩm nông nghiệp trở thành nguyên liệu, rồi thành phẩm theo dây chuyền hiện đại. Những thứ tôi đang làm là hiện thực hoá khát vọng phát huy giá trị truyền thống Việt bằng thừa hưởng tinh hoa công nghệ thế giới, để ẩm thực Việt sẽ được định vị như một giá trị tương xứng với tiềm năng vốn có của chúng ta.
- Cảm ơn chị!
Minh Anh (thực hiện)